Lên vùng cao, hái quả ngọt

Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC 19/06/2017 16:29

Như quà tặng mỗi ngày, thành quả sau những trang báo là sự tiếp nhận và nêu gương trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên bước chuyển mới về tư duy, nhận thức ở cộng đồng vùng cao.

Làng Bhơ Hôồng 1 đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Làng Bhơ Hôồng 1 đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

1. Tôi bước theo chân già làng Alăng Giôr vào trong gươl. Trước mặt là những giấy khen treo cao, đầy trang trọng. Đó là công sức của dân làng Aréh (xã Tà Lu, huyện Đông Giang), sau những nỗ lực làm kinh tế, đoàn kết cộng đồng và xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Già Giôr lấy ra một vài tập sách báo, được cất giữ cẩn thận trên giá thờ của gươl, khoe với tôi rằng, là “của quý” của làng. Trong số tập sách báo đó, ngoài các ấn phẩm dành riêng cho đồng bào miền núi, có cả những tờ báo Đảng, như Nhân Dân, Quảng Nam và các bản tin của ngành. “Đọc báo, thấy cái gì hay mà nơi khác làm được, ví dụ như mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, hay công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, đoàn kết toàn dân,… phù hợp với dân bản mình, thì mình làm theo. Nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ, thay vào đó là mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng, giúp cuộc sống của đồng bào ngày càng nâng lên” - già Giôr bộc bạch.

Trước đây trẻ em làng Phú Mưa phải lội qua sông đi học. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Trước đây trẻ em làng Phú Mưa phải lội qua sông đi học. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Lần theo ký ức của già Giôr, chừng hơn 20 mươi năm trước, như những bản làng vùng cao khác, Aréh cũng chỉ là vùng đất heo hút, giao thông cách trở. Dù chỉ cách thị trấn P’rao chưa đầy mươi cây số, nhưng đời sống của người dân vẫn còn nhiều gian khó. Nương rẫy, như cái nghiệp của duyên trời, mặc định với cuộc sống đồng bào vùng cao, quanh năm bán lưng cho trời. Nghèo khó bám riết, lặng buồn như chính gương mặt khắc khổ của họ. Nỗi ám ảnh trong những mùa giáp hạt chưa bao giờ vơi. Hồi đó, già Giôr làm cán bộ xã, thỉnh thoảng báo được chở lên, thuộc diện cấp phát. Đọc báo, thấy cái gì hay, già Giôr lại mang về nhà, làm tài liệu tham khảo giúp tuyên truyền trong các buổi họp dân. Đầu tiên, là quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất từ nương rẫy sang làm ruộng lúa nước, được duy trì cho đến bây giờ. Các mô hình trồng keo, chuối, dứa, hay đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc,… lần lượt được áp dụng hiệu quả. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, người làng làm nông thôn mới. Đường bê tông được đổ tận ngõ nhà, nối Aréh với tuyến quốc lộ 14G theo trục đường P’rao - Đà Nẵng. Những chuyến xe ngược xuôi chở keo, hàng nông sản từ Aréh và các vùng lân cận của Tà Lu nhiều thêm mỗi ngày. Dưới mái gươl, nụ cười của dân làng trong ngày hội đoàn kết hằng năm cũng theo đó kéo dài thêm, miên man cùng câu hát lý của già làng, tận khuya…
2. Dòng suối R’lang hiền hòa êm trôi dưới chân cầu Phú Mưa (xã Jơ Ngây, Đông Giang). Người làng Phú Mưa bây cũng không còn sợ nước lũ, như cách đây gần 10 năm. Hồi đó, sau những bài viết trên Báo Quảng Nam và nhiều tờ báo khác về ước mơ có một cây cầu của dân làng, năm 2011 UBND huyện Đông Giang quyết định đầu tư ngân sách xây dựng cầu qua thôn Phú Mưa. Đến tháng 6.2012 cầu Phú Mưa khánh thành, với kết cấu bê tông vĩnh cửu có tổng chiều dài 90,3m gồm 5 nhịp, rộng 4,5m, tổng mức đầu tư gần 7,4 tỷ đồng, trong đó bạn đọc Báo Dân Trí hỗ trợ 492 triệu đồng, còn lại là vốn ngân sách nhà nước.

Nắng theo chân về làng, vượt hết đoạn dốc, tôi nhận ra con đường đã được bê tông hóa. Những ngôi nhà mới kiên cố hiện diện hai bên đường. Dân làng bảo, diện mạo mới có được là nhờ cây keo. Mô hình trồng keo phát triển kinh tế chính là đòn bẩy đổi đời cho Phú Mưa, khi dòng R’lang không còn là nỗi ám ảnh. Phía núi, đã nghe vẳng tiếng ầm ào người dân khai thác vụ keo mới.

Khác với vẻ mặt trầm ngâm ngày trước, lần này trở lại tôi bắt gặp ngay nụ cười vui của già làng Alăng Chúc. Ngay cả với chính ông, bây giờ đón tôi cũng trong ngôi nhà mới được tu sửa sau vài đợt thu hoạch keo, cùng lòn bon và các sản vật khác. Những đổi thay này, 10 năm trước chẳng người nào ở Phú Mưa dám nghĩ đến. “Cuộc sống người dân ở làng này, ít nhiều những đổi thay cũng là nhờ có cây cầu. Hồi trước, có keo, có chuối, muốn đem bán cũng khó. Mà họ về làng mua, giá thấp hơn nhiều. Bây giờ khác rồi, có cầu bắc qua, xe lớn về tận ngõ làng, không còn lo gì nữa” - già Chúc nói. Câu chuyện về làng, cứ thế được kể trong cuộc trà ấm cúng. Chợt thấy, Phú Mưa đã có bước chuyển thật mới, cả về tư duy lẫn đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều thanh niên trong làng bắt đầu tìm cơ hội thoát nghèo bằng việc đứng ra thu mua keo từ người dân trong vùng. Thành công bước đầu, như hộ Alăng Ting, Alăng Bíh, cùng một vài người khác, đã khuyến khích thêm nhiều thanh niên cùng “thử sức” làm giàu từ keo. Rồi cũng có không ít người làng Phú Mưa bây giờ học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, mà biết áp dụng xen canh vụ mùa trồng bắp, trồng đậu để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Rời Phú Mưa, niềm vui mà tôi mang về, ngoài diện mạo đổi thay, còn là thông tin về Alăng Thị Tiên - người đầu tiên của làng trở thành sinh viên một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh. Trong một lần tâm sự, Tiên bảo ngày trước đọc báo thấy có nhiều gương mặt vượt khó trở thành sinh viên tiêu biểu được nêu gương, thế là mình ấp ủ ước mơ, rồi quyết tâm thực hiện, bước ra từ làng tìm con chữ. Và Tiên thành công, ghi thêm dấu mốc mới cho người làng Phú Mưa.
3. Nắng lên. Làng văn hóa du lịch Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang) đẹp như đóa hoa đh’lôm bung nở giữa rừng - một ngôi làng Cơ Tu còn nguyên vẹn những giá trị truyền thống. Thành quả đó chính từ chủ trương của tỉnh khi phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn, miền núi theo hướng có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Và để hỗ trợ phát triển du lịch, năm 2014 Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và hải đảo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Văn bản này thể hiện những chính sách ưu đãi về tài chính, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực… dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đầu tư phát triển du lịch ở các huyện miền núi, xã đảo. Định hướng và chính sách hỗ trợ của tỉnh được các phương tiện truyền thông, trong đó có Báo Quảng Nam, tuyên truyền sâu sát tận cơ sở, nêu mô hình hiệu quả ở nơi này để nơi khác học tập, vận dụng phù hợp. Và làng Bhơ Hôồng 1 nằm trong số những điểm du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả.

Người Cơ Tu làm du lịch, ngày trước, nói cũng chẳng ai tin. Nhưng bây giờ, ngôi làng nhỏ bé như Bhơ Hôồng 1 đã trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách, là một trong những điểm sáng mà nhiều bài báo nêu gương, tuyên truyền. Cũng từ báo chí, có thêm nhiều người biết về điểm đến này, nhiều làng bản vùng cao học tập, nâng cao nhận thức bảo tồn văn hóa truyền thống, văn hóa cộng đồng… Hôm đến làng, tình cờ tôi gặp đoàn du khách ngoại quốc đến tham quan, theo chân hướng dẫn viên người Cơ Tu là Ating Pai để cùng trải nghiệm cuộc sống của đồng bào. Ating Pai ở thị trấn P’rao, nhưng khi làng Bhơ Hôồng 1 mở cửa đón du khách theo tour du lịch cộng đồng, anh đến đây và trở thành người làng, làm hướng dẫn viên. Qua lời kể của đồng bào, hình dung ra Pai chính là cầu nối, giúp người làng Bhơ Hôồng 1 sống được với chuyện làm du lịch. Kiến thức, ngoài trau dồi từ chính những vị khách của mình, Pai còn chăm chỉ học thêm từ sách, báo và mạng xã hội, rồi truyền đạt lại cho bà con cách làm hay để giữ chân du khách. “Những sinh hoạt đời thường nhất của mình, đôi khi lại là trải nghiệm đầy thú vị cho du khách. Vì thế, chỉ cần biết cách tương tác, là người dân có thể sống được với du lịch” - Ating Pai chia sẻ.

 Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC

Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC