Đất rừng, ai hưởng lợi?

TRẦN HỮU 21/07/2017 09:02

Do quản lý yếu kém, nên 23ha đất rừng ở thôn Bích An, xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) xảy ra tình trạng mạnh ai nấy lấn chiếm. Chính quyền có chủ trương lấy lại đất rừng cho doanh nghiệp thuê mở trang trại chăn nuôi heo nhưng vấp phải phản đối quyết liệt của người dân.

Đất “chùa”

Vụ việc tranh chấp đất rừng sản xuất quanh lưu vực lòng hồ thủy lợi Phú Ninh thuộc thôn Bích An vẫn chưa đến hồi kết. Chính quyền địa phương có chủ trương lấy lại đất rừng cho doanh nghiệp thuê phát triển trang trại nông nghiệp khiến người dân bức xúc. Theo họ, năm 2007, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất xủa Xí nghiệp Lâm đặc sản Quảng Nam và bàn giao cho UBND xã Tam Xuân 1 quản lý, từ khu vực cầu Máng đến đập tràn tự do với diện tích gần 23ha. Chính quyền địa phương hứa sẽ giao đất cho người dân sản xuất, nhưng trên thực tế ngoài một số hộ trồng rừng ổn định, các cá nhân từ nơi khác đến chiếm dụng trồng rừng. Giữa tháng 6.2017, UBND xã tổ chức họp dân để thông qua chủ trương, phương án cho Công ty Công ty TNHH Thương mại và xây dựng 104 thuê đất xây dựng một trang trại sinh thái, nhưng người dân không đồng tình ủng hộ.

“Việc doanh nghiệp nuôi đàn heo 700 - 800 con ở cuối rừng phòng hộ Phú Ninh và cũng là đầu nguồn nước sạch cung cấp cho người dân sinh hoạt liệu có đúng chủ trương và hợp vệ sinh môi trường không? Nguyện vọng của chúng tôi là mong muốn được chia đất cho dân sản xuất” - ông Bùi Văn Lượng nói. Các hộ dân thôn Bích An còn kiến nghị cấp trên xem xét lại việc chính quyền xã tùy tiện cho phép làm trang trại chăn nuôi gà công nghiệp trên diện tích đất lúa tại cánh đồng Hóc Tự thuộc đầu nguồn nước sinh hoạt của khu dân cư nhưng lại không có cơ quan nào kiểm soát dịch bệnh.    

Buông lỏng quản lý

Thay vì có kế hoạch khai thác diện tích đất do UBND tỉnh thu hồi của Xí nghiệp Lâm đặc sản Quảng Nam giao cho quản lý, xã Tam Xuân 1 lại thiếu trách nhiệm nên cả chục héc ta trở thành “đất chùa”, mạnh ai nấy tranh giành. Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 Nguyễn Anh Quân giải thích, doanh nghiệp bàn giao đất cho địa phương từ năm 2013, nhưng lúc đó chỉ bàn giao về giấy tờ, vướng thủ tục. Thời điểm này còn 8 hộ dân trồng rừng có hợp đồng với Xí nghiệp Lâm đặc sản Quảng Nam, bảo lưu trồng đến hết ngày 31.12.2015. Kiểm tra hồ sơ với thực địa có vướng, cây trồng gối đầu buộc chính quyền phải gia hạn cho người dân thu hoạch xong sẽ trả lại đất. Khi Công ty TNHH Thương mại và xây dựng 104 trình bày phương án thực hiện trang trại kinh tế nông lâm tổng hợp tại thôn Bích An, tháng 3.2017, UBND huyện Núi Thành đã ra thông báo thống nhất chủ trương.

Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Mau đề nghị địa phương họp dân để thông báo về chủ trương của huyện nhưng phần lớn ý kiến đều không đồng ý, họ đề nghị nên giao lại đất cho dân sản xuất, trồng rừng. “Tôi vừa ký thông báo gia hạn đến tháng 10.2018, yêu cầu 8 hộ dân có rừng phải thanh lý hết số cây trồng, bàn giao lại đất cho xã quản lý. Bây giờ xã không đặt nặng vấn đề doanh nghiệp vào thuê đất, mà chủ trương của địa phương là muốn giữ lại đất, rồi sẽ tính toán phương án khai thác, sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Đất đó phù hợp với phát triển nông nghiệp sạch, nếu người dân hay tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu mà đáp ứng được quy mô đầu tư, địa phương sẵn sàng tạo điều kiện” - ông Quân nói. Cũng theo lãnh đạo xã Tam Xuân 1, việc giải quyết dứt điểm cây trồng trên đất, kèm theo kế hoạch bảo vệ để người dân không tiếp tục xâm chiếm trồng cây không dễ dàng chút nào.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU