Lòng sông tạm lắng

TRẦN HỮU 06/07/2017 08:56

Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, từ đầu tháng 7 lực lượng chức năng đã bắt đầu xử lý các bến bãi tập kết, trung chuyển cát trá hình; dỡ bỏ toàn bộ dụng cụ hút cát gắn vào các ghe chở cát trên sông; rà soát, sắp xếp lại quy hoạch mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường.

  • Bắt giữ hai tàu cát "khủng" trên sông Thu Bồn
  • Giá cát xây dựng tăng đột biến
  • Bắt giữ tàu hút cát trái phép
  • Bắt giữ hai ghe hút cát lậu trên sông Thu Bồn
  • Lại bắt giữ nhiều tàu hút cát lậu trên sông Thu Bồn
Sau ngày 1.7.2017, chấm dứt việc các ghe thuyền gắn thiết bị, dụng cụ hút cát như thế này.Ảnh: TRẦN HỮU
Sau ngày 1.7.2017, chấm dứt việc các ghe thuyền gắn thiết bị, dụng cụ hút cát như thế này.Ảnh: TRẦN HỮU

Doanh nghiệp ủng hộ

Có mặt trên tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) vào trưa 4.7, theo quan sát của chúng tôi, rất thưa thớt ghe dùng để chở cát qua lại, cho dù là không vận chuyển cát. Hiện các doanh nghiệp có mỏ cát hoạt động ở sông trên địa bàn huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn… đều tạm thời dừng toàn bộ việc khai thác cát theo chỉ đạo của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp có mỏ cát trên sông Thu Bồn qua huyện Đại Lộc, Duy Xuyên cho rằng, họ rất ủng hộ chủ trương của tỉnh về việc các ghe chở cát không được gắn thiết bị hút cát, nhằm hạn chế tình trạng khai thác cát lậu. Các ghe thuyền có gắn dụng cụ hút cát được ví như “vòi bạch tuộc” lợi hại tận thu tài nguyên, thách thức cơ quan chức năng. Nếu tiếp tục tuyên chiến lâu dài với nạn sa tặc, cát xây dựng sẽ không bị chống phá giá. Ông Trần Quốc Diện - Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Tân Phước Yên (doanh nghiệp có mỏ cát tại xã Duy Hòa, Duy Xuyên) cho rằng, để có được một mỏ cát, doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí và thuế các loại, chưa kể còn ủng hộ địa phương làm đường nông thôn, nhà văn hóa. Trong khi đó một phương tiện tàu thuyền mỗi ngày chỉ cần hút trộm được 1 chuyến là đủ kiếm lợi nhuận cao. Muốn kỷ cương kỷ luật được thực thi nghiêm túc, sau ngày 1.7, nếu ghe tàu nào có gắn máy hút cát di chuyển trên sông, lực lượng chức năng cần xử lý, tịch thu phương tiện ngay.

Lén lút trộm cát đường ven biển

Theo phản ảnh của người dân các xã Bình Minh, Bình Sa, Bình Hải (Thăng Bình), nạn lén lút khai thác, vận chuyển cát 2 bên quốc lộ 129 còn xảy ra, nhất là vào ban đêm. Việc lấy cát trắng đã ăn sát vào chân cống, bi bê tông vỉa hè, rất dễ gây sạt lở đường vào mùa mưa. Nhiều địa điểm đã bị băm nát kéo dài từ bên đường vào rừng phòng hộ ven biển hơn cây số. Đi dọc tuyến ven biển qua địa phận xã Bình Sa, thấy nhiều khu vực bị tận thu vô tội vạ, lấy thành vũng sâu, thấp hơn cả bề mặt đường cứu nạn cứu hộ. Chính quyền xã Bình Sa xác nhận, tình trạng xúc trộm cát xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn xã, địa phương đã nhiều lần tổ chức truy quét, phạt tiền nặng. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn không suy giảm, để tránh bị truy quét các đối tượng còn thuê người xúc trộm cát vào 1 - 2 giờ khuya. Đau lòng hơn, mới đây tại tuyến ven biển 129 qua địa bàn huyện Thăng Bình xảy ra 2 vụ tai nạn do người tham gia giao thông va chạm với xe chở cát lậu, khiến 2 người chết tại chỗ.

Mấy năm gần đây, lực lượng chức năng xử lý mạnh tay, thậm chí tịch thu cả ghe tàu hút cát trái phép trên các sông Vu Gia - Thu Bồn, nhưng tình hình đâu lại hoàn đấy. Nhưng từ ngày 1.7.2017, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là xử lý tận gốc, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường cho hay, với sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đơn vị đã ra thông báo yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát lắp đặt hệ thống, thiết bị khai thác cát sỏi tại phạm vi được cấp phép để khai thác và chuyển lên các phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp hoặc của các tổ chức cá nhân khác đến mua cát sỏi. Ngoài ra, thông báo của Sở Tài nguyên môi trường cũng yêu cầu không bơm hoặc xúc cát, sỏi chuyển lên các phương tiện vận chuyển có gắn thiết bị khai thác cát sỏi.

Quyết liệt

Theo Trung tá Phan Phú Phượng - Đội trưởng đội 3, Phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường Công an Quảng Nam, do đang vào mùa xây dựng nên tình trạng hút cát trái phép trên sông rất phức tạp. Trước tình trạng này, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ quyết liệt vào cuộc, phối hợp ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Đồng thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền để người dân hiểu và dừng việc khai thác cát trái phép. Ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, lực lượng chức năng  đang tích cực tháo dỡ dụng cụ, thiết bị máy móc hút cát gắn trên ghe thuyền. Chỉ đạo UBND các xã, phường thu hồi hợp đồng thuê đất không đúng quy định; đình chỉ hoạt động của các bến bãi không phù hợp quy hoạch, xung đột giao thông, gây ô nhiêm môi trường. Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, đến ngày 30.6, địa phương đã cho dừng hoạt động các bến bãi có nguy cơ cao mất an toàn giao thông.

Tận thu cát trắng bên đường ven biển 129, đoạn qua TP.Tam Kỳ.
Tận thu cát trắng bên đường ven biển 129, đoạn qua TP.Tam Kỳ.

Còn tại huyện Đại Lộc, ngoài chấp hành tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Chủ trương của địa phương là sau khi các đơn vị hết hạn khai thác theo giấy phép, UBND huyện tiến hành sàng lọc, chỉ lựa chọn chừng 4 doanh nghiệp có uy tín, năng lực để tiếp tục đề nghị gia hạn. Các mỏ hoạt động tuyệt đối không gây sạt lở bờ, ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng tới việc sản xuất của người dân, phù hợp với quy hoạch được duyệt thì đề nghị UBND tỉnh tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác cát phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới. Mấy ngày gần đây, qua thanh tra, kiểm tra, các đơn vị thi công đều có hóa đơn, chứng từ khẳng định nguồn cát xây dựng là hợp lệ về xuất xứ. Quan điểm của tỉnh là rà soát, sắp xếp lại các mỏ cấp phép phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh, đồng thời giải quyết tận gốc tình trạng “cát chui”.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU