Rèn thân, luyện người
Ở lĩnh vực thể thao, việc học viên trẻ vừa tập luyện thi đấu đạt thành tích cao, vừa đảm bảo việc học văn hóa là nỗ lực lớn đáng ghi nhận.
Trong khuôn khổ giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam lần thứ XXI năm 2017, Ban tổ chức đã trích một phần kinh phí từ việc huy động của các đơn vị tài trợ trao 20 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thành tích thi đấu, học tập xuất sắc đang theo học tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao (TDTT) tỉnh. Qua đó, động viên tinh thần các tài năng trẻ tiếp tục nỗ lực vươn lên.
Thành tích cao
Nguyễn Thị Ánh Nhựt và Võ Văn Mạnh (ảnh nhỏ) trong giờ tập luyện. Ảnh: VINH ANH |
Còn quá sớm để nói về thành công của Võ Văn Mạnh (17 tuổi, bộ môn Karatedo, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh), tuy nhiên những thành tích Mạnh đạt được rất đáng khen ngợi. Nổi bật: Huy chương (HC) đồng Giải trẻ Karatedo toàn quốc năm 2016, HC vàng Giải trẻ Karatedo toàn quốc năm 2017, HC bạc Giải Cup các câu lạc bộ toàn quốc năm 2016… Nhiều huấn luyện viên ở Đội tuyển Karatedo tỉnh đánh giá rất cao thành tích của Mạnh. Bởi với một vận động viên chỉ mới bước vào tập luyện chuyên nghiệp khoảng 3 năm (Mạnh được tuyển chọn vào trường năm 2014) thì thành tích đoạt HC vàng không phải dễ dàng. Bởi vì, thông thường một vận động viên muốn đủ độ “chín” để thi đấu có thành tích thì phải mất khoảng 5 - 7 năm luyện tập chuyên nghiệp. Mạnh chia sẻ: “Năm 2016, Mạnh đã được “cọ xát” tại Giải trẻ toàn quốc nên lần thứ 2 tham gia khá tự tin. Vào giải, Mạnh chỉ biết cố gắng tập trung thi đấu hết mình nhằm tích lũy, học hỏi kinh nghiệm. Có lẽ do tâm lý thi đấu thoải mái là yếu tố góp phần vào thành công vừa qua”.
Là người theo sát các vận động viên trẻ trong quá trình tập luyện và thi đấu, bà Bùi Thị Nhung - Huấn luyện viên Đội tuyển Karatedo tỉnh nhìn nhận: “Mặc dù thời gian tham gia tập luyện chuyên nghiệp chưa dài nhưng ở Mạnh có những tố chất rất tốt trong thể thao. Trong tập luyện Mạnh rất nỗ lực, chịu khó, chấp hành tốt sự chỉ dạy của huấn luyện viên và quy chế của trường. Trong thi đấu, Mạnh có một điểm mạnh mà không phải vận động viên nào cũng có đó là ý chí, sự tự tin. Vì thế có lúc Mạnh bị đối phương dẫn điểm nhưng cuối cùng lại vượt lên khiến nhiều người bất ngờ. Nếu duy trì việc tập luyện và thi đấu cọ xát thường xuyên, tôi nghĩ Mạnh sẽ tiến xa hơn trong thể thao thành tích cao”.
Được biết, Mạnh quê ở xã Bình Giang (Thăng Bình), bố mẹ làm nghề nông, sau Mạnh còn 2 đứa em đang là học sinh. Việc Mạnh được tuyển chọn vào Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh vừa là niềm tự hào của gia đình, nhưng đồng thời cũng giảm đi một gánh nặng cho ba mẹ.
Học làm người
Học viên được tuyển chọn vào Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh chủ yếu ở lứa tuổi học sinh THCS. Do đó, việc phải xa gia đình, vào trường phải tự lập trong ăn ở, sinh hoạt… là chuyện không hề đơn giản, nhất là vừa tập luyện vừa đảm bảo học văn hóa. Nhiều bạn chia sẻ rằng, việc phải tuân thủ những bài tập luyện rèn thể lực và kỹ năng thi đấu rất nặng trước và sau khi đến lớp là một áp lực lớn. Thế nhưng, học viên tại Trường Năng khiếp nghiệp vụ TDTT tỉnh vẫn nỗ lực để kiếm con chữ, với mục đích “thành người trước khi thành danh”.
Hai nữ học viên Nguyễn Thị Ánh Nhựt và Huỳnh Thị Thanh Thúy, cùng 17 tuổi, đang học văn hóa tại lớp 12, Trường THPT Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ. Nhựt quê ở Nông Sơn, là học viên môn Taekwondo; Thúy quê Đại Lộc, là học viên môn Wushu. Đến nay, sau gần 3 năm vào tập luyện tại trường, cả Nhựt và Thúy đều đã giành được thành tích tại các giải đấu trẻ, lần lượt là HC đồng tại Giải các câu lạc bộ miền Trung - Tây Nguyên năm 2016 và HC đồng ở giải trẻ toàn quốc năm 2017. Tuy nhiên, nhắc đến 2 học viên nữ này, chúng tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn về nỗ lực trong việc bảo đảm chương trình văn hóa song song với tập luyện. Theo đó, 2 năm liên tiếp Nhựt đạt học sinh tiên tiến của trường, còn Thúy từ học lực trung bình năm lớp 10 thì qua lớp 11 đã vươn lên đạt học sinh tiên tiến.
Chia sẻ với chúng tôi, Nhựt và Thúy đều cho biết, khối lượng vận động, tập luyện ở trường quá nặng khiến cho việc tiếp thu bài ở lớp học văn hóa rất khó khăn. “Buổi sáng phải dậy từ 5 giờ để tập các bài tập vận động, nên khi lên lớp học người rất mệt và mỏi, khó tiếp thu bài vở. Chiều về lại tiếp tục tập luyện. Đến tối phải tập từ 18 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút mới được nghỉ. Vì vậy, thời gian ôn bài, làm bài tập hầu như rất ít” - Nhựt tâm sự. Được sự động viên của các thầy cũng như anh chị đi trước, nhiều học viên trẻ đã vượt khó để học tốt văn hóa. Thúy cho biết: “Ngoài tập luyện thể thao, các thầy luôn nhắc nhở và động viên các bạn học văn hóa. Nhờ vậy, kết quả học tập cũng khả quan hơn”. Anh Đoàn Thanh Hùng, cán bộ Phòng Huấn luyện đào tạo Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh cho biết: “Bên cạnh việc tập luyện, thi đấu thể thao, nhà trường rất coi trọng việc học văn hóa của các học viên. Chúng tôi xác định phải dạy các em thành người trước khi thành danh. Do đó, nhà trường và trực tiếp là các huấn luyện viên thường xuyên nhắc nhở, theo dõi việc học văn hóa của các em. Những em có thành tích tốt trong học văn hóa đều được nhà trường khen thưởng và động viên kịp thời”.
VINH ANH