Mạng lưới vạn vật kết nối: Đích ngắm của tin tặc

QUỐC HƯNG 29/06/2017 08:24

Mạng lưới vạn vật kết nối giúp cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của con người, nay trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương.

Mạng lưới vạn vật kết nối - IoT đang trở thành đích ngắm của tin tặc. Ảnh:ecpi.edu
Mạng lưới vạn vật kết nối - IoT đang trở thành đích ngắm của tin tặc. Ảnh:ecpi.edu

Khái niệm Internet of Things (vạn vật kết nối - IoT) lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1999 và nhanh chóng trở thành xu hướng công nghệ “thống trị” thế giới năm 2017 và được dự báo cho những năm tiếp theo. Với IoT, mọi thứ từ máy pha cà phê, đèn giao thông… đều được kết nối, và IoT hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông…, giúp con người cải thiện năng suất, nâng cao tính chính xác và hiệu quả kinh tế. Ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 10 triệu xe tự lái được vận hành chính thức trên thế giới nhờ vào IoT. Có thể nói, IoT giúp chúng ta thay đổi cuộc sống, công việc, sống trong một thế giới tiện nghi và hiện đại. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu như chúng ta sử dụng hiệu quả IoT nghĩa là nắm được chìa khóa thành công trong tương lai. Dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 tỷ vật thể trên toàn thế giới tham gia IoT. Khi đó, mọi thứ trên thế giới sẽ thay đổi liên tục nhờ cảm biến và internet. Theo số liệu của Tổ chức thống kê internet thế giới, các nước châu Á hiện chiếm đến 49,6% số người dùng internet toàn cầu.

Tuy nhiên IoT đang trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng (hacker) và chưa bao giờ tin tặc tấn công vào túi tiền của người sử dụng với quy mô lớn như thời gian vừa qua. Tin tặc lộng hành khiến các chuyên gia bảo mật công nghệ cũng phải đau đầu, nhiều tổ chức, quốc gia phải hợp tác với nhau để chống tội phạm mạng. Tháng 5.2017, mã độc Wanna Cry - được cho nguy hiểm nhất thế giới tính đến thời điểm đó - lan rộng khiến 150 quốc gia phải vật lộn với 200 nghìn máy tính bị nhiễm mã độc, bao gồm cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù rất khó thống kê số tiền mà nạn nhân đã trả cho tin tặc phát tán mã độc Wanna Cry để mong nhanh chóng được khôi phục dữ liệu, ít nhất gần 30.000USD đã bị tin tặc “cuỗm” đi. Đó là chưa kể đến nhiều thiệt hại khác như toàn bộ hệ thống máy tính, điện thoại, thiết bị phẫu thuật mà các bệnh viện tại Anh bị nhiễm Wanna Cry đều ngưng hoạt động; nhiều nhà máy buộc phải dừng hoạt động…

Tối 27.6 một vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc với quy mô lớn khác lại càn quét máy tính trên phạm vi toàn cầu. Vụ tấn công có những điểm tương đồng với vụ tấn công bằng mã độc Wanna Cry, chủ đích là tống tiền. Lần này là loại mã độc Petrwrap chưa từng có trước đó, cũng yêu cầu nạn nhân chi trả 300USD tiền ảo Bitcoin để khôi phục quyền truy cập vào các tệp tin của mình sau khi máy tính của họ bị chặn. Trong lần tấn công này, thiệt hại khá nghiêm trọng phải kể đến các nạn nhân của Petrwrap ở Ukraine (cùng với Nga là những quốc gia đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng), khi mà các sân bay, ngân hàng, hệ thống tàu điện ngầm, nhiều cơ quan chính phủ và công ty lớn bị tê liệt vì mã độc tấn công. Lò năng lượng hạt nhân Chernobyl phải sử dụng phương pháp thủ công để giám sát mức độ phóng xạ sau khi bộ phận cảm biến dùng hệ điều hành Windows bị tắt.

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người sử dụng công nghệ hay IoT nên cập nhật các phần mềm bảo vệ và sao lưu tất cả dữ liệu quan trọng để đề phòng việc bị mã độc tống tiền, hoặc có thể cài đặt lại máy tính và nhập lại dữ liệu.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG