70 năm, một chặng đường

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH 14/06/2017 08:40

70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất và người Duy Châu (huyện Duy Xuyên) đã lập nên biết bao kỳ tích trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong hòa bình xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp...

 Một góc xã Duy Châu hôm nay.
Một góc xã Duy Châu hôm nay.

Trang sử vàng

Ngày 15.6.1947, Huyện ủy Duy Xuyên quyết định tổ chức lễ kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ đảng ở các xã Hoa Châu, Tam Sơn (nay là xã Duy Châu). Theo đó, Chi bộ Đảng Hồng Hà (xã Hoa Châu) có 6 đồng chí gồm: Dương Hộ, Bùi Bình, Dương Lục, Dương Tuấn, Trần Ích, Trương Liễu, do đồng chí Dương Hộ làm Bí thư. Chi bộ Lý Ninh (xã Tam Sơn) có 4 đồng chí gồm: Đoàn Tài, Huỳnh Hòa, Trương Cừ, Huỳnh Liên, do đồng chí Đoàn Tài làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, các chi bộ đảng vừa tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, vừa chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Mặt khác, xây dựng lực lượng du kích xã vững mạnh, tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt sinh lực địch, tiêu biểu như các trận tại Lệ Trạch, Cổ Tháp, Thanh Châu, Tân Phong, Thọ Xuyên. Đặc biệt là trận đánh diệt tên lính Pháp có biệt danh “Tây mỏ heo” khi chúng càn vào các làng Cù Bàn, An Lâm để cướp bóc và nhiều trận đánh chống quân Pháp phá hoại tài sản, hoa màu của nhân dân đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Đồng thời tiếp tục đóng góp sức người, sức của và tham gia dân công vận chuyển thương binh, lương thực, đạn dược, vũ khí phục vụ các chiến trường… góp phần cùng với cả nước làm nên “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”.

Mỗi năm, 1ha đất màu mang lại cho người dân Duy Châu gần 200 triệu đồng. Ảnh: T.S
Mỗi năm, 1ha đất màu mang lại cho người dân Duy Châu gần 200 triệu đồng. Ảnh: T.S

Thế nhưng, ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, với sự tiếp sức của đế quốc Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam thẳng tay đàn áp những người tham gia kháng chiến. Tại xã Duy Châu, bọn chúng gây ra nhiều vụ bắt bớ, tra tấn, giam cầm, thủ tiêu cán bộ ở chùa Bà Giám, Hòn Bằng, cầu Cây Gáo, chợ La Tháp và ngay tại nhà của một số tên tay sai. Điển hình là đêm 21 rạng sáng 22.1.1955, chúng đưa 37 đảng viên, trong đó có đồng chí Phan Thị Diệu Liên - cán bộ phụ nữ huyện đang mang thai, bọn chúng giam cầm tại chùa Bà Giám đưa vào đập Vĩnh Trinh để thủ tiêu tập thể. Bất chấp những thủ đoạn hèn hạ, hành động dã man của kẻ thù, quân và dân Duy Châu vẫn kiên cường đấu tranh giải phóng quê hương ngày 26.3.1975.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, toàn xã có 168 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 778 liệt sĩ, 189 thương - bệnh binh. Đảng bộ và nhân dân Duy Châu vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 22.8.1998 cùng hàng nghìn Huân chương, Huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Không ngừng lớn mạnh

Từ 2 chi bộ đảng đầu tiên với 10 đồng chí, đến nay Đảng bộ xã Duy Châu có 189 đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 12 chi bộ trực thuộc. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, tạo lập khối đoàn kết thống nhất, Đảng bộ xã không ngừng phát triển vững mạnh. Hàng năm Đảng ủy xã quán triệt nghiêm túc và kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thu hút hơn 95% đảng viên tham gia. Công tác phát triển đảng dù gặp một số khó khăn nhưng luôn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Ông Nguyễn Bảy - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng ở Duy Châu là thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI,XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các Chỉ thị 03, 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo ông Bảy, ở 12 chi bộ trực thuộc, trong mỗi cuộc sinh hoạt chi bộ đều phân công đảng viên kể một câu chuyện về Bác Hồ, lên kế hoạch về việc làm cụ thể để noi gương và báo cáo kết quả trước chi bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát trong đảng ở Duy Châu cũng được thực hiện thường xuyên. Hàng năm, Đảng ủy xã xây dựng cụ thể chương trình, kế hoạch để việc triển khai khâu này mang lại hiệu quả cao. Riêng năm 2016 đã tiến hành kiểm tra, giám sát 12 chi bộ, kịp thời phát hiện, uốn nắn những thiếu sót, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Qua kết quả bình xét, hàng năm có 75% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh và hơn 80% đảng viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Nguyễn Bảy nói: “Thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng khối đoàn kết thống nhất, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh trong tư tưởng, hành động của một số cán bộ, đảng viên. Nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Cùng với đó, xã Duy Châu cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận. Ngoài ra, việc thực hiện Chỉ thị số 05 sẽ gắn liền với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

Đoàn kết tạo nên sức bật

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Duy Châu nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương. Chỉ một thời gian ngắn, những hố bom sâu hoắm, những đồi gò hoang hóa dần được thay bằng màu xanh của sự sống. Ông Lê Phước Hải - Phó ban Nông nghiệp xã cho hay, Duy Châu có 143ha đất lúa, hiện đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 62 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với năm 2010. Theo ông Hải, địa phương hiện có 210ha đất màu, thời gian qua xã đầu tư hơn 4 tỷ đồng kéo 20km đường dây điện, lắp đặt trạm biến áp, công tơ… nhằm chủ động phục vụ nước tưới và hỗ trợ nhiều khâu khác để giúp nông dân hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. “Nhờ nhà nông linh hoạt luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn chủ lực như bắp nếp, đậu xanh, ớt, đậu cô ve… nên bình quân mỗi năm 1ha đất màu cho mức thu nhập 196 triệu đồng, cá biệt có một số vùng đạt 220 - 250 triệu đồng” - ông Hải nói. Được biết, Duy Châu cũng là địa phương đầu tiên của huyện Duy Xuyên triển khai mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng, hiện toàn xã có hơn 1.400 con bò, chủ yếu là giống lai sind. Xã đã hình thành được 30 gia trại bò với quy mô mỗi mô hình từ 5 con trở lên, hằng năm một gia trại cho lãi ròng 30 - 45 triệu đồng.

Những năm qua, các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Duy Châu cũng hoạt động khá ổn định. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của xã đạt 34 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 15,3%; thương mại - dịch vụ đạt hơn 48 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với năm 2015... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%, giảm 14,6% so với cách đây 6 năm. Thu nhập bình quân đầu người hơn 30 triệu đồng/năm. Cùng với phát triển kinh tế, địa phương cũng tập trung huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ông Võ Minh Hải - cán bộ phụ trách nông thôn mới của xã cho hay, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Duy Châu vừa tiếp tục đổ bê tông 1,7km giao thông nông thôn ở các thôn Thanh Châu, Lệ An, Lệ Bắc, Cù Bàn… nâng tổng số trục đường liên xã, liên thôn, liên xóm đã kiên cố hóa lên 31,37km, chiếm tỷ lệ 80%. Hiện xã đã thực hiện hoàn thành 14 tiêu chí nông thôn mới. Ngoài hệ thống giao thông thông suốt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thì thời gian qua cơ sở vật chất trường lớp của Duy Châu cũng được xây dựng khang trang, chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên. Cạnh đó, trạm y tế xã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đặc biệt, từ khi được nâng cấp, chợ La Tháp đã tạo nên diện mạo văn minh mới.

Theo ông Nguyễn Bảy - Bí thư Đảng ủy xã Duy Châu, trong 70 năm qua, người dân Duy Châu vẫn giữ trọn niềm thủy chung son sắt với Đảng. Chính điều đó đã trở thành nguồn lực mạnh mẽ ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. “Bài học tin ở dân, dựa vào dân, trách nhiệm với dân và hết lòng vì dân đã được đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Đây là bệ phóng quan trọng để Duy Châu tiếp tục tăng tốc trong những chặng đường sắp đến” - ông Nguyễn Bảy nói.

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH

NGUYỄN SỰ - PHI THÀNH