Thuận vợ thuận chồng làm nên nghiệp lớn
Tin liên quan
|
Xuất phát từ một người bán cà rem, anh Võ Đăng Trí (thôn Thuận An, xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống và vươn lên làm giàu, đóng góp một phần công sức để tham gia công tác xã hội.
Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, việc học của anh Trí phải dang dở. Để có tiền nuôi bản thân và phụ giúp cho cha mẹ, anh phải quần quật với công việc sửa xe đạp nhưng rồi thu nhập chẳng được là bao. Năm 1994 anh lập gia đình với người cùng làng là chị Phan Thị Thanh Thúy. Vợ anh hiểu được cái khó của đôi bên nên quyết tâm cùng chồng làm ăn. Mỗi sáng sớm, anh đạp chiếc xe cà tàng đến nhà máy cho kem đầy ắp vào thùng xốp rồi khom lưng đạp lên các xã miền núi như Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh bán dạo. Có khi lại đạp ngược xuống các xã vùng biển Tam Hải, Tam Hòa, Tam Quang… để bán hoặc trao đổi các loại phế liệu. Nhiều khi tối mịt mới về đến nhà, chưa kịp uống nước anh vội phân loại phế liệu xếp gọn gàng vào nơi góc nhà để dồn lại bán cho đại lý. Thông cảm và sẻ chia với nỗi khó khăn của chồng, trong thời gian này, chị Thúy buôn hàng nông sản nhưng do công việc nặng nhọc, lợi nhuận không cao nên sau đó chuyển qua mua tôm đất của bà con nông dân đánh bắt ở sông để chạy chợ. Tích cóp được một số vốn nhất định, năm 1997 chị quyết định chuyển sang mua tôm nuôi hồ để bán xuất khẩu. Đang làm ăn “thuận buồm xuôi gió” thì 2 năm sau chị bị đối tác chạy nợ 43 triệu đồng. Anh Trí kể: “Số tiền này vào thời điểm đó là rất lớn. Tiếc bứt tóc nhưng vì quá thương vợ nên tôi động viên cố gắng vượt qua, làm lại từ đầu. Thương cảm với hoàn cảnh của chúng tôi, một người quen cho mượn cái ao có diện tích khoảng 3 sào để nuôi tôm sú. May mắn, vụ nuôi đầu tiên lãi khoảng 27 triệu đồng, có tiền trả nợ và tích cóp được chút vốn”.
Công việc kinh doanh hàng thủy sản xuất khẩu của vợ chồng anh Trí bắt đầu khấm khá lên nhờ có được nhiều nguồn hàng và thị trường tiêu thụ mở rộng. Từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, anh chị dần gầy dựng niềm tin với khách hàng và không ngừng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, trở thành nơi thu mua tôm của các bạn hàng và cung cấp đến nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn. Những năm gần đây công việc rất thuận lợi, có năm anh lãi ròng cả tỷ đồng từ việc thu mua, cung cấp nguồn tôm thịt cho các nhà máy. Để việc kinh doanh thuận lợi, anh đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thúy Ty, đầu tư 4 chiếc ô tô chuyên dụng hàng đông lạnh và tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. “Làm việc gì cũng cần phải có nghị lực, lập trường, phải có cái tâm và biết tự đứng dậy sau mỗi lần bị ngã. Phải có uy tín và lòng tin đối với các đối tác, quan tâm và đặt quyền lợi của người lao động lên trên. Đặc biệt, làm việc gì dù nhỏ hay lớn cũng cần phải bàn bạc để vợ chồng cùng thống nhất tổ chức thực hiện như người xưa đã nói thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn” - anh Trí tâm sự.
Mặc dù công việc bận rộn nhưng vợ chồng anh Trí rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội – từ thiện. Đặc biệt vào dịp tết hằng năm, anh chị dành từ 60 đến 80 triệu đồng để mua gạo, hàng tiêu dùng hỗ trợ hàng trăm hộ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam ở xã Tam Anh Bắc và các địa phương lân cận. Riêng năm 2016, anh chị nhận đỡ đầu em Hồ Thị Doan, học sinh nghèo vượt khó học giỏi ở xã Bình Triều (Thăng Bình) với mức 1 triệu đồng/tháng... Anh Trí được Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin Việt Nam cùng chính quyền, hội đoàn thể các cấp tặng Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” và nhiều phần thưởng khác.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí "Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo"