Không... đơn độc

TRUNG VIỆT 23/08/2017 08:21

Chuyện nhà báo Phạm Lê Hoàng Uyển lợi dụng loạt phóng sự điều tra của Báo Phụ nữ để tống tiền doanh nghiệp (DN), đang làm nóng mạng xã hội, nhất là làng báo. Nhưng, nóng là nóng với ai?

Chiêu thức “sáng gặp, trưa đăng, chiều gỡ” rộ lên từ khi báo mạng rầm rộ,  thực ra không mới. Thời báo mạng chưa là gì cả, chống tiêu cực chỉ đóng đinh ở báo giấy, việc can thiệp để không đăng tiếp, vẫn xảy ra thường xuyên ở các báo, không nhiều thì ít. Thậm chí, báo chưa đăng, DN đã biết, vì sếp cầm bài của phóng viên và nhấc điện thoại à ơi, rồi bịa ra lý do này nọ, gác bài. Một hình thức gỡ khi chưa đăng. Nhẩm tính, có tới 5 kiểu gỡ, kể cả kiểu vừa kể. Đó là báo này đăng, cũng chính báo đó ra điều kiện, gỡ. Dùng bài đó, đồng nghiệp báo khác tới dọa, kiếm ít bạc, rồi liên doanh với ai đó trong cơ quan đó, gỡ. Tóm lại, là gỡ bài tồn tại dưới dạng cá nhân hay có tổ chức.

Quay lại chuyện Hoàng Uyển, một mình cô, chắc không dám chơi màn ăn dày một mình. Bảy trăm triệu đồng, không phải chuyện chơi.

Dù bất luận là ai, thì nó phơi bày một thực trạng xấu xa trong làng báo, là chuyện chống tiêu cực và ăn tiền. Có người phân tích rằng, khi bổn báo và phóng viên xác định chống tiêu cực để rồi gỡ bài, ăn tiền, là do người cầm trịch tờ báo không phải là nhà báo chính hiệu. Chính xác. Trừ khi phải gỡ bài theo chỉ đạo vì ảnh hưởng đến chính trị xã hội, thì đành, còn lại, đã đăng thì đừng gỡ. Thực ra, nói thẳng băng thì quá khó, bởi ai cũng có quan hệ này nọ, không thân thì sơ, không trên thì dưới, không gỡ giờ thì mai mốt, không để trang ngoài thì lùi trang trong… Dân ta có thói duy tình, thì thôi tha cho họ, họ biết lỗi rồi, họ khổ lắm, họ vô tình. Thôi được. Nhưng lừa đảo, ăn cướp trắng trợn mà xin tha, thì dứt khoát quên đi. Nhà báo chính hiệu, cầm trịch một tờ báo, thì phải biết rằng, trên cả tiền bạc là danh dự anh em, bài gỡ được là người ta khinh cả chính mình, sẽ rêu rao rằng, ôi trời, tờ đó là vớ vẩn, “có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, phóng viên sẽ coi thường sếp, điều đó là tất yếu.

Gỡ bài để kiếm tiền hoặc không kiếm tiền, đã thành tiền lệ trong làng báo. Nhưng cướp công sức xương máu anh em để ăn bẩn, là phải bị trừng trị. Nói điều này, ai làm báo trung thực đều biết, ít nhất không dưới một lần ngó quanh có ông bà nào đó dùng bài vở mình để đánh quả. Nhiều, chứ không phải ít, thậm chí quá nhiều, nên thưa rằng, làng báo đừng nóng mặt. Khi bể ra việc này, nhiều người nói, hèn chi bao nhà báo, cơ quan thu thu nhập chẳng bao nhiêu, thời gian vào nghề cũng chưa hết đầu ngón tay, khả năng làm báo thì ất ơ, mà vèo, xe hơi nhà lầu, chỉ có mánh mung, ăn cướp chứ lấy đâu ra.

Rồi đây là lòi sẽ ra ai cùng “hiệp thương” với Hoàng Uyển làm tiền. Điều muốn nói, nếu có nhà báo nào đó cùng tham gia, thì cũng chuyện thường, nhưng nếu có dính đến quan chức tham gia tác động, thì nói lại một điều khác buồn chán hơn, là lâu nay, không ít vị có máu mặt lợi dụng uy thế mình để ép ban biên tập, ép anh em, biến thắng thành thua. Đây là thói trục lợi vô liêm sỉ hơn cả người trực tiếp cầm tiền. Báo chí chống tiêu cực, cần sự đồng hành của cả xã hội, trong đó, quan trọng nhất là nhà cầm quyền. Đã hô hào chiến đấu, thì không được chen ngang, đâm sau lưng chiến sĩ, đừng bày trò này nọ để làm khó báo chí. Nếu lòi ra từ vụ này ông bà nào đó, thì các vị khác hãy coi đó là gương tày liếp, đừng có nhúng tay dơ bẩn vào.

Có người nói, cũng tại báo mạng tràn lan, quản không được, nói quy hoạch báo chí đâu không thấy, vài ngày lại thấy một tờ lạ hoắc chào hàng, làng báo đông hơn họp chợ. Phát triển là nhu cầu, không thể cản. Mà muốn quản lý tốt, thì phải tinh tuyển lãnh đạo đủ đức đủ sức làm báo, không phải cứ thích là điều về làm tổng biên tập trong khi tin và bài không biết phân biệt và phải có chế tài mạnh. Phóng viên mà ăn bẩn, thì trị nặng tổng biên tập, thẳng tay, thử hỏi ai không run, không răn đe lính tráng mình? Nhưng thói đời, làm to thì quan hệ rộng, muốn trị cũng khó, nhất là làng báo, nhạy cảm lắm. Thường bể chuyện ra, lính ăn đòn là chính, chứ sếp mấy khi bóc lịch?

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT