"Đền ơn đáp nghĩa" ở Điện Quang
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách theo quy định, xã Điện Quang (Điện Bàn) còn làm tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ cộng đồng chung tay chăm lo “đền ơn đáp nghĩa”.
Viếng hương nơi 600 liệt sĩ yên nghỉ. Ảnh: C.T |
Đẩy mạnh xã hội hóa
Nghĩa trang liệt sĩ xã Điện Quang nằm tại vị trí trang trọng ven tuyến ĐT610B được tôn tạo, nâng cấp cách đây chưa lâu với kinh phí 2,7 tỷ đồng, là nơi yên nghỉ của 600 liệt sĩ. Nguồn lực đó do địa phương vận động TP.Đà Nẵng và Ngân hàng Thương mại CP công thương Việt Nam hỗ trợ thực hiện. Nơi đây, đoàn viên thanh niên của xã thường xuyên đến chăm sóc, tổ chức “Thắp nến tri ân” nhân các dịp lễ, tết. Không chỉ chú trọng chăm lo mồ yên mả đẹp cho những người đã ngã xuống, xã Điện Quang còn triển khai chủ trương đảm bảo 100% thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. “Chúng tôi chủ động kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa công tác “đền ơn đáp nghĩa”, đơn cử như hỗ trợ phương tiện sinh kế, xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng… Phong trào này đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng để góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách” - Chủ tịch UBND xã Điện Quang, ông Lê Thành cho biết.
Để chứng minh, ông Nguyễn Đức Nhân - cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Điện Quang thông tin, địa phương hiện có 7 Bà mẹ VNAH còn sống, đều được các cơ quan nhận phụng dưỡng. Trong đó, công đoàn cơ sở cơ quan xã chăm lo cho mẹ Phạm Thị Tiến (thôn Kỳ Lam) với số tiền 500 nghìn đồng/tháng. Ngành LĐ-TB&XH Điện Quang thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, trường học phát động phong trào “Áo lụa tặng bà”, “Quà tặng mẹ”. Định kỳ hàng quý, địa phương chỉ đạo cho Trạm y tế xã cử y bác sĩ đến tận nhà để khám sức khỏe và cấp thuốc, động viên an ủi giúp các mẹ vơi đi phần nào nỗi đau mất mát. Cạnh đó, ngành còn phối hợp tổ chức nhiều đợt vận động thiết thực, như đóng góp mua sổ tiết kiệm tặng cho đối tượng chính sách gặp khó khăn. Riêng năm 2016, có 7 sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao (mỗi sổ 2 triệu đồng). Được biết, nguồn lực để địa phương thực hiện là Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, quỹ này huy động 132,7 triệu đồng, chủ yếu dùng để chỉnh trang, viếng hương nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích nằm trên địa bàn, thăm hỏi người có công gặp ốm đau…
Chăm lo nhiều mặt
Dưới cái nóng oi bức của mùa hè, bà Trương Thị Hữu (74 tuổi), trú thôn Bến Đền Tây cảm thấy ấm lòng khi được sống trong căn nhà mới được xây vào năm 2016. Người vợ đơn thân có chồng là liệt sĩ này cho hay, nhờ có sự quan tâm hỗ trợ 30 triệu đồng từ Công ty CP bia Sài Gòn nên bà mới có thêm kinh phí xây dựng. Đất làm nhà do đứa cháu dâu cho mượn. Bởi với số tiền lương chính sách nhận 2 triệu đồng/tháng, bản thân bà chỉ đủ lo phần ăn uống, chữa bệnh. Cho biết thêm về việc chăm lo nhà ở cho đối tượng chính sách, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang - ông Hà Văn Minh khẳng định, địa phương hiện không còn hộ người có công nào phải sống trong cảnh nhà tạm bợ, dột nát. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, ngoài 53 nhà gia đình chính sách được sửa chữa theo quy định (đã giải ngân xong), xã còn vận động các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hỗ trợ kinh phí xây dựng mới 5 nhà tình nghĩa.
Trong hai cuộc kháng chiến, xã Điện Quang là căn cứ địa cách mạng, địa điểm đặt trụ sở của Đặc khu ủy Quảng Đà, Thành ủy Đà Nẵng, Huyện ủy Điện Bàn với đội quân cách mạng chủ lực của ta để tấn công địch ở Đà Nẵng, Hội An. Vì vậy, mảnh đất này bị địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt: “Nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”. Kết thúc chiến tranh, toàn xã có 189 Bà mẹ VNAH, 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1.226 liệt sĩ, 312 thương bệnh binh, 1.527 gia đình có công với cách mạng. “Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, việc huy động nguồn lực xã hội hóa đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công ngày càng tốt hơn” - ông Trần Hữu Thái, thương binh hạng 2/4 trú thôn Phú Đông phấn khởi cho biết. Còn theo ông Hà Văn Minh, việc giải quyết hồ sơ công nhận người hoạt động kháng chiến trong 3 thời kỳ được Điện Quang thực hiện nhanh chóng, không để sai sót xảy ra. Khâu tiếp nhận và chi trả kinh phí trợ cấp kịp thời, đúng chế độ đến tận tay đối tượng nên họ đều phấn khởi tin tưởng. Hầu hết gia đình chính sách có đời sống kinh tế ổn định, không còn hộ nghèo, góp phần đưa Điện Quang đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2014.
CÔNG TÚ