Ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường
Ngoài phê duyệt danh mục các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, động thái của UBND tỉnh gần đây là chỉ đạo dừng ngay các dự án có “tiền sử” xấu về môi trường.
Nỗi lo tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng là nhà máy dệt nhuộm đi vào sản xuất nhưng chưa đầu tư hạng mục xử lý môi trường. Sau khi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo, vừa qua KCN Tam Thăng đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải công suất 28.000m3/ngày đêm. Còn ở thị xã Điện Bàn đã ra danh mục ngành nghề không xem xét cho đầu tư vào địa bàn. Dứt khoát không thu hút những dự án công nghiệp gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, huyện Núi Thành thời gian qua đã cho dừng lại ở giai đoạn 1 Cụm công nghiệp (CCN) Trảng Tôn để khắc phục ô nhiễm môi trường; dừng hoạt động nhà máy sản xuất sô đa tại KCN Tam Hiệp, không cấp thêm dự án sản xuất dăm gỗ tại CCN Nam Chu Lai. Về giải pháp kiểm soát môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và công nghệ đánh giá trình độ công nghệ cho doanh nghiệp hàng năm, gia tăng thẩm định dự án đầu tư để dễ kiểm soát, xử lý mức độ công nghệ và tình trạng ô nhiễm. Đồng thời yêu cầu Sở Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong các KCN, CCN, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hướng doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng cường triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. UBND tỉnh cũng phân loại dự án, buộc phải xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường (nếu có) và tăng cường hậu kiểm tốt, không để xảy ra sự cố về môi trường. Định hướng quy hoạch, không gian bố trí, dần loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, sắp xếp phù hợp hơn.
Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án, lĩnh vực tác động lớn đến môi trường gồm dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển; dự án làm mất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa. Danh mục dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện, thủy điện; dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng chất phóng xạ hoặc phát sinh chất thải phóng xạ trên ngưỡng miễn trừ cho phép; dự án xây dựng có lấn sông, lấn biển; dự án xây dựng công trình giao thông ngầm. Dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có sử dụng hóa chất độc hại; dự án chế biến, tinh chế kim loại màu, kim loại phóng xạ, đất hiếm; tuyển, làm giàu đất hiếm, khoáng sản có tính phóng xạ; dự án xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; xây dựng cơ sở sản xuất xi măng, clinker; xây dựng nhà máy luyện kim có sử dụng nguyên liệu là phế liệu; xây dựng cơ sở mạ, phun phủ kim loại; xây dựng cơ sở sản xuất xe máy, ô tô có công đoạn xi mạ; dự án xây dựng cơ sở phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu. Dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chăn nuôi gia súc, gia cầm; chăn nuôi, chăm sóc động vật hoang dã tập trung; xây dựng cơ sở chế biến thủy sản; cơ sở sản xuất đường, bột ngọt; cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột sắn đối với công nghệ sản xuất, chế biến ướt... Theo nguyên tắc, tất cả dự án thuộc danh mục, lĩnh vực nêu trên đều phải có phương án đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường gửi Sở TN-MT có ý kiến trước khi thực hiện các thủ tục hành chính được quy định theo trình tự triển khai dự án đầu tư tại Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 6.1.2016 của UBND tỉnh.
TRẦN NGUYỄN