Nhiều địa phương muốn đẩy nhanh số hóa
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg, Đề án số hóa truyền hình tại Việt Nam được thực hiện theo 4 giai đoạn với 4 nhóm triển khai. Tính đến cuối năm 2016, có 13 tỉnh/thành thuộc nhóm I đã số hóa xong. 15 tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ tiếp theo chính thức ngắt sóng analog từ 1.7.2017. Riêng, một số tỉnh thuộc nhóm III lại số hóa sớm hơn 1 năm so với kế hoạch, tức sẽ ngừng phát sóng analog từ ngày 31.12.2017.
Theo thông tin từ Bộ TT-TT, trong 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog đợt II vào 1.7.2017, có gần 590.000 hộ nghèo, cận nghèo. Tiến độ số hóa truyền hình tại 15 tỉnh này phụ thuộc rất lớn vào việc hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo. Nếu việc đấu thầu dự án hỗ trợ đầu thu số cho 590.000 hộ đúng tiến độ thì việc ngừng phát sóng analog tại 15 tỉnh này sẽ diễn ra sớm hơn, tức trước 30.6.2017. Căn cứ vào giá cả năm 2016, trung bình chi phí mỗi bộ anten hỗ trợ cho hộ nghèo là 600.000 đồng/hộ, dự tính Nhà nước chi khoảng 354 tỷ đồng cho giai đoạn này. Tuy nhiên, trước sự tăng giá nhập khẩu linh kiện, giá đầu thu anten đột ngột tăng lên khoảng 10%, Nhà nước phải chi vượt thêm tới hơn 35 tỷ đồng cho dự án này. Theo các chuyên gia, việc tăng giá bán anten và đầu thu truyền hình sẽ tác động mạnh tới thị trường. Dự kiến, số lượng đầu thu truyền hình DVB-T2 và anten cung ứng cho đợt này sẽ lên tới hàng triệu bộ.
Tại cuộc họp gần đây do Bộ TT-TT tổ chức, nhiều tỉnh Nam Bộ thuộc nhóm III của đề án muốn sớm số hóa truyền hình ngay từ giai đoạn II này, cụ thể là 7 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Nam Bộ có Bình Phước, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh. Song, cũng có địa phương thuộc nhóm 2 lại muốn chuyển sang số hóa truyền hình ở giai đoạn 3, trong đó có Phú Thọ. Trước thực trạng trên, Viện Chiến lược TT-TT được giao nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 2451, trình Bộ TT-TT, xin ý kiến các địa phương trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Tại Quảng Nam, đề án số hóa truyền dẫn phát sóng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020 được phê duyệt với tổng kinh phí ban đầu là 103,4 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2018, Đài PT-TH tỉnh, Đài PT-TH huyện/thị xã/thành phố từng bước hoàn chỉnh số hóa công nghệ sản xuất chương trình, tổ chức đào tạo sắp xếp lại đội ngũ cán bộ viên chức đang công tác tại bộ phận truyền dẫn, phát sóng. Đến năm 2020, thực hiện việc phát sóng kênh truyền hình Quảng Nam bằng công nghệ số với các phương thức khác nhau có phạm vi phủ sóng đến 100% khu vực dân cư tỉnh. Đảm bảo 100% hộ có máy thu hình trên địa bàn tỉnh được xem truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Áp dụng thống nhất tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T2, mã hóa tín hiệu hình ảnh và âm thanh MPEC-4 và các phiên bản kế tiếp của các tiêu chuẩn trên theo quy định của Chính phủ và Bộ TT-TT.
TRIÊU NHAN (tổng hợp)