Nhớ những ngày yêu thương

VĂN PHIN 28/06/2017 09:02

Trong nhịp sống hiện đại, nhiều người bận rộn với công việc, ít khi sum họp với bữa cơm gia đình. Đó là chuyện thường gặp đối với không ít công nhân, viên chức và cả những người buôn bán kinh doanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo họ, ăn “cơm bụi” vừa đỡ tốn công vừa đủ chất mà giá cả cũng phải chăng. Âu đó cũng là một cách lựa chọn cho tiện cả đôi bề. Thế nhưng, điều đáng buồn là cứ theo mãi cái đà “cơm bụi” và “thức ăn nhanh đường phố” của thời hiện đại sẽ làm mai một đi bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. Với tôi - một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh chị em, đã thành nếp, đến bữa ăn các thành viên trong gia đình ngồi theo thứ tự. Trên chiếc bàn ăn dài, ngồi đầu bàn là cha và anh trai lớn của tôi, cạnh đó là nồi cơm to đùng bốc khói. Ngồi tiếp sau cha và anh lớn là anh chị em tôi, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Cuối bàn ăn là mẹ tôi cùng chị dâu và chị gái lớn. Cứ như vậy, ngồi vào bàn, các thành viên trong nhà tôi vừa ăn vừa nói chuyện nhẹ nhàng. Cha và anh lớn của tôi có “nhiệm vụ” xới cơm cho chúng tôi, còn mẹ và chị dâu, chị gái lớn thì múc canh, cá, “tiếp tế” thức ăn. Cho đến khi bữa ăn kết thúc, mẹ tôi là người ngồi lại sau cùng.

Với bữa ăn gia đình, mẹ tôi đặc biệt quan tâm và có phần “khắt khe” vì cho rằng khi ăn phải “lên mâm lên bát” đàng hoàng. Cha mẹ tôi đặt ra quy tắc “nội bộ” mà chúng tôi phải tuân theo. Đó là khi ăn cơm phải ngồi vào ghế đàng hoàng, không được bưng bát đi chỗ khác ngồi chồm hổm để ăn. Hoặc khi đến bữa ăn phải gọi cho được các thành viên trong gia đình về cùng ăn một lúc, nếu ai đó đi vắng thì phải xới cơm và thức ăn riêng ra bát để lại, không để lại trong nồi, vì để như vậy, mẹ tôi cho là “ăn thừa” tội nghiệp. Để có được bữa ăn gia đình ấm áp yêu thương, nuôi đàn con đông đúc lớn khôn, cha mẹ tôi phải thức khuya dậy sớm. Đặc biệt, mẹ tôi không bao giờ bỏ nấu một bữa cơm nào. Mẹ tôi kể, năm 1952, nạn đói khủng khiếp xảy ra, nhiều người đói lả, nhưng mẹ tôi vẫn duy trì 3 bữa ăn, tuy chỉ có nhắm gạo độn với hạt mít mẹ đi làm thuê kiếm được, nhưng chúng tôi vẫn có những bữa cơm gia đình ấm áp. Cha mẹ tôi có 10 người con (7 trai, 3 gái). Cha tôi làm nghề chài lưới trên sông, mẹ ở nhà lo chuyện chợ búa, bếp núc nuôi con. Thu nhập từ nghề chài lưới của cha thường bấp bênh, nhưng nhờ mẹ tôi chắt chiu, dành dụm nên cuộc sống hàng ngày của chúng tôi cũng tạm đủ đầy.

Mẹ tôi - một phụ nữ tảo tần, đảm đang, luôn quan tâm đến bữa ăn gia đình. Mỗi ngày, 3 bữa mẹ tôi một tay lo liệu: sáng - trưa - tối. Nhà đông người, mẹ tôi phải nấu nồi cơm tới bảy, tám lon gạo. Thức ăn thì đơn giản: cá kho dưa, canh rau muống, bí bầu... Mà thật lạ, thời đó mẹ tôi nấu nướng không dùng đến hạt mì chính nào mà canh vẫn ngọt, cá vẫn ngon. Bây giờ cuộc sống đổi thay, nếp nhà của mỗi gia đình cũng thay đổi, không còn như xưa. Nhân Ngày gia đình Việt Nam (28.6) với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, tôi ghi lại mấy dòng hồi tưởng về bữa ăn của gia đình của tôi ngày ấy…

VĂN PHIN

VĂN PHIN