"Ánh sáng" của người mù

VINH ANH 16/08/2017 09:22

Nhiều người mù đã tìm thấy “ánh sáng” cuộc đời mình, nhờ có sự đồng hành, giúp sức của các tổ chức hội, sự sẻ chia của người cùng cảnh ngộ và bằng nghị lực của bản thân…

Hội viên người mù TP.Tam Kỳ đã tìm được niềm vui cuộc sống khi cùng tham gia sản xuất, sinh hoạt tại cơ sở của hội. Ảnh: VINH ANH
Hội viên người mù TP.Tam Kỳ đã tìm được niềm vui cuộc sống khi cùng tham gia sản xuất, sinh hoạt tại cơ sở của hội. Ảnh: VINH ANH

“Tôi đã làm được…”

Ngày nào tôi còn có khả năng làm được việc, sản phẩm mình làm ra vẫn còn mang lại lợi ích cho mọi người thì ngày đó cuộc sống của tôi vẫn còn ý nghĩa(ông Nguyễn Đình Hùng)

Ngồi trước mặt tôi là anh Nguyễn Huy Cường - năm nay 37 tuổi, quê ở Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), kỹ thuật viên mát xa tại cơ sở 613 Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ). Nếu không được cán bộ Hội Người mù TP.Tam Kỳ giới thiệu, dù có ngồi đối diện nói chuyện với anh cả buổi chắc chẳng mấy ai biết anh bị mù; bởi nhìn vẻ ngoài, đôi mắt anh vẫn bình thường như bao người khác. Anh Cường chia sẻ, cách đây 5 năm, khi đang là một thanh niên khỏe mạnh, làm việc trong một công ty may tại TP.Hồ Chí Minh, tự dưng anh bị lên cơn đau đầu, sau đó đôi mắt dần mờ đi và rồi không còn nhìn thấy được nữa. Vợ anh đưa đi chữa trị ở nhiều bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh nhưng không có kết quả. Từ khi bị mù, anh thấy mình như người bỏ đi vì không tự làm được bất cứ việc gì. Cuối cùng, vợ chồng anh cùng đứa con trai nhỏ phải về quê sống với bố mẹ. Từ chàng trai khỏe mạnh, là trụ cột trong gia đình, khi về quê, việc duy nhất anh có thể phụ giúp gia đình là đi chăn bò cùng đám trẻ con trong làng. “Quãng thời gian đó thật sự rất khó khăn với tôi. Tôi luôn có tâm trạng không tốt, buồn và chán đời. May rằng phía sau tôi còn có gia đình, vợ con hết mực động viên” - anh Cường chia sẻ.

Tưởng rằng từ nay cuộc đời phải sống “tầm gửi” vào gia đình thì đến năm 2014, “ánh sáng” cuộc đời đã đến với anh Cường. Đó là lúc Hội Người mù TP.Tam Kỳ đến thăm hỏi và vận động gia đình cho anh đến hội học nghề. Ông Nguyễn Ngọc Bắc - Chủ tịch Hội Người mù TP.Tam Kỳ cho hay, ban đầu gia đình anh Cường một mực từ chối đề nghị của hội vì lo rằng anh không thể tự chăm sóc bản thân nếu không có người thân bên cạnh. Nhưng rồi gia đình cũng đồng ý cho anh Cường đi học nghề khi Hội Người mù thành phố kiên trì đến vận động. Đến với trụ sở Hội Người mù Tam Kỳ (tại 613 Phan Châu Trinh), anh Cường đã được các anh chị đi trước dạy nghề mát xa, sau đó được gửi đi tham gia khóa đào tạo cơ bản về xoa bóp, bấm huyệt tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Hết khóa học, anh được đưa về làm kỹ thuật viên mát xa tại cơ sở của hội với thu nhập ổn định 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Điều này là ngoài sức tưởng tượng của anh Cường và người thân trong gia đình. Anh Cường tâm sự: “Hôm nhận tháng lương đầu tiên, những đồng tiền do mình tự làm ra kể từ ngày đôi mắt bị mù, tôi đã hạnh phúc và sung sướng không tả nổi. Tôi cứ nghĩ cuộc đời mình coi như bỏ đi, sống mù lòa, vô dụng cho đến già. Nhưng không ngờ tôi đã làm được, tôi vẫn có thể kiếm tiền, giúp vợ con trang trải cuộc sống”. Được biết, nhờ đồng tiền dành dụm từ nghề mát xa, anh Cường đã phụ với vợ để sửa chữa lại ngôi nhà ở quê với kinh phí gần 60 triệu đồng.

Niềm vui dưới “mái nhà chung”

Trụ sở Hội Người mù Tam Kỳ - cũng là nơi đặt cơ sở sản xuất của hội - lâu nay được xem như “ngôi nhà chung” của hội viên thành phố, ở đây có nhiều người mù đã ngoài 60 tuổi, không ít người gắn bó gần cả cuộc đời. Họ xem đây như nhà mình, là gia đình thứ hai, vì thế mỗi người xem nhau như những “bạn đời”, anh em ruột thịt, sớm hôm nương tựa để vượt qua cảnh đời không may. Người anh cả trong “ngôi nhà chung” này là ông Nguyễn Đình Hùng (SN 1948, quê Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ). Ông Hùng đã gắn bó ở ngôi nhà chung này gần 30 năm. Ông kể, năm 17 tuổi, ông bị té ngã trong một lần chạy trốn, tìm chỗ trú bom và bị thương ở đầu. Sau đó, mắt ngày một mờ đi, không cách nào chữa trị. Nhà có 4 anh em thì 2 người đã hy sinh trong chiến tranh, ông Hùng sống với bố mẹ và không lập gia đình. Khi bố mẹ qua đời, dù còn gia đình người em út (ở phường An Phú, Tam Kỳ), ông xin vào cơ sở của Hội Người mù TP.Tam Kỳ để học nghề.

Người mù sản xuất, kinh doanh tạo doanh thu hơn 18,1 tỷ đồng

Từ năm 2012 đến nay, tổng doanh thu sản xuất kinh doanh và dịch vụ của Hội Người mù các cấp trong toàn tỉnh đạt hơn 18,1 tỷ đồng, vượt gần gấp đôi giai đoạn 5 năm trước đó (hơn 9,3 tỷ đồng). Riêng Hội Người mù tỉnh hiện quản lý 7 cơ sở, 2 tổ hợp tập trung, 11 cơ sở gia đình sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và 8 cơ sở mát xa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động là người mù. Năm năm qua, các cấp hội đã mở hàng chục lớp dạy nghề cho hàng trăm người mù; lập 29 dự án cho 260 lượt người mù vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm để mưu sinh; tổ chức thăm hỏi, trợ cấp khó khăn cho hơn 48 nghìn lượt hội viên với tổng trị giá hơn 17 tỷ đồng; vận động hỗ trợ hội viên xây mới và sửa chữa 80 ngôi nhà; tặng 135 sổ tiết kiệm…

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.420 hội viên người mù, trong đó hơn 71% số hội viên có độ tuổi hơn 55.

Ông Hùng vào Hội Người mù TP.Tam Kỳ từ những ngày đầu thành lập hội (năm 1994) và gắn bó cho đến bây giờ. Khi được hỏi vì sao không về sống cùng gia đình người em út, ông Hùng chân thành nói: “Tôi sống đây quen rồi. Cũng có nhiều lúc em trai đến đưa về ở cùng gia đình. Nhưng đâu được vài ba hôm tôi thấy buồn, nhớ mọi người ở mái nhà chung nên lại quay về. Ở đây, như gia đình thứ hai của tôi vậy. Tôi được làm việc, được sinh hoạt, trò chuyện, tâm tình với những anh chị em cùng hoàn cảnh nên cảm thấy cuộc đời vui và ý nghĩa hơn”. Ông Hùng cho biết, ban đầu ông được Thành hội Tam Kỳ cho đi học nghề làm tăm tre, sau đó chuyển qua học nghề làm chổi đót. Bây giờ, sức khỏe yếu, mỗi ngày ông chỉ làm được 10 - 15 cây chổi, tiền công mỗi cây chỉ 2.000 đồng nhưng ông cũng cảm thấy vui và ý nghĩa. “Ngày nào tôi còn có khả năng làm được việc, sản phẩm mình làm ra vẫn còn mang lại lợi ích cho mọi người thì ngày đó cuộc sống của tôi vẫn còn ý nghĩa” - ông Hùng chia sẻ.

Cùng vượt qua nghịch cảnh

Tam Kỳ hiện có 2 cơ sở sản xuất, mát xa do Hội Người mù thành phố quản lý. Đây không chỉ là nơi làm việc, lao động, sản xuất mà trên hết là mái nhà của những cảnh đời bất hạnh. Ông Nguyễn Ngọc Bắc - Chủ tịch Hội Người mù thành phố cho biết, hiện nay Tam Kỳ có 165 hội viên người mù, trong đó có khoảng 25 cán bộ, hội viên được tạo việc làm tại cơ sở sản xuất và cơ sở mát xa. Hầu hết anh chị em hội viên làm việc ở cơ sở sống luôn tại chỗ, trong đó có nhiều trường hợp đơn thân, không vợ con, sống xa gia đình nhiều năm. Cho nên, ngoài công việc hàng ngày, họ là những thành viên trong một gia đình lớn, luôn biết chia sẻ, nương tựa vào nhau. Cán bộ hội có 3 người, hàng ngày cũng làm việc tại cơ sở để tiện quản lý, theo dõi hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội. Ông Bắc cho biết: “Hiện nay, tại cơ sở sản xuất, mát xa của hội, hội viên đều có việc làm từ tham gia sản xuất, bán sản phẩm, dịch vụ mát xa với mức thu nhập trung bình 1 - 3 triệu đồng/tháng. Với người mù, mức thu nhập này là cả một sự cố gắng, không phải ai có hoàn cảnh tương tự cũng làm được”.

Cùng nằm trên đường Phan Châu Trinh, cách Hội Người mù Tam Kỳ không xa là trụ sở làm việc của Hội Người mù tỉnh. Cán bộ tỉnh hội có 5 người thì 3 cán bộ thường trực bị mù; trụ sở làm việc đã mấy chục năm chưa được sửa sang gì, phòng ốc cũ kỹ. Điều kiện sinh hoạt, làm việc khó khăn là vậy, nhưng hết năm này qua năm khác, những cán bộ Hội Người mù tỉnh vẫn âm thầm cống hiến, thực hiện tốt vai trò, chức trách của tổ chức hội đối với hội viên của mình. Ông Lê Văn Xin - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, từ năm 2012 đến nay, hoạt động của Hội Người mù các cấp trong tỉnh đạt được nhiều kết quả. Trong đó, điểm nhấn chính là công tác đào tạo nghề, dạy chữ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Ông Xin nói: “Hoạt động của hội trong 5 năm qua thu được kết quả toàn diện, các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đều hoàn thành vượt mức và cao hơn rất nhiều so với nhiệm kỳ trước. Kết quả này đã nâng cao vai trò của hội trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên”.

VINH ANH

VINH ANH