Dấu chân để lại
(QNO) - Ngày 21.6 lại đến. Giới báo chí hân hoan đón ngày truyền thống của mình. Cứ 21.6, những người đã từng một làm báo như chúng tôi lại đong đầy nỗi nhớ…
Chúng tôi nhớ về một thời làm báo đầy gian khó của Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng những năm 90 - 95 của thế kỷ XX. Ngày đó, sau khi “cổng trường đại học tiễn chân em”, chúng tôi đầu quân về Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng. Trụ sở của báo tại 14 đường Ba Đình (Đà Nẵng) nóng vào mùa hè, dột vào mùa mưa nhưng tâm huyết của tuổi trẻ (của cả người và của tờ báo) đã giúp chúng tôi đi qua khó khăn thật nhẹ nhàng, vui vẻ.
Để tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, Ban Biên tập báo cho anh em đi học đánh máy chữ (vì khi ấy chưa có máy tính). Những buổi học rộn tiếng cười giúp chúng tôi có thêm động lực để làm báo, để yêu nghề, dù buổi ban đầu, chúng tôi không chọn nghề mà nghề chọn chúng tôi. Thuở ấy, chúng tôi làm báo bằng cả tấm lòng và bằng cả tình yêu. Địa bàn rộng, phóng viên ít nên chúng tôi thay nhau “lang thang” khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Những bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống vì những bước chân của phóng viên in đậm dấu trên khắp các nẻo đường… Gắn báo với Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng 5 năm, vì nhiều lý do của cuộc sống, chúng tôi rời báo và đầu quân các địa chỉ mới: Khánh Hồng, Ngọc Tuấn về Báo Tiền Phong; Trương Duy Nhất về Báo Đại đoàn kết; Thu Hường về Đài Tiếng nói Việt Nam; Huyền Sa về Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng; Đinh Văn Dũng, Trịnh Đức Dũng và tôi về Báo Quảng Nam - Đà Nẵng…
Về Báo Quảng Nam - Đà Nẵng được một thời gian ngắn, từ ngày 1.1.1997, tôi, Đinh Dũng, Trịnh Dũng cùng nhiều đồng nghiệp khác lên đường về nhận nhiệm vụ tại Báo Quảng Nam khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính. Buổi đầu tiên với thật nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về phương tiện tác nghiệp. Sau ngày 21.2, chỉ có bộ phận phóng viên di chuyển về Quảng Nam, bộ phận văn phòng, hành chính và tòa soạn ở lại Đà Nẵng. Đến tháng 9.1997, toà soạn mới vào Tam Kỳ, cơ quan mới hoàn chỉnh.
Một cảnh hai quê, khó khăn chất chồng, nhất là trong khâu gửi tin, bài về Đà Nẵng, công tác phát hành… Cứ cuối giờ chiều, phòng phóng viên gom tin, bài, gửi về Đà Nẵng. Sáng hôm sau, bộ phận tòa soạn gửi báo vào theo đường xe buýt để phát hành. Cũng vì vậy mà xảy ra nhiều câu chuyện thật như đùa. Ví như có một lần, anh Phạm Tấn Tư (Trưởng phòng Phóng viên) ở Tam Kỳ gửi tin bài về tòa soạn cho một anh cán bộ về Đà Nẵng công tác và nhắn anh Phan Tấn Tu (Thư ký Tòa soạn) là đã gửi bài về. Ạnh Tu chờ đến 21 giờ tối vẫn không thấy tin, bài đâu bèn gọi lại cho anh Tư. Phòng Phóng viên cuống cuồng vì nếu tin, bài thất lạc thì không viết lại kịp, và như thế sẽ không phát hành được số bào ngày hôm sau. Kiểu này dễ bị kỷ luật cả đám. Sau khi điện tới, điện lui để tìm kiếm mới biết là anh cán bộ ấy đã đem đi nhậu luôn vì “có cơ quan nào xử lý công văn buổi tối đâu, để sang mai đem đến luôn cũng được”…
Địa bàn Quảng Nam rộng, bước chân phóng viên trải dài trên các vùng miền từ biên giới đến biển đảo, từ miền núi đến đồng bằng. Chúng tôi lặn lội cùng các đơn vị biên phòng tuyến núi, tuyến biển trong tuần tra, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển Tổ quốc; bám các xã, các huyện để tìm gương sáng trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; tham gia mật phục cùng lực lượng công an để viết bài phóng sự điều tra; theo chân các chị cán bộ phụ nữ để kịp thời phản ánh những mô hình phụ nữ góp vốn quay vòng, nàng dâu hiếu thảo…
Biết bao vui, buồn trong quá trình tác nghiệp ấy. Chúng tôi vui khi những bài viết của mình nhân rộng được điển hình tiên tiến, góp thêm vào những chiến công cho các cơ quan. Và cũng thật buồn khi những kiến nghị rơi vào im lặng… Dù vậy, dọc đường tác nghiệp của chúng tôi không thiếu những chuyện cười. Có lần đi công tác tại huyện Giằng (bây giờ là huyện Nam Giang), nhà báo Đặng Hùng đã “nhúng” cả máy ảnh xuống nước khi qua suối trượt chân. Nhà báo Phan Chín, tôi và 2 đồng nghiệp Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam mắc lại tại xã Bình Trung (Thăng Bình) dù chỉ cách nhà có hơn 10km do nước lụt quá lớn vào năm 1999. Chúng tôi ngồi co ro trên ghế, đọc bài viết qua máy điện thoại bàn của Trạm Cảnh sát giao thông Bình Nguyên (tại Thăng Bình). Hay chính bản thân tôi không bao giờ chụp thành công ảnh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Thanh Lâm, báo hại nhiều khi phải huy động ảnh của các phóng viên khác vì không thể đăng ảnh đồng chí này mà không có ảnh của đồng chí khác trong cùng một sự kiện... Cứ như thế, chúng tôi làm báo trong những hoàn cảnh tưởng chừng không thể khó khăn hơn.
Từ 7 phóng viên của buổi đầu chia tách, Phòng Phóng viên bắt đầu tăng cường lực lượng khi bổ sung nhân lực từ Trường Đại học Tổng hợp Huế, từ các địa phương về. Đội ngũ mạnh lên, cơ sở vật chất được đảm bảo, Báo Quảng Nam ngày càng phát triển. Từ 3 số/tuần, đến nay, báo đã phát hành hằng ngày và có thêm báo điện tử, truyền hình online, từng bước, từng bước xây dựng đơn vị truyền thông đa phương tiện.
Nhân 21.6, ôn lại một chút kỷ niệm của Báo Quảng Nam buổi đầu mới chia tách. Vẫn có nhiều kỷ niệm không thể sẻ chia, nhưng đồng nghiệp của tôi thì sẽ và mãi không quên những ngày đầu ấy, dù đã nghỉ hưu hay chuyển công tác. Xin được mượn tên một tập sách của Báo Quảng Nam để đặt tít cho bài viết này. Và cũng xin mượn câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo để kết lại bài viết này: "Ai đi gần, ai đi xa. Những gì gợi lại chỉ là dấu chân…"
Vâng, dấu chân chúng tôi đã để lại trên những cung đường Quảng Nam suốt một thời làm báo…
NGUYỄN THANH THỦY
(Nguyên phóng viên Báo Quảng Nam)