Nghị lực của một người khuyết tật
Bị tai nạn mất đi một chân, phải sống nhờ căn nhà tạm bợ của người thân nhưng anh Lê Văn Tùng ở thôn Phú Hưng, xã Tam Xuân 1 (Núi Thành) vẫn vượt lên số phận, làm nghề cơ khí nuôi sống gia đình.
Anh Tùng đang cố gắng làm cơ khí trên đôi chân tật nguyền. Ảnh: DƯƠNG THẮNG |
Đến thăm nhà anh Tùng, chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi khung tre được phủ bạt thủng lỗ chỗ. Căn nhà tạm bợ vừa là nơi sinh sống của bốn người trong gia đình, vừa là nơi anh mở tiệm cơ khí để nuôi sống cả nhà. Anh Tùng kể, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thôn Phú Bình (xã Tam Xuân 1) nên học hết lớp 8 anh đành xếp bút nghiên để học nghề cơ khí. Năm 2006, anh và chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh lập gia đình rồi hai vợ chồng vào Sài Gòn làm ăn. Năm 2013, anh Tùng không may bị tai nạn phải cắt lìa chân trái. Từ đó, tiền của dành dụm của hai vợ chồng tập trung chữa trị cho anh. Cuộc sống gia đình ngày càng trở nên khốn khó nên hai vợ chồng anh đưa đứa con gái về quê nhà ở tạm cùng gia đình. Sau này, được người cậu cất tạm cho một cái nhà bằng tre, phủ bạt trên mảnh đất của cậu để hai vợ chồng sinh sống làm ăn.
Chị Trinh mở quán ăn với hy vọng có thể nuôi sống được chồng và đứa con gái bé bỏng nhưng ở quê nghèo vắng người, quán ăn của chị càng ngày càng trở nên ế ẩm, đồng vốn lại không nhiều nên chị phải đóng cửa. Lúc này, vợ chồng chị cũng đã có thêm một cậu con trai kháu khỉnh, bốn miệng người nhưng lại không có lao động, phải tằn tiện từng ngày. Không thể để vợ con phải chịu khổ, dù đôi chân không còn lành lặn nhưng anh Tùng vẫn quyết tâm quay trở lại với nghề cơ khí. “Nhìn vợ con nheo nhóc, tôi không cầm lòng nổi. Dù khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm quay lại với nghề cơ khí” - anh Tùng kể lại. Do nguồn vốn không có, lại què cụt, anh Tùng không thể lấy nhôm, sắt về nhà làm cho khách mà anh phải nhận thầu làm công. Những vật liệu cần dùng tới, khách hàng sẽ mua và chở tới tận nhà giúp anh. Rồi anh lại “vật lộn” với mớ nhôm sắt trên chiếc chân còn lại sau đó mới lắp ráp cho khách.
“Lúc đầu, mỗi lần đứng lên ngồi xuống là mỗi lần đau đớn ê chề. Chưa kể sắt thép nặng nề khó dịch chuyển để làm, nhưng tôi tự nhủ mình phải quyết tâm hơn nữa rồi mọi việc sẽ quen dần” - anh Tùng tâm sự. Bao khó khăn, vất vả mà anh Tùng chịu đựng đến nay cũng được đền đáp. Giờ đây anh đã thạo lại việc cơ khí và có những khách hàng thân thiết giúp đỡ, cũng có đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình. “Mọi người ở đây ai cũng biết hoàn cảnh của mình nên họ tạo điều kiện giúp đỡ, nhờ vậy mà gia đình mình mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Chỉ có căn nhà này dột nát quá rồi, mùa mưa bão tới khó mà trụ nổi” - chị Trinh tâm sự. Ông Ngô Văn Thân - Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Tam Xuân 1 nhận xét: Anh Lê Văn Tùng là người giàu nghị lực. Mặc dù bị mất một chân nhưng anh vẫn làm nghề cơ khí kiếm sống. Nghị lực của anh đáng để cho nhiều người khác noi theo. Cũng cần nói thêm, anh Tùng là người tích cực tham gia các hoạt động của hội người khuyết tật ở địa phương”.
ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG