Đồng hành và hỗ trợ khởi nghiệp

VINH ANH 21/06/2017 09:21

Phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành không chỉ của Nhà nước, cộng đồng xã hội mà còn có cả các cơ quan thông tấn báo chí từ trung ương đến địa phương.

Nhấn nút khởi động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Tỉnh đoàn phối hợp với Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh phát động. Ảnh: VINH ANH
Nhấn nút khởi động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Tỉnh đoàn phối hợp với Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh phát động. Ảnh: VINH ANH

“Con dao hai lưỡi”

Bên cạnh cơ chế, chính sách, tài chính…, nhiều công ty, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp luôn mong muốn có sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan thông tin - truyền thông. Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, doanh nhân trẻ Nguyễn Duy Thạnh - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong (Thăng Bình) cho biết, doanh nghiệp luôn mong muốn báo chí hỗ trợ, đồng hành trong việc quảng bá các sản phẩm và thương hiệu cho công ty, nhất là giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Theo anh Thạnh, truyền thông có ý nghĩa đặc biệt với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu doanh nghiệp có sản phẩm tốt, nhưng muốn tiếp cận được khách hàng và thuyết phục khách hàng, ngoài kênh phân phối thì truyền thông đóng vai trò giúp sản phẩm kết nối với người tiêu dùng nhanh nhất. Với doanh nghiệp mới thành lập, sản phẩm mới, nếu không có truyền thông thì dù sản phẩm tốt đến đâu cũng rất khó tiếp cận thị trường. Vì vậy chất lượng sản phẩm và truyền thông cực kỳ quan trọng, giúp doanh nghiệp đi vào lòng người tiêu dùng. “Doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần truyền thông, truyền thông tốt sẽ giúp họ tiêu thụ sản phẩm cực tốt, ngược lại nếu truyền thông không tốt, doanh nghiệp có thể phá sản. Đó là con dao 2 lưỡi và tính 2 mặt của vấn đề” - anh Thạnh chia sẻ.

Nhiều đại diện doanh nghiệp trẻ cho rằng, báo chí là kênh truyền thông quan trọng hàng đầu. Ngày nay, những tờ báo uy tín luôn biết cách làm cho người tiêu dùng có niềm tin, khi người dân có niềm tin vào tờ báo, họ sẽ tin tưởng về sản phẩm mà tờ báo đưa tin. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giành chiến thắng trên thương trường. Báo chí có lúc dẫn lời chuyên gia hoặc cũng có thể trở thành chuyên gia, giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm tốt xấu, giúp doanh nghiệp khởi sắc. Nhưng nếu báo chí đánh giá sản phẩm hay một ngành nghề mang tính chủ quan, vụ lợi cá nhân, hay thiếu nghiên cứu sâu, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng, đôi khi là giết chết cả doanh nghiệp.

Cầu nối Nhà nước - doanh nghiệp

Mới bắt tay khởi nghiệp nhưng Huỳnh Văn Vinh (30 tuổi, Giám đốc Công ty CP Thương hội Chu Lai (đóng tại Núi Thành) đã “nếm mùi” khó khăn. Một trong số đó là vấn đề tài chính. Anh cho biết, để có vốn đầu tư kinh doanh, anh làm thủ tục vay 600 triệu đồng từ ngân hàng nhưng việc giải ngân chậm đến 3 tháng trời đã khiến cho tiến độ kinh doanh bị đình trệ so với kế hoạch. Trong khi đó, vấn đề thuê đất để đầu tư mô hình rau sạch cũng gặp trở ngại vì người dân bỗng dưng gây khó dễ dù trước đó đã đồng ý cho thuê đất… Theo anh Vinh, khi khởi nghiệp không ai tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, nếu những khó khăn đó được Nhà nước biết đến và quan tâm hỗ trợ, chia sẻ về mặt cơ chế, chính sách, tài chính… thì khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn. Và để Nhà nước “gần” hơn với doanh nghiệp thì không có kênh nào quan trọng hơn là báo chí. Qua báo chí, những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được chia sẻ nhanh nhất đến các cơ quan nhà nước. Anh Vinh chia sẻ: “Vai trò của báo chí đối với công tác truyền thông như một cầu nối giữa doanh nghiệp - nhà nước - người tiêu dùng. Thông qua công tác truyền thông, Nhà nước hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có cơ chế, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng hơn đến người tiêu dùng. Ngoài ra, thông qua công tác truyền thông trên báo chí, việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ hay việc nhận diện thương hiệu đến người tiêu dùng được rộng rãi hơn, tiếp cận thị trường nhanh chóng hơn”.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần truyền thông, truyền thông tốt sẽ giúp họ tiêu thụ sản phẩm cực tốt; ngược lại nếu truyền thông không tốt, doanh nghiệp có thể phá sản. Đó là con dao 2 lưỡi và tính 2 mặt của vấn đề”.
(Nguyễn Duy Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong)

Trong khi đó, doanh nhân trẻ Nguyễn Duy Thạnh cho rằng, các thông tin về thị trường, về nhu cầu xã hội, chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương... là những gì doanh nghiệp khởi nghiệp muốn biết thông qua kênh thông tin báo chí. Từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra định hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp, tiếp cận được các chính sách, nguồn vốn, nhân sự, công nghệ... Đó là điều mà bất kỳ doanh nghiệp cũ hay mới đều cần, để góp phần kinh doanh thành công. “Báo chí nên có những bài phân tích sâu về giá trị đem lại từ các sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp, bằng cách đưa ý kiến đánh giá từ các nhà khoa học hoặc các cơ quan chuyên môn, chính quyền..., nhằm giúp doanh nghiệp có chỗ đứng và niềm tin trong lòng khách hàng. Báo chí hãy thực sự vào cuộc giúp doanh nghiệp truyền đi thông điệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng như điều tốt đẹp của doanh nghiệp đem lại cho người tiêu dùng, cho xã hội. Các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay rất hạn chế về kinh phí, nếu được thì báo chí nên giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp quảng bá sản phẩm với chi phí thấp, và có những bài viết về sản phẩm, dịch vụ làm nổi bật sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp” - Nguyễn Duy Thạnh chia sẻ.

Nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp

Doanh nghiệp khởi nghiệp luôn gặp khó khăn nên rất cần sự đồng hành của các cơ quan báo chí. Báo chí góp phần khơi dậy đam mê khởi nghiệp bằng cách truyền đi những thông điệp khởi nghiệp, nhắn nhủ đến các cơ quan nhà nước tạo những điều kiện thuận lợi, thông thoáng, hỗ trợ những cơ chế pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được thành công. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN kiêm Tổ trưởng tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh nhìn nhận vai trò không thể thiếu của báo chí ở việc nuôi dưỡng phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Bởi, khởi nghiệp sáng tạo là cần sự tâm huyết, đam mê, mà để làm được điều đó thì phải được nuôi dưỡng theo nhiều con đường khác nhau, trong đó có báo chí.

Qua việc lăn lộn, tìm hiểu mọi ngóc ngách đời sống của xã hội, nhà báo dễ dàng phát hiện ra các tấm gương khởi nghiệp. Thực tế bản thân khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo mang tính chất tự thân, họ không làm để lấy tiếng, vì phong trào mà đó là vì sự dấn thân, khởi nghiệp cho chính bản thân họ. Nhưng khi báo chí phản ánh những tấm gương khởi nghiệp nghĩa là đã góp phần vinh danh, tạo động lực, niềm tự hào giúp họ thành công. Đồng thời, qua việc phản ánh gương khởi nghiệp trên báo chí sẽ giúp các cấp chính quyền biết, phát hiện các tấm gương khởi nghiệp. Qua đó kết nối các cá nhân khởi nghiệp với nhau, các ý tưởng khởi nghiệp tương tác, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển. “Chúng tôi đánh giá rất cao việc Báo Quảng Nam cùng phối hợp tổ chức cuộc thi “Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo” năm 2017. Những sản phẩm cuộc thi sẽ trở thành “đầu vào”, giúp Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh nắm bắt được tình hình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Tổ công tác khởi nghiệp sáng tạo sẽ ký kết với Báo Quảng Nam về chương trình phối hợp tuyên truyền công tác khởi nghiệp của tỉnh từ nay đến 2020. Tổ công tác của tỉnh sẽ giới thiệu những tấm gương khởi nghiệp, cung cấp các cơ chế chính sách phục vụ cho khởi nghiệp, giới thiệu các mô hình, câu lạc bộ khởi nghiệp… để báo nắm thông tin và tuyên truyền. Chúng tôi cũng dự tính sẽ phối hợp để mở một lớp tập huấn khởi nghiệp sáng tạo cho anh em tuyên truyền, đặc biệt là lực lượng các nhà báo” - ông Sinh nói.

