Quốc hội thảo luận dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)
|
(QNO) - Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, chiều 30.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia phiên thảo luận tổ. Ảnh: DUY MAI |
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), qua 4 năm triển khai thi hành Luật Tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, Luật Tố cáo cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, như: chưa xác định thẩm quyền giải quyết trong trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm; tố cáo mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức; chưa quy định thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất; vấn đề xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình không giải quyết tố cáo, tố cáo sai sự thật, mạo danh người khác để tố cáo chưa được quy định rõ ràng…
Thảo luận dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất với nội dung quy định theo hướng việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp; bổ sung chế định quyền rút đơn tố cáo của người tố cáo, theo đó người rút đơn tố cáo mà xét thấy việc rút đơn tố cáo là có căn cứ thì người giải quyết tố cáo không xem xét, giải quyết và ra quyết định đình chỉ giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, đại biểu Phan