"Bám víu" vào rừng dừa

Ghi chép của VÕ LÊ 11/06/2017 10:27

Họ, những người dân thật thà, chất phác ở xứ dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã “bám víu” vào gia sản của cha ông từ bao đời nay để lại là rừng dừa nước để mưu sinh. Rừng dừa vừa là lá chắn bảo vệ làng nhưng cũng là nguồn sống của biết bao thế hệ người dân ở Bảy Mẫu.

1. Dầm mình dưới con nước lạnh ngắt cả ngày để cắt những tàu dừa nước bán kiếm tiền, đó là nghề mưu sinh khá nhọc nhằn của nhiều chị em ở xứ dừa Bảy Mẫu. Mờ sáng, hai mẹ con bà Trần Thị Lợi (50 tuổi, thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh) lục đục bơi chiếc ghe cũ kỹ về phía rừng dừa nước còn ngập trong sương sớm. Đôi tay cầm cây rựa, bà dầm mình xuống dòng nước, ngập đến ngang bụng, len lỏi vào từng gốc dừa nước, chặt những tàu lá xanh ngắt, kéo ra. Bà Lợi kể, vườn dừa nước của nhà mình rộng chừng chục héc ta, được trồng từ đời ông nội. Rồi đến những đời sau, rừng dừa tiếp tục được vun vén, sinh sôi nảy nở để con cháu có kế sinh nhai.

Nghề chặt tàu dừa đã giúp nhiều phụ nữ có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Ảnh: VÕ LÊ
Nghề chặt tàu dừa đã giúp nhiều phụ nữ có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Ảnh: VÕ LÊ

Theo bà, khi cắt tàu dừa nước thì phải để lại “một mẹ một con” thì cây dừa mới tiếp tục sinh sôi nảy nở, nếu cắt hết tàu lá thì cây sẽ chết. Vài tháng sau cây tiếp tục mọc ra những tàu dừa mới rồi mới cắt dần dần. Ai cũng phải theo “nguyên tắc” đó, để giữ những vườn dừa nước tiếp tục “đẻ ra tiền” và bao phủ màu xanh cho vùng sông nước này.

Ở Hội An nhiều năm qua người ta lùng sục mua lá dừa nước để lợp nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, làm đồ thủ công mỹ nghệ, tranh dừa... thì cũng là lúc tàu dừa nước đắt như tôm tươi. Và cũng từ đây nhiều chị em phụ nữ đã coi nghề cắt tàu dừa bán như là nghề chính để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Việc bán lá dừa đem lại thu nhập tương đối khá. Đối với những chị em chịu khó, thì một ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng - một mức thu nhập khá cao đối người dân vùng sông nước. Mỗi tàu dừa cắt xong, phơi khô được bán với giá 1.500 - 2.000 đồng. “Mỗi ngày hai mẹ con tui chặt 300-400 tàu lá, kiếm cũng được 500.000 - 700.000 đồng. Ngoài ra những chị em đi cắt thuê cũng được chủ trả từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày công” - bà Lợi tâm sự. Nghề cắt tàu dừa cũng giải quyết nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ ở vùng này.

Nhiều ngư dân chèo thúng đưa khách tham quan rừng dừa để mưu sinh.
Nhiều ngư dân chèo thúng đưa khách tham quan rừng dừa để mưu sinh.

Nhưng chỉ có điều, theo những người hành nghề cắt tàu dừa ở Cẩm Thanh, họ cũng đối mặt với nhiều vất vả và sự cơ cực. Cả ngày phải dầm mình, hụp đầu dưới nước lạnh ngắt, tay chân bị nước ăn da, lở loét, thân thể dễ bị nhiễm khuẩn, điều đặc biệt nguy hiểm đối với chị em. Nhiều người thường xuyên bị cọng hay lá dừa cứa rách mặt mũi, tay chân bởi khi cắt tàu dừa phải xoay xở dưới nước trong không gian hẹp. Đó là chưa kể lội dưới bùn có thể giẫm phải mảnh chai làm đứt chân chảy máu. Cắt xong chất tàu lá lên ngập chiếc ghe, họ phải lội bộ trên sông, dìu chiếc ghe xuôi theo dòng nước về bờ. Có những đoạn nước ngập đến ngang đầu họ phải bám vào chiếc ghe để bơi rất nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Bảy (59 tuổi, thôn Thanh Tam Đông) cho biết, chính nhờ cái nghề này mà mấy chục năm nay bà có tiền để nuôi mấy đứa con ăn học thành người. “Cả ngày dầm nước lạnh thấu xương, cắt xong đem về nhà còn phải cong lưng chẻ, tước đôi tàu lá ra, phơi khô rồi mới bán chứ không dễ lấy tiền đâu” - bà Bảy nói. Bà cũng kể, dạo ấy trong thôn có một chị cũng lội sông dìu ghe chất đầy tàu lá dừa về, đến chỗ nước sâu bị sụp chớn nước, chới với giữa dòng. Cũng may lúc đó có người đi ghe ngang qua cứu vớt. Ai cũng một phen ớn lạnh. Còn bà Trần Thị Dậu (70 tuổi, thôn Thanh Tam Đông), người có thâm niên trong nghề chặt tàu dừa, cho rằng điều đặc biệt là nghề này chỉ có phụ nữ mới làm. Bà kể nhiều “lão niên” trong nghề, đến nay tuy tuổi tác đã cao, nhưng vẫn theo nghề này nuôi sống gia đình, như bà Nhị (70 tuổi), bà Hàn (60 tuổi), bà Bốn (65 tuổi)… “Nghề này cần sự cần mẫn, chịu khó và khéo tay. Đàn ông mà nghe nói dầm mình trong nước cả buổi thì lắc đầu ngao ngán” - bà Dậu bộc bạch.
2. Ở rừng dừa Bảy Mẫu, những chiếc thúng chai không còn là phương tiện để ngư dân đánh bắt hải sản, mà được tận dụng để chở khách tham quan rừng dừa. Nghề biển thất thường, lại quá hiểm nguy nên những ngư dân ấy đã bỏ biển lên rừng dừa, bám víu vào rừng dừa để kiếm sống. Và cuộc sống thường nhật bây giờ của họ cứ gắn với những vòng thúng chai, nhưng không phải ở biển cả mênh mông, dữ dội mà là rừng dừa nước êm ả, thơ mộng.

Vòng quanh khu rừng dừa nước ở thôn Thanh Tam Đông và thôn Vạn Lăng sẽ bắt gặp hàng trăm người dân bơi thúng chở khách đi tham quan. Già có, trẻ có, cuộc sống của họ thay đổi từ khi ở đây nở rộ dịch vụ bơi thúng chở khách tham quan rừng dừa. Chúng tôi gặp anh Lê Văn Phương (40 tuổi, thôn Thanh Tam Đông) đang cùng người thân trong gia đình tất bật xuống những chiếc thúng, sửa soạn chu đáo. Họ chuẩn bị đón đoàn khách đầu tiên trong ngày đi thúng chai khám phá rừng dừa. Anh Phương kể, những năm gần đây, khi nhu cầu tham quan rừng dừa bằng thúng chai của khách du lịch trở nên tấp nập, thì những ngư dân như anh ở Bảy Mẫu đã bỏ nghề đi biển, mở dịch vụ này phục vụ du khách. “Không phải nặng nhọc như đi biển, lại được gần nhà, bớt hiểm nguy, nên chúng tôi lựa chọn. Dịch vụ tham quan rừng dừa ở đây bây giờ rất phát triển, nên chúng tôi thu nhập cũng đủ trang trải gia đình” - anh Phương nói.

Không riêng gì cánh đàn ông mà nhiều phụ nữ ở Bảy Mẫu cũng theo nghề bơi thúng phục vụ du khách. Họ cùng chồng con lênh đênh trên những chiếc thúng chở khách len lỏi vào rừng dừa xanh ngắt. Dù ở tuổi lục tuần, nhưng bà Lê Thị Vinh (thôn Thanh Tam Đông) vẫn đôi tay chắc nịch cầm mái chèo bơi giữa dòng nước. Bà kể, trước đây chồng bà đi biển, mỗi chuyến biển về bà phụ chồng bán cá nhưng thu nhập quá èo uột, lúc được lúc mất. Thế nên từ khi chồng bỏ đi biển, bà lại phụ chồng chèo thúng chở khách tham quan rừng dừa. “Nghề này nhẹ nhàng hơn mà thu nhập cũng kha khá. Mỗi ngày hai vợ chồng chèo thúng cũng kiếm được vài trăm nghìn lo cho tuổi già, không phải phiền tới con cái” - bà Vinh quệt mồ hôi, nói.

Bỏ đi biển cũng ngót năm năm nay, ông Lê Đình Bảy (75 tuổi, thôn Thanh Tam Đông) cũng như những ngư dân “già” khác coi rừng dừa Bảy Mẫu như là nhà của mình để nương tựa. Hằng ngày ông tìm thú vui bên những vòng thúng và những du khách quen có, lạ có. Ông Bảy kể, hiện ở thôn Thanh Tam Đông và thôn Vạn Lăng có gần 400 chiếc thúng được người dân sử dụng để làm dịch vụ chở khách. Nhu cầu của khách tham quan bằng thúng tăng, nhiều hộ dân đã bỏ hẳn nghề biển chuyển sang dịch vụ thúng chai, sống dựa vào rừng dừa kiếm kế sinh nhai. Bình thường lượng khách đổ về đây khoảng 500 khách/ngày nhưng đến mùa cao điểm hơn 1.000 khách/ngày. “Mỗi lượt chở khách chúng tôi có thể kiếm được 50.000 - 100.000 đồng. Hoặc có người thì chèo thuê cho công ty du lịch lữ hành cũng kiếm một ngày 200.000 - 300.000 đồng, công việc nhẹ nhàng hơn nghề biển mà cũng đủ sống” - ông Bảy tâm sự.

Chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông Bảy lúc ra về: “Người dân xứ dừa Bảy Mẫu phải nhớ ơn ông cha ta từ bao đời đã vun vén, gìn giữ rừng dừa nước đến tận ngày nay mà con cháu có cái bám víu để sinh sống. Vì thế hơn ai hết chính chúng tôi và những con cháu đời sau phải tiếp tục gìn giữ “gia sản” này, để rừng dừa mãi xanh tốt đến ngàn sau”.

Ghi chép của VÕ LÊ

Ghi chép của VÕ LÊ