Mang niềm vui cho trẻ em

LÊ DIỄM 07/06/2017 09:24

Các hoạt động xã hội dành cho trẻ em được Sở LĐ-TB&XH tổ chức nhân Tháng hành động vì trẻ em đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã Duy Vinh.Ảnh: LÊ DIỄM
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở xã Duy Vinh.Ảnh: LÊ DIỄM

Sẻ chia

Ba mẹ bận cuộc mưu sinh nên bà ngoại của em Lê Thị Thảo Nguyên (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) là Nguyễn Thị Mai phải đưa cháu đi nhận quà. Bé Nguyên năm nay 6 tuổi nhưng đã không biết bao lần nhập viện vì bệnh thiếu máu. Bà Mai kể, lúc sinh ra Nguyên đã bị bệnh này rồi nên gia đình vốn khó khăn càng thêm cơ cực. Mẹ làm công nhân ở công ty may, ba làm thợ hớt tóc, mỗi tháng được bao nhiêu tiền cũng đều tích cóp đưa con đi bệnh viện truyền máu một lần. “Được nhận quà và vui chơi con thích lắm. Con thích đi học, con sợ bị đau phải đi bệnh viện” - bé Nguyên tâm sự. Cháu Võ Thanh Bình (7 tuổi) cũng ở Duy Vinh cứ đứng nép vào lòng mẹ, không quan tâm đến người lạ hỏi thăm về mình khi đi nhận quà. Chị Võ Thị Nam Phương, mẹ của Bình dường như ngại với mọi người về sự lơ đễnh của con trai, nên vội giải thích: “Cháu nó sinh ra bình thường, nhưng càng lớn tôi mới phát hiện cháu có vấn đề về não. Ai hỏi gì cháu cũng không trả lời, nói trước quên sau. Tôi đã dẫn cháu đi khám, bác sĩ bảo cháu bị thiểu năng trí tuệ. Bác sĩ cũng cho thuốc uống, nhưng chắc khó. Cả xã chỉ có 50 cháu được chọn nhận quà đợt này nên tôi lo dẫn con đi từ sớm. Đây cũng là dịp để con gặp gỡ nhiều bạn chứ cháu rụt rè quá” - chị Phương nói.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với đoàn y bác sĩ do Sở Y tế cử đi, đã khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 1.000 trẻ em của xã Duy Vinh. Qua việc khám bệnh tại chỗ, các bác sĩ ngoài khám thông thường sẽ khám kỹ hơn đối với những em mà gia đình nêu lên những dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, những em có nguy cơ bị bệnh tim nhưng gia đình không biết cũng sẽ được phát hiện. Từ đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ hướng dẫn để gia đình đưa các em đến khám ở tuyến cao hơn. Nếu trường hợp em nào bệnh nặng sẽ được hỗ trợ để gia đình có đủ điều kiện chữa bệnh cho con. Mỗi em khi đi khám bệnh còn được tặng quà nên rất vui. Trước đó, đoàn đã tổ chức các hoạt động tương tự tại xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước), với hơn 700 trẻ em đã được khám bệnh và phát thuốc, quà. Năm mươi hoàn cảnh khó khăn của xã Tiên Sơn cũng đã được tặng những phần quà ý nghĩa, giúp sẻ chia phần nào khó khăn trong cuộc sống của những trẻ em kém may mắn.

Cùng vào cuộc

Các hoạt động xã hội được tổ chức đầu tiên trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2017. Xuyên suốt tháng 6.2017, các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho các em thiếu nhi trong toàn tỉnh. Đặc biệt, Diễn đàn trẻ em đang được tổ chức rộng khắp, với chủ đề “Trẻ em với phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, qua các diễn đàn như thế, trẻ em được nói lên tiếng nói của mình, được quyền bày tỏ những mối quan tâm, lo ngại khi các nguy cơ mất an toàn luôn rình rập xung quanh. Từ đó, các cấp, ngành, những người lãnh đạo ở địa phương thấy được vấn đề, có biện pháp ngăn chặn và chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt hơn.  “Không chỉ ở cấp huyện, thị xã, thành phố mà ở cấp tỉnh cũng sẽ có một diễn đàn để trẻ em đối thoại với lãnh đạo tỉnh được tổ chức trong tháng 6 này. Đây là cơ hội để trẻ em được lắng nghe, được chia sẻ và tỉnh sẽ có những giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn nữa từ chính những nguyện vọng, ý kiến của em” - ông Thùy cho hay.

Ở Diễn đàn trẻ em các cấp, những vấn đề lớn của xã hội có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển toàn diện ở trẻ em sẽ được các em thảo luận cùng với các diễn trình viên. Nội dung bao gồm: tác động của mạng xã hội đối với vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em; vấn đề bạo lực học đường; bạo hành trẻ em ở bậc mầm non; đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và những kiến thức, kỹ năng cần thiết cần được trang bị cho trẻ để phòng tránh bạo lực, xâm hại; sự vào cuộc và tác động của môi trường gia đình, nhà trường, xã hội trong việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; những rào cản trong việc phát hiện và tố giác tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em. Trẻ em nếu bị xâm hại, bạo lực thường rất nhút nhát, sợ sệt và không dám nói về điều đó với người lớn. Việc trang bị kiến thức cho trẻ em để phòng tránh bạo lực, xâm hại vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Trong gia đình, do cuộc mưu sinh nên nhiều lúc chính cha mẹ là người thờ ơ với tâm sự của con trẻ, khiến con mất niềm tin, chỗ dựa khi không được lắng nghe, chia sẻ. Thế nên trong mỗi gia đình, các bậc cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức để phòng chống bạo lực, xâm hại. Hơn ai hết, cha mẹ phải đồng hành với con như những người bạn, để có thể chia sẻ những điều con tâm sự. Ngoài xã hội, sự vào cuộc của các cấp, ngành bằng những việc làm thiết thực, cụ thể để bảo vệ cuộc sống cho trẻ em là việc làm cấp bách, nhất là trong thời gian qua, các vụ tai nạn thương tích như đuối nước, bỏng, tai nạn giao thông... đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em; rồi những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tục xảy ra đã khiến môi trường sống của trẻ em bị “ô nhiễm”, bị bủa vây bởi những lo lắng, sợ sệt.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM