Đón liệt sĩ về đất mẹ

HOÀNG LIÊN 03/07/2017 14:20

  • 64 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Campuchia được đưa về Quảng Nam
  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947- 27.7.2017)

(QNO) - Sáng 2.7, tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc đã tổ chức lễ truy điệu 17 hài cốt liệt sĩ thuộc Trung đoàn 96 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) hy sinh tại chiến trường biên giới Tây Nam khi làm nhiệm vụ quốc tế. 

Đón liệt sĩ về truy điệu và cải táng tại địa phương. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Đón liệt sĩ về truy điệu và cải táng tại địa phương. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Được biết, 17 liệt sĩ được quy tập về Đại Lộc lần này nằm trong danh sách 64 liệt sĩ thuộc các Trung đoàn 31, Trung đoàn 250, Trung đoàn 812, Trung đoàn 96 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4). Đây là số hài cốt liệt sĩ được quy tập từ các nghĩa trang Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và các nghĩa trang Trà Võ, Tân Biên, Châu Thành (Tây Ninh). 

Sau phần lễ truy điệu do huyện tổ chức, 17 bộ hài cốt liệt sĩ được Phòng LĐ-TB&XH Đại Lộc bàn giao đưa về các nghĩa trang liệt sĩ xã/thị trấn tổ chức truy điệu, an táng. Trước đó, tại chùa Tuệ Châu, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Trung đoàn 96, Sư đoàn 309 đã tổ chức truy điệu, đưa hài cốt 64 liệt sĩ của các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước và Hiệp Đức về quê an táng. Đây là lần thứ 10, Trung đoàn 96 tổ chức truy điệu và đưa hài cốt liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia về với đất mẹ.

Đưa tiễn đồng đội về an táng tại nghĩa trang các xã. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Đưa tiễn đồng đội về an táng tại nghĩa trang các xã, thị trấn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc và cuộc chiến tranh biên giới, Đại Lộc có 6.767 liệt sĩ, trong đó có hàng trăm liệt sĩ hy sinh ở biên giới Tây Nam, khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Từ sau giải phóng và hòa bình lập lại tới nay, công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công được huyện Đại Lộc chú trọng; Đảng bộ, nhân dân huyện Đại Lộc đã và sẽ làm hết những gì có thể để tri ân công đức của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, ông Nguyễn Công Toàn - Trưởng ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 96 tại Quảng Nam chia sẻ: "Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã kết thúc gần 40 năm, nhưng hậu quả vẫn còn đó, khi có những người trở về bằng một phần thân thể, có người trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, đồng đội bằng một phần hài cốt linh thiêng. Biết bao người cha, người mẹ tuổi xế chiều đã không đợi được đến ngày đón hài cốt con mình để thắp nén hương trước khi về cõi vĩnh hằng. Những người đồng chí, đồng đội còn sống hôm nay đã tiếp tục với hành trình "Nghĩa tình đồng đội", đã quyết tâm huy động nguồn lực xã hội để đưa bằng được hài cốt của các anh về với đất mẹ. Và những hành trình ấy sẽ được tiếp nối, đó cũng là ngọn nến tri ân mà chúng tôi, những người còn sống dành cho đồng đội, đồng chí, những người đã ngã xuống ngày hôm qua"...

Liệt sĩ trở về đất mẹ trong vòng tay của người thân, đồng đội. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Liệt sĩ trở về đất mẹ trong vòng tay của người thân, đồng đội. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đông đảo thân nhân liệt sĩ, những người anh, người chị, người mẹ đã mỏi mòn, ròng rã suốt mấy chục năm chờ mong tin hài cốt con, em mình hay mong có dịp được đón người thân về yên nghỉ trên đất mẹ để tiện sớm tối viếng hương đã có mặt tại buổi lễ, rưng rưng niềm xúc động. Chị Huỳnh Thanh Thảo, em ruột liệt sĩ Huỳnh Thanh Tạo (khu Nghĩa Nam, thị trấn Ái Nghĩa; trước là thôn 7, xã Đại An) tâm sự: “Gia đình chúng tôi hay tin anh mình hy sinh từ năm 1982, trải qua hai đợt an táng, rồi cuối cùng anh tôi nằm lại với nghĩa trang Thủ Đức. Xa xôi, cách trở là thế nhưng mỗi năm, gia đình chúng tôi đều thay nhau vào viếng hương anh mình và cũng phần nào yên lòng khi thấy anh mình nằm ở nơi cũng khá khang trang. Đợt này, khi chính quyền, đồng đội đưa anh tôi về đây, chúng tôi rất mãn nguyện, nhất là mẹ tôi, nay đã 86 tuổi, sức yếu. Mấy ngày nay, bà vui lắm, bảo rằng anh tôi về đây là gần mẹ, gần người thân, sớm tối bà cũng dễ dàng đi viếng cây hương cho con trước khi về với đất trời". Chị Phạm Thị Sáu, thân nhân liệt sĩ Phạm Văn An (xã Đại Quang) tâm sự: “Hơn 30 năm rồi, người thân của chúng tôi nằm ở nơi đất khách quê người, nay được đón hài cốt người thân về lại với quê hương, xứ sở, gia đình tôi hết sức vui mừng, nỗi đau cũng vơi đi. Niềm vui lớn lao này cũng là nhờ Đảng, chính quyền và các cựu chiến binh Trung đoàn 96 đã không ngại khó, ngại khổ suốt mấy tháng qua".

Trong dòng người tấp nập, xúc động nhất là hình ảnh những cụ ông, cụ bà tóc bạc phơ có mặt để đón hài cốt đứa con thân yêu suốt mấy chục năm ly cách. Bà Doãn Thị Công (90 tuổi), mẹ của liệt sĩ Trần Năm (quê xã Đại Hiệp, nay là khu 5, thị trấn Ái Nghĩa) xúc động nghẹn ngào: "Con tôi hy sinh ở Campuchia, khi mới vừa ngoài 20 tuổi. Mấy lần dời mộ, an táng tại mấy nghĩa trang, rồi cuối cùng nó được đưa về nghĩa trang Vũng Tàu. Quãng thời gian này, tôi không biết tin gì về mộ con nằm ở đâu, cứ căn cứ vào ngày tháng báo tử của đơn vị gửi về giỗ con. Bao nhiêu năm nay tôi cứ chờ mong con mãi, cứ mỗi lần nhớ là khóc, lần này nghe tin con tôi về, tôi mừng vô kể, cảm ơn Đảng, Nhà nước, những cựu binh lắm!". 

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN