Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 8.2017
Từ tháng 8.2017, nhiều chính sách mới liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội có hiệu lực. Báo Quảng Nam giới thiệu một số chính sách nổi bật.
Quy định mới về công khai ngân sách
Từ 1.8 việc công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư 61/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành. Đối với đơn vị sử dụng ngân sách, công khai dự toán thu - chi NSNN, kể cả phần điều chỉnh giảm hoặc bổ sung (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền giao và nguồn kinh phí khác... Báo cáo dự toán NSNN phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được đơn vị dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền giao đầu năm và điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm (nếu có). Thông tư nêu trên cũng quy định thời gian báo cáo tình hình thực hiện dự toán NSNN hằng quý, 6 tháng, hàng năm.
Tăng lương hưu, trợ cấp thêm 7,44%
Nghị định 76/2017/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng quy định 8 nhóm đối tượng được tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng (so với tháng 6.2017), có hiệu lực từ ngày 15.8. Các chế độ quy định tại nghị định này được thực hiện kể từ ngày 1.7.2017. Theo đó, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với 8 nhóm đối tượng, bao gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Điều chỉnh giá bán điện phải công khai, minh bạch.
Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ ngày 15.8 nêu rõ, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông
Theo Thông tư 15/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). Thời gian làm việc của giáo viên dự bị đại học là 42 tuần (tương tự giáo viên tiểu học, giáo viên THCS và THPT).
Niêm yết công khai giá bán lẻ sữa cho trẻ dưới 6 tuổi
Theo quy định tại Thông tư 08/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương, từ 10.8, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá bán lẻ khuyến nghị đối với hệ thống các thương nhân phân phối sản phẩm của mình. Mức giá bán lẻ phải được niêm yết công khai. Trong trường hợp điều chỉnh giá trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo liền kề trước đó, thương nhân phải thông báo điều chỉnh giá; trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5%, thương nhân phải kê khai giá.
CHÂU NỮ (Tổng hợp)