Người có mặt khi lịch sử cần (*)

07/08/2017 09:06

LTS: Trong những năm tháng kháng chiến, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ khu 5 có dịp gần gũi với đồng chí Võ Chí Công (tức Võ Toàn), đều có ấn tượng đẹp về con người hành động, quyết đoán và thường có mặt trong các sự kiện lịch sử trọng đại. Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông, Báo Quảng Nam đăng tải một đoạn hồi ký của cố Đại tá Quách Tử Hấp (Anh hùng LLVTND, nguyên Tỉnh đội trưởng đầu tiên thời chống Mỹ của Quảng Nam), để hiểu thêm về một nhà lãnh đạo luôn sâu sát với thực tiễn, cầu thị, giản dị, gần gũi với đồng bào, đặc biệt là nhân dân xứ Quảng...

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng hương tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công vào tháng 3.2017. Ảnh: NGUYỄN ĐOAN
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng hương tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công vào tháng 3.2017. Ảnh: NGUYỄN ĐOAN

Có một nhân vật mà lịch sử cách mạng, kháng chiến của Quảng Nam, khu 5 luôn phải nhắc đến là đồng chí Võ Toàn, tức Võ Chí Công. Trong những năm cùng ở trên căn cứ khu 5, chúng tôi thường gọi thân mật là anh Năm Công.

Trước khi lên khu công tác (từ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Nam rút lên làm quân huấn trước 1965 - TG), tôi đã từng nghe nhiều chuyện kể về anh Năm, biết anh là người sớm làm Bí thư Đảng bộ tỉnh, người có công rất lớn trong việc chỉ đạo tổng khởi nghĩa, để Quảng Nam là một trong 4 tỉnh thành trong cả nước giành chính quyền sớm nhất vào mùa thu Cách mạng tháng 8.1945, rồi đến năm 1960 đã trở thành Bí thư Khu ủy khu 5. Có điều lạ là sau khi giành chính quyền thắng lợi ở Quảng Nam, dường như có đoạn người ta quên anh, nên để anh làm chủ nhiệm chính trị ở một trung đoàn. Tôi nghe nhiều người kể rằng khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào Nam, mới hỏi anh Võ Toàn đâu, rồi cho rút lên khu. Sau đưa anh đi biệt phái sang công tác đông bắc Miên, trở về làm Phó Bí thư Trung ương Cục, và trở ra khu 5 làm Bí thư.

Công tác ở khu, được anh Năm gần gũi bảo ban, chỉ đạo công việc đó là hạnh phúc. Dù chúng tôi ở bên quân sự nhưng trong không khí kháng chiến, quân sự luôn đi liền chính trị - hai chân gắn kết, nên cũng thường được nghe anh Năm huấn thị. Thực tế, ở trướng phủ, anh Năm Công và anh Hai Mạnh (Đại tướng Chu Huy Mân) luôn kề cận bên nhau và anh Năm luôn là người lãnh đạo cao nhất, cho những ý kiến sắc bén trong chỉ đạo chiến lược, chiến dịch.

Trước hết ở anh Năm, nổi rõ là một con người quyết đoán, có mặt đúng lúc những khi lịch sử cần. Chẳng hạn, với Nghị quyết 15, chuyển qua đấu tranh võ trang, ai cũng biết chính anh là người góp thêm cái nhìn đúc kết thực tiễn. Khu 5 cũng là nơi nổ phát súng đầu tiên trong đấu tranh võ trang, sau đó rộ lên phong trào diệt ác phá tề. Và, Quảng Nam từ khởi nghĩa làng Ông Tía đến chiến thắng Núi Thành đã đánh dấu những mốc son mở đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy oanh liệt. Nghị quyết 15 được phổ biến rộng rãi đã thổi luồng gió lớn vào cách mạng miền Nam, là đòn phản công quốc sách tố cộng diệt cộng của Mỹ - Diệm, dẫn đến phong trào đồng khởi phá kèm, làm sụp đổ hệ thống ấp chiến lược của kẻ thù. Trong những thời khắc quan trọng của lịch sử, anh Năm luôn hiện diện với tư cách người lãnh đạo biết nắm bắt và xử lý tốt tình hình thực tiễn. Như khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng (8.3.1965) và Kỳ Hà (7.5.1965), anh đã kịp thời chỉ đạo quán triệt tư tưởng chuyển hướng đánh cả Mỹ và quân lực Sài Gòn, nắm quyền chủ động chiến lược khi chỉ đạo hình thành vành đai diệt Mỹ ở Hòa Vang và Chu Lai. Điều đó cũng là tiền đề để hình thành cách đánh địch sáng tạo trên chiến trường khi xuất hiện các khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”…

