Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Ninh: Chung tay giảm nghèo
Việc thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi cho vay, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Phú Ninh đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Về xã Tam Đại hỏi gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, nhiều người tỏ rõsự cảm phục trước nghị lực vượt khó, vươn lên của chị. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Năm 2014, chị được Ngân hàng CSXH huyện xét cho vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi dê. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, gia đình chị đã thoát nghèo, hiện có đàn dê hơn 30 con, trị giá hơn trăm triệu đồng. Chị Tuyết tâm sự: “Nếu không vay vốn để làm ăn thì chắc gia đình tôi vẫn còn nghèo. Nay, không chỉ có cuộc sống sung túc mà còn lo được cho các con ăn học”. Cùng hoàn cảnh với chị Tuyết, gia đình bà Lê Thị Phượng ở thôn Đại Quý, xã Tam Lộc, cũng được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, đến nay, gia đình bà đã hoàn vốn và xây dựng được căn nhà khang trang. Bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh cho biết, để góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, đơn vị chú trọng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng và thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới có hiệu quả tại địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh đã giải ngân cho vay mới hơn 27 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ hơn 157 tỷ đồng, tăng 144 tỷ đồng so với năm 2005. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 18,6 tỷ đồng và hộ cận nghèo 32,7 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên hơn 28,1 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 23,3 tỷ đồng. Cùng với đó, chương trình cho vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được Ngân hàng CSXH huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình nước sạch tăng mạnh, hiện dư nợ đạt 37 tỷ đồng. Các địa phương đã sử dụng vốn có hiệu quả, xây dựng mới, sửa chữa được hơn 7.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn như khoan giếng, bể chứa nước, nhà vệ sinh... Các công trình này đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo nước sinh hoạt, giữ gìn môi trường sạch đẹp, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm cũng đã giúp giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương. Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH mà nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Giai đoạn 2017 - 2020, huyện tập trung hỗ trợ nguồn lực cho các xã để nâng cao chất lượng của các tiêu chí và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 2663 của UBND tỉnh về xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học. Đồng thời tập trung đầu tư phát triển kinh tế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Vì vậy, trong thời gian đến dòng vốn tín dụng chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần giữ vững các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.
VĂN CÔNG