Quan tâm mọi mặt đến người có công
Ngày 22.7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện chính sách người có công (NCC) với cách mạng; biểu dương NCC và các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Trước thềm hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam về những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách NCC tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thăm người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công cách mạng Quảng Nam. Ảnh: DIỄM LỆ |
PV: Thưa đồng chí, Quảng Nam là tỉnh có số lượng NCC chiếm 23% dân số, nhiều nhất cả nước. Việc xác lập, giải quyết chế độ luôn là tiền đề quan trọng để thực hiện chính sách cho NCC. Đồng chí có thể cho biết, 20 năm qua, tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Quảng Nam luôn xác định công tác xác nhận NCC với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng nhằm ghi nhận công lao, sự cống hiến, hy sinh của NCC trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế. Đồng thời cũng là cơ sở để thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với NCC. Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Quảng Nam đã triển khai kiểm tra, rà soát, hướng dẫn người dân lập hồ sơ, thủ tục đề nghị xác nhận NCC đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Nay toàn tỉnh đã cơ bản xử lý xong hồ sơ đề nghị xác nhận NCC còn tồn đọng.
Bên cạnh đó, việc giải quyết các chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân được thực hiện kịp thời, nhất là các chính sách mới được ban hành. Ngoài hàng chục nghìn người hưởng trợ cấp một lần, hiện toàn tỉnh có gần 60.000 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi NCC khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.
PV: Tỉnh luôn đặt mục tiêu nâng mức sống của NCC bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình đối với nhân dân nơi cư trú. Hiện nay mục tiêu này đã đạt được chưa, thưa đồng chí? Và điều đó thể hiện cụ thể như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Những năm qua, Quảng Nam luôn cố gắng thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, triển khai hiệu quả chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, NCC trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 97,28% số gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện, việc chăm sóc sức khỏe được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, công tác chăm lo cho NCC an cư được tỉnh quan tâm thực hiện thông qua các chương trình xóa nhà tạm, xây nhà nghĩa tình đồng đội, nhà tình nghĩa, triển khai đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở NCC,... Theo đó, từ nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, nguồn vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa, tỉnh đã hỗ trợ NCC xây mới và sửa chữa 55.396 nhà ở.
PV:Thưa đồng chí, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, kêu gọi xã hội hóa các hoạt động đền ơn đáp nghĩa là một cách thức vừa hợp lý vừa hợp tình. Xin đồng chí cho biết, tại Quảng Nam 20 năm qua công tác này được thực hiện như thế nào, nhất là việc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng?
Đến nay, qua xác nhận hồ sơ đề nghị, toàn tỉnh đã được công nhận hơn 65.400 liệt sĩ với hơn 135.000 thân nhân; hơn 30.500 thương bệnh binh; hơn 45.300 NCC giúp đỡ cách mạng; hơn 11.700 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 38.280 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương; hơn 5.850 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Đặc biệt, toàn tỉnh có 14.795 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 914 mẹ còn sống... |
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Quảng Nam có 14.795 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng, hiện còn sống 914 mẹ và đều đã được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng với mức bình quân hằng tháng 800 nghìn đồng/mẹ. Nhiều đơn vị nhận phụng dưỡng dù ở xa nhưng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi mẹ ốm đau; hỗ trợ cải thiện nhà ở, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình, tổ chức cho mẹ đi tham quan, du lịch; phối hợp với địa phương lo chu đáo việc tang lễ khi mẹ qua đời… Bên cạnh đó, công tác chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, nhận đỡ đầu con liệt sĩ, thương bệnh binh... được các địa phương, ngành, đoàn thể và toàn xã hội quan tâm. Trong đó, nhiều hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn viên thanh niên nhận làm người dâu hiền - rể thảo chăm sóc bố mẹ liệt sĩ; nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho con liệt sĩ, thương bệnh binh…
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7) năm nay, tỉnh đã có Thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho 914 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của tỉnh với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng (5 triệu đồng/sổ) và hơn 3,5 tỷ đồng cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác.
PV: Quảng Nam là tỉnh có hơn 65 nghìn liệt sĩ nên số lượng nghĩa trang liệt sĩ khá nhiều. Tuy nhiên, việc nâng cấp nghĩa trang, mộ liệt sĩ chưa được thực hiện đồng bộ. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ dành nguồn lực thực hiện việc này như thế nào, thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Tính đến nay, toàn tỉnh có 131 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 1 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, 12 nghĩa trang cấp huyện và 118 nghĩa trang cấp xã. Có gần 60.000 mộ liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ và hơn 22.000 mộ liệt sĩ an táng tại nghĩa trang gia tộc. Xác định công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trong những năm qua, ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương gần 162 tỷ đồng, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã huy động hơn 114,8 tỷ đồng nâng cấp hoàn chỉnh 65 nghĩa trang liệt sĩ, xây 48 đài tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ và nhiều công trình ghi công liệt sĩ khác; sửa chữa, tôn tạo 69.801 lượt mộ liệt sĩ. Riêng trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, tỉnh đã bố trí 70 tỷ đồng để cùng với ngân sách các địa phương và sự hỗ trợ của các đơn vị triển khai sửa chữa, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ còn nhiều hạn chế, đó là nghĩa trang liệt sĩ xuống cấp, chưa đủ hạng mục, cảnh quan đơn điệu. Do đó, thời gian tới, Quảng Nam sẽ huy động nguồn kinh phí Trung ương, địa phương, nguồn xã hội hóa cho công tác nâng cấp, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý mộ, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh khang trang, sạch đẹp, là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ tưởng nhớ và tri ân sự hy sinh to lớn của cha anh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hòa bình hôm nay.
PV:Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!
DIỄM LỆ (thực hiện)