VINH ANH

DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP CẦN GÌ?

* “Báo chí nuôi dưỡng đam mê. Qua báo chí, các cấp chính quyền biết và kết nối, nuôi dưỡng khởi nghiệp. Thời gian tới, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp như đào tạo, tập huấn…, cao hơn nữa là việc hỗ trợ đăng ký thương hiệu, hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị, kể cả các cơ chế liên quan đến chính sách đất đai…

Phạm Văn Linh (Núi Thành) khởi nghiệp từ mô hình mấy ấp trứng gia cầm tự động. Ảnh: T.CÔNG
Phạm Văn Linh (Núi Thành) khởi nghiệp từ mô hình mấy ấp trứng gia cầm tự động. Ảnh: T.CÔNG

Để tránh xảy ra tình trạng “con dao hai lưỡi”, báo chí cũng nên bình tĩnh, không tung hô quá mức các gương khởi nghiệp. Tùy từng mô hình cụ thể mà báo chí có cách tuyên truyền khác nhau nhưng chỉ nên phản ánh những cái gì họ đã và đang làm”.
(PHẠM NGỌC SINH -  Phó Giám đốc Sở KH&CN kiêm Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh)
* “Các thành viên trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Hội An là những người làm kinh doanh ổn định. Họ tham gia câu lạc bộ với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm đã làm được để giúp cho cá nhân hay tổ chức nào muốn khởi nghiệp sáng tạo. Vì mục đích thành lập là chia sẻ và mong muốn có những cá nhân, tổ chức muốn khởi nghiệp sáng tạo thực sự, tử tế nên câu lạc bộ mong Nhà nước phải hỗ trợ thực sự, không nên làm theo hình thức phong trào, để Quảng Nam có thêm nhiều mô hình sáng kiến mới.

Báo chí nên tuyên truyền những mô hình khởi nghiệp có chiều sâu. Khởi nghiệp sáng tạo rất khó để thành công. Vì khó nên khi thành công, sức lan tỏa rất nhanh. Do vậy cơ quan truyền thông khi đưa tin tuyên truyền về mô hình khởi nghiệp sáng tạo phải tìm hiểu kỹ và sâu. Thà ít mà hiệu quả còn hơn nhiều, tràn lan nhưng không tử tế. Lợi thế của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, nông, ngư nghiệp và du lịch là lĩnh vực dễ có được thành công khi khởi nghiệp. Truyền thông nên hướng vào lĩnh vực nông, ngư nghiệp hữu cơ sạch và du lịch hướng đến trải nghiệm văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái, hàng lưu niệm trong du lịch...”.

(PHAN XUÂN THANH - Tổng Giám đốc Công ty EMIC HOSPITALITY HỘI AN, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Hội An)
* Khởi nghiệp luôn gặp khó khăn, thách thức từ mọi thứ. Hiện nay các thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Chu Lai Núi Thành có khá nhiều ý tưởng khởi nghiệp và các mô hình khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên các bạn còn do dự và chưa thực sự quyết tâm để biến ý tưởng thành hành động. Bởi vậy, Nhà nước và các tổ chức cá nhân cần phát động nhiều cuộc thi về khởi nghiệp, tạo động lực cho các bạn trẻ tham gia. Đặc biệt, hiện nay có một số ý tưởng và mô hình khởi nghiệp đã triển khai nhưng gặp khó khăn nhất định về cơ chế, pháp lý, qua đây tôi xin đề xuất các cơ quan ban ngành, lãnh đạo địa phương quan tâm sâu sát hơn và tạo cơ chế thông thoáng để các dự án khởi nghiệp được triển khai nhanh chóng như đúng tinh thần của khởi nghiệp.

Hiện tại Núi Thành có rất nhiều nhân tố khởi nghiệp, tuy nhiên các kênh thông tin chưa được kết nối rõ ràng. Thông qua công tác truyền thông tại địa phương như đài phát thanh nên phát các bản tin về chương trình, thông điệp khởi nghiệp hoặc các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành viên câu lạc bộ. Qua đó sẽ thu hút các nhân tố cùng tham gia khởi nghiệp.

(HUỲNH VĂN VINH - Giám đốc Công ty CP Thương hội Chu Lai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Núi Thành)

M.ĐỨC - V.ANH (ghi)

MỐI QUAN HỆ TƯƠNG HỖ

Một vấn đề không kém phần quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí hiện nay là doanh nghiệp - đối tượng hàng đầu của hoạt động kinh tế báo chí.

Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn với quốc tế, nhiều hiệp định thương mại mậu dịch tự do được ký kết, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ quan báo chí truyền thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc làm cầu nối chuyển tải thông tin một cách chính xác, nhanh nhạy giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể xây dựng những chính sách đúng hướng, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn đặt ra, nhằm xây dựng thể chế, chính sách kinh tế cả vĩ mô lẫn vi mô ngày càng cụ thể hơn, sát hơn với đối tượng trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội, đó là doanh nghiệp.

Nguyễn Duy Thạnh (trái) - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong (Thăng Bình) mở rộng đầu tư sản xuất cây dược liệu. Ảnh: VINH ANH
Nguyễn Duy Thạnh (trái) - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong (Thăng Bình) mở rộng đầu tư sản xuất cây dược liệu. Ảnh: VINH ANH

Hơn ai hết, với chức năng và vai trò của mình, báo chí phải nhận thức được nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp trong “biển” thông tin đa chiều, đó là tính xác thực của thông tin mà báo chí phản ánh, tuyên truyền. Vì vậy, các cơ quan báo chí truyền thông phải cố gắng tiếp cận, phản ánh doanh nghiệp cả về nội dung lẫn hình thức thông tin, không vì cạnh tranh thông tin mà lôi kéo độc giả để thương mại hóa, làm rẻ rúng tờ báo. Không vì lợi nhuận dẫn đến hậu quả thông tin thiếu trung thực hoặc chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau, cùng một vấn đề, một sự kiện mà “ông nói gà, bà nói vịt”, làm suy giảm lòng tin đối với bạn đọc nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Bất kể hình thức báo chí truyền thống hay báo chí hiện đại, mục tiêu cuối cùng của báo chí không chỉ là cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, chính xác cho công chúng, mà còn cảnh báo, phản biện với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong một số trường hợp, trên cơ sở phát hiện, báo chí đã giúp doanh nghiệp nhận ra những non kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường kinh tế cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Kể cả những chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của đất nước còn nhiều bất cập cũng được báo chí phân tích, luận chứng, mổ xẻ để góp tiếng nói cùng các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn về cơ chế, chính sách; tạo môi trường thông thoáng nhằm giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Doanh nghiệp cần báo chí và ngược lại, báo chí cũng cần doanh nghiệp. Đây được xem là mối quan hệ hữu cơ, mật thiết, chặt chẽ với nhau, chứ không phải là sự “xin - cho”, cái kiểu “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại”. Mặt khác, không thể để báo chí sống ký sinh vào doanh nghiệp. Nếu để báo chí “sống bám” vào doanh nghiệp thì sẽ xảy ra những hệ lụy khó lường. Theo đó, vị trí, vai trò và chức năng của báo chí sẽ bị chi phối bởi lợi ích kinh tế từ phía doanh nghiệp “ban phát”. Thông lệ, doanh nghiệp cần đến báo chí để cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giới thiệu dịch vụ của mình. Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, tương tác thông tin và là đối tượng để chia sẻ lợi ích kinh tế, lợi nhuận của sản phẩm làm ra bằng những hợp đồng thông tin - tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu...

Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa báo chí và doanh nghiệp là không thể thiếu được, đặc biệt trong xã hội bùng nổ thông tin với sự xuất hiện ngày càng nhiều của báo điện tử, mạng xã hội, cũng như nền kinh tế thị trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chính xác và báo giới cần khách quan, công tâm, linh hoạt trong việc đưa thông tin chính xác đến với công chúng, với mục đích trong sáng và hữu ích là hai bên cùng có lợi. Hai bên càng phải “bắt tay nhau” một cách chặt chẽ, đồng hành để phát triển trong suốt quá trình tham gia việc xây dựng, phát triển thương hiệu đối với doanh nghiệp, cũng như phát triển một tờ báo, một cơ quan báo chí nói chung.

Vấn đề mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế không chỉ là bài toán của báo chí nói chung, hoặc doanh nghiệp, mà báo Đảng địa phương cũng không nằm ngoại lệ của mối quan hệ tự thân và tất yếu này. Không chỉ đối với doanh nghiệp, mà các cơ quan báo chí truyền thông trong thời đại ngày nay đều phải đặt ra vấn đề này để nghiên cứu, tham khảo như là lẽ dĩ nhiên trong quá trình tồn tại và phát triển của mình.

ĐINH VĂN DŨNG

VINH ANH