Có giai đoạn lịch sử sang trang, anh Năm cũng kịp thời phán đoán tình thế và có chỉ đạo sát sườn. Tôi nhớ như khi Hiệp định Paris năm 1973 vừa ký chưa ráo mực thì địch hô hào lấn chiếm, trong khi một số cán bộ của ta chủ quan Mỹ rút là kết thúc chiến tranh nên để mất đất mất dân. Anh “la” Hai Mạnh, sao không cho đánh tới, chịu ăn lạt à, mau mau tiến xuống kiếm chút muối ăn (ý anh là tiến mạnh xuống phía đồng bằng ven biển, nhanh chóng xác lập đường dây cung cấp hậu cần cho những trận quyết chiến cuối cùng - TG). Và khi thời cơ xuất hiện sau đòn tiến công vào Buôn Ma Thuột cùng lúc với Tiên Phước (10.3.1975), nửa đường đi Tây Nguyên anh quay ra để chỉ đạo vào giải phóng Đà Nẵng. Sớm có mặt ở hướng Thanh Quýt, Điện Thắng - Điện Bàn, anh quyết định vào thành. Đến khi các cánh quân ta còn chưa phủ hết địa bàn thành phố thì anh đã có mặt ở Tòa thị chính Đà Nẵng, gọi điện cho Nguyễn Chơn. Con người nhạy bén, quyết đoán, nắm bắt và xử lý tình hình như vậy thật là một điều kỳ tài. Sau này, khi tôi làm Tỉnh đội trưởng Phú Khánh, anh vào công tác với tư cách đại diện Chính phủ, lần nữa thấy rõ tính cách quyết đoán như vậy. Đó là khi ta còn đang phân vân về chuyện tấn công vào sào huyệt của bọn phản động đội lốt tôn giáo, thì anh hỏi nếu để địch bỏ chạy ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Không ai dám nói mình chịu trách nhiệm cả nên phải chọn phương án chủ động tấn công. Đến khi vào sào huyệt địch, ta mới ngớ người ra là chúng đã chuẩn bị các hầm ngầm, kho vũ khí phá hoại, nếu không bị bắt thì có khả năng xảy ra cuộc bạo loạn lớn vào năm 1977.

Ở anh Năm Công, còn hiện ra một con người giàu tình cảm, giản dị, quan tâm đến từng đồng chí, đồng đội dù chi tiết nhỏ nhất. Tôi nhớ có lần anh đi xuống Quảng Ngãi kiểm tra tình hình. Sau khi nghe báo cáo rằng tỉnh đội rất chăm lo đến cán bộ, chiến sĩ, anh hỏi về một cô huyện đội phó. Lúc ấy, cả vị chỉ huy đến cán bộ tỉnh đội đều ú ớ. Anh mới “nói gay” theo kiểu của ông già xứ Quảng, rằng các anh quan tâm mà để người ta thế đấy, làm huyện đội phó suốt mấy năm chẳng cất nhắc gì. Trí nhớ và sự quan tâm của anh khiến nhiều người phải nể. Chuyện anh nhận con nuôi, giúp cho con trưởng thành nhưng hết sức “chí công vô tư” cũng là nét son về đức độ. Anh là người gần gũi với đồng bào, sâu sát tình hình và cũng rất cầu thị. Nhớ có lần anh giao anh Bảy Thảo (tức Quách Xân, anh ruột tôi) tìm hiểu tình hình phổ biến nghị quyết của Đảng ở miền núi. Anh Bảy bảo tôi đi. Tôi lặn lội qua mấy nóc của đồng bào, hỏi bà con nghe truyền đạt nghị quyết ra sao, ai cũng bảo người nói thì hay, hay nhưng họ không hiểu gì cả. Tôi về báo cáo thực như vậy, anh Năm Công nghe bực lắm nhưng rồi điềm tĩnh rà soát lại và chỉ đạo cán bộ tuyên truyền phải tăng cường học tiếng đồng bào, ba cùng với dân để hiểu và vận động họ giúp đỡ kháng chiến...

--------------------
(Trích từ “Quách Tử Hấp - Hành trình vạn dặm”, Nguyễn Hữu Đổng ghi).
(*) Đầu đề do tòa soạn đặt.