Ấm tình đồng đội
Chiến tranh đi qua, nhiều người con ở khắp mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống trên vùng đất Nông Sơn, không ít liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Trải qua cùng năm tháng, bao thế hệ cựu chiến binh và nhân dân đất này vẫn luôn tưởng nhớ, tri ân người nằm xuống vì độc lập dân tộc, sưởi ấm linh hồn các liệt sĩ “chưa rõ tên”.
Cựu chiến binh xã Quế Trung (Nông Sơn) viếng hương tại nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 31. Ảnh: TÂM LÊ |
“Ngôi nhà chung”
Chiếc thuyền máy vượt sóng nước hồ Đập Ông Đà đưa chúng tôi đến viếng hương nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2, Quân khu 5 hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ) nằm trên khu đất giữa hồ thuộc thôn Trung Nam, xã Quế Trung. Giữa không gian yên bình, ông Nguyễn Sanh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quế Trung kể, từ ngày 17 đến 19.10.1966, Trung đoàn 31 được giao nhiệm vụ tiến công bao vây tiêu diệt cụm cứ điểm Trung Phước - Nông Sơn. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, quân địch bị tiêu diệt nhiều. Song trong trận này cũng có đến 200 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 31 hy sinh, đến nay mới tìm được 139 liệt sĩ; những trường hợp còn lại hoặc là không rõ danh tính, hoặc không tìm thấy hài cốt. Đây cũng là điều khiến cho Hội Cựu chiến binh xã Quế Trung nhiều năm trước luôn băn khoăn, trăn trở, mong muốn có một “mái nhà chung” để các liệt sĩ an nghỉ. Năm 2014, từ nguồn kinh phí của Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 31, Hội Cựu chiến binh xã Quế Trung vận động hội viên tham gia đóng góp 286 ngày công để xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ. Sau khi bia tưởng niệm hoàn thành, năm 2015 Hội Cựu chiến binh xã tiếp tục vận động hội viên đóng góp 20 triệu đồng làm nhà vòm che bia tưởng niệm. Ông Sanh chia sẻ: “Vì khu vực dựng bia tưởng niệm nằm ở giữa lòng hồ nên việc vận chuyển vật liệu rất khó khăn. Thế nhưng với mong muốn có một “ngôi nhà chung” cho các liệt sĩ, anh em hội viên ai cũng nhiệt tình tham gia cho việc làm đền ơn đầy ý nghĩa này”.
Tương tự, xuất phát từ sự tri ân 21 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) hy sinh tại chân đồi Gò Trại, thôn Xoài Đôi, nay là thôn Ninh Khánh, xã Quế Ninh, bia tưởng niệm ghi công các liệt sĩ Trại Tiệp được nhân dân và hội viên cựu chiến binh thôn Ninh Khánh góp công xây dựng vào năm 2012, kinh phí gần 100 triệu đồng. Năm 2016, bia tưởng niệm có dấu hiệu xuống cấp, một cán bộ về hưu trên địa bàn huyện đã vận động nguồn kinh phí, và hội viên cựu chiến binh thôn Ninh Khánh một lần nữa góp công xây dựng lại nhà bia khang trang hơn, với kinh phí hơn 200 triệu đồng. Là một trong những cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng nhà bia, ông Nguyễn Thanh Xuân (thôn Ninh Khánh 1) tâm sự: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng có biết bao đồng đội của chúng tôi ra đi không bao giờ trở lại, ôm tình yêu quê hương tha thiết nằm xuống đất mẹ. Tham gia xây dựng nhà bia cũng là cơ hội để chúng tôi góp chút công sức của mình nhằm tri ân những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống”.
Sưởi ấm bằng nghĩa tình
Sau khi đến nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 31 ở thôn Trung Nam, hội viên cựu chiến binh xã Quế Trung mỗi người làm phần việc của mình. Người lo quét dọn, người phát cỏ, chăm sóc những cây bồ đề, vạn tuế trồng xung quanh bia tưởng niệm… Cựu chiến binh Nguyễn Thị Khương (65 tuổi) mắt nhòe đi không biết vì khói hương hay vì những thước phim chiến đấu anh dũng một thời sống lại trong ký ức. Bà Khương rưng rưng nói: “Từng tham gia chiến đấu, đương đầu với kẻ thù nên tôi hiểu rõ sự tàn khốc và những đau thương do chiến tranh để lại. Các anh phải rời xa quê hương và gia đình mình, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này, đó là nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai. Hòa bình lập lại, với ân tình đồng chí, đồng đội, anh em hội viên cựu chiến binh địa phương tổ chức dọn vệ sinh thường kỳ và thắp nhang cho các anh. Mong các anh ấm lòng yên nghỉ”. Ông Nguyễn Sanh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quế Trung còn cho biết: “Ngoài những lần tổ chức quét dọn vệ sinh, viếng hương dịp lễ tết, một số cựu chiến binh có đất canh tác ở gần nhà bia tưởng niệm như ông Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Kim Hùng hầu như ngày nào cũng đến thắp nhang cho các liệt sĩ. Đó là lòng tri ân liệt sĩ và cũng là tâm tình của những đồng đội với nhau”.
Trong chuyến đi với chúng tôi lần này có bà Nguyễn Thị Tuyết lặn lội từ Đắk Lắk về viếng hương cho bố là liệt sĩ Nguyễn Văn Quỳ (sinh năm 1925). Đốt nén nhang dâng lên bố và đồng đội, bà Tuyết tâm sự: “Ngày bố hy sinh, anh em chúng tôi còn nhỏ và sống ở Hà Nội. Đến khi vào đây thì hay tin hài cốt của bố tôi không tìm được. Đó là niềm thương và nỗi đau đáu của gia đình. Nhưng bây giờ, khi thấy bố và đồng đội của ông được quy tập về “ngôi nhà chung” bằng bia tưởng niệm, được chăm sóc trong tình yêu thương của các đồng chí và nhân dân địa phương, gia đình chúng tôi thật sự vui mừng, phần nào yên lòng với người bố đã khuất”.
Hằng năm, vào ngày Thương binh liệt sĩ 27.7, Hội Cựu chiến binh các xã Quế Trung, Quế Ninh cùng với chính quyền và nhân dân tổ chức ngày giỗ tập thể các cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại địa phương. Đó là một nghĩa cử tâm linh thiêng liêng, cũng là cách nâng cao ý thức, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Ông Nguyễn Văn Quốc - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quế Ninh cho biết, hội đã phân công hội viên luân phiên mỗi tháng quét dọn vệ sinh nhà bia tưởng niệm một đến hai lần; trồng, chăm sóc cây xanh và hoa quanh khu vực nhà bia. “Các dịp lễ tết, chúng tôi tổ chức cho hội viên và đoàn viên thanh niên viếng hương, thắp nến tri ân. Và những thời khắc ấy, nơi các anh hùng liệt sĩ an nghỉ trở nên ấm áp, lung linh hơn bởi những nén nhang thơm và những ngọn nến ấy được thắp lên bằng tất cả tình yêu thương nồng ấm, sự tri ân của đồng chí, đồng đội và thế hệ đi sau” - ông Quốc chia sẻ.
TÂM LÊ