Cơ hội du lịch biển

KHÁNH LINH 08/07/2017 06:59

Mùa hè, mùa của những chuyến rong chơi, nghỉ dưỡng. Và biển là nơi không thể bỏ qua của nhiều du khách khi đến miền Trung, trong đó có Quảng Nam.

Quảng Nam có nhiều lợi thế để thúc đẩy du lịch biển phát triển.Ảnh: K.LINH
Quảng Nam có nhiều lợi thế để thúc đẩy du lịch biển phát triển.Ảnh: K.LINH

Thương hiệu du lịch biển

Sở hữu 125km bờ biển, Quảng Nam được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Ngoài các địa danh An Bàng, Cửa Đại, những cái tên như Tam Thanh, Bình Minh, Hà My, Bãi Rạn… đã bắt đầu được du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm tìm đến, nhất là khi tuyến đường ven biển kéo dài từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ đã kết nối, cùng chủ trương dịch chuyển du lịch vào phía nam của tỉnh. Thực tế, thời gian qua việc thúc đẩy thương hiệu du lịch biển đã được ngành du lịch tỉnh quan tâm mạnh mẽ, đặc biệt là trong Festival Di sản lần thứ VI vừa qua hàng loạt sự kiện văn hóa, thể́ thao gắn liền với không gian biển đã được tổ chức nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa biển trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.  

Nếu như biển Hội An đã trở nên quen thuộc với du khách thì các bãi biển Hà My, Tam Thanh, Bình Minh còn khá  hoang sơ. Hầu hết đều có cát vàng mịn màng, thoáng rộng. Trong đó, biển Tam Thanh (Tam Kỳ) nổi lên như là điểm đến hấp dẫn của mùa hè. Đặc biệt, khi những địa danh trong vùng như Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, làng bích họa… đang được các công ty lữ hành và du khách quan tâm càng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động du lịch biển nơi đây phát triển. Theo thống kê sơ bộ, vào dịp hè, mỗi ngày biển Tam Thanh đón hàng nghìn lượt khách đến vui chơi nghỉ dưỡng, con số này hứa hẹn tăng cao hơn khi các điểm đến du lịch phía nam phát triển và hạ tầng dịch vụ được hoàn thiện.

Tương tự, các bãi biển Hà My, Viêm Đông, Thống Nhất (Điện Bàn), Bình Minh (Thăng Bình)… cũng bắt đầu được nhiều du khách chú ý. Các bãi biển này hấp dẫn ngoài sự hoang sơ, sạch sẽ của dải cát trắng hay khí hậu trong lành còn bởi làn nước quanh năm trong xanh, độ mặn vừa phải cùng nhiều loại hải sản tươi ngon. Trải nghiệm biển Quảng Nam luôn mang đến cho khách cảm giác thích thú, phóng khoáng khi được chiêm ngưỡng những bãi cát vàng chạy dài như bất tận; du khách không chỉ được vùng vẫy trong làn nước xanh mát mà còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của ngư dân qua các hoạt động lao động trên biển, ngắm nhìn những thuyền thúng nằm hờ hững trên bãi mỗi sáng, chiều, gợi lên sự bình yên đến lạ.

Hoàn thiện hạ tầng  dịch vụ biển

Vài năm trở lại đây, du lịch biển trở thành một trong những hướng đi chủ đạo của ngành du lịch và không ít địa phương đã đa dạng hóa loại hình dịch vụ phục vụ khách. Bên cạnh các đề án, quy hoạch phát triển du lịch biển của tỉnh, một số địa phương như Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ cũng đã có những đầu tư về hạ tầng, dịch vụ nhằm đưa du lịch biển trở thành điểm nhấn. Tại Tam Kỳ với sự kiện “Tuần du lịch biển” được tổ chức thường niên  đã tạo thành “điểm hẹn” với du khách vào những dịp hè. Đặc biệt, để thúc đẩy du lịch biển phát triển, thời gian qua đã có hàng chục tỷ đồng được thành phố đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường ĐT616 đoạn Tam Kỳ - Tam Thanh, nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng quảng trường biển; quy hoạch hệ thống nhà hàng, giải khát, bãi đậu đỗ xe; cải tạo cảnh quan môi trường; tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong kinh doanh, buôn bán và giao tiếp….

Theo ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, hiện thành phố đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ trên biển gắn với hoàn thiện các sản phẩm tại Tam Thanh như làng bích họa, con đường thuyền thúng... “Biển Tam Thanh sẽ đóng vai trò như là điểm giải trí, là nơi diễn ra các hoạt động thể dục thể thao, đồng thời cũng đóng vai trò liên kết với làng du lịch cộng đồng Tam Thanh và một số điểm du lịch của Tam Kỳ nhằm phát huy thế mạnh về biển để phục vụ du lịch” - ông Nam cho biết.  

Tương tự, tại Điện Bàn, từ năm 2013 thị xã cũng đã đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ bãi biển Hà My nhằm thu hút khách. Hiện nơi đây đã hình thành được 7 tuyến đường bên ngoài, bãi đỗ xe, nhà tắm, trạm quan sát cứu hộ, bờ kè, các nhà hàng, trồng cây xanh…, tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian tới một số dịch vụ giải trí, thể thao biển như dù lượn, mô tô nước… cũng sẽ được xúc tiến đầu tư vào các bãi biển Điện Bàn. Tại Hội An, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đưa vào hoạt động dịch vụ nhà phao liên hoàn, một trò chơi mang tính du lịch thể thao hấp dẫn với hệ thống các phao bơm hơi (module) được lắp ghép với nhau tạo thành mô hình khép kín trên biển để người chơi chinh phục. Trong dịp festival di sản vừa qua, rất nhiều sự kiện gắn với biển đảo đã được tổ chức nhằm quảng bá các giá trị văn hóa du lịch biển đảo. Nói như ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL:  “Du  với những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn góp phần đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới”.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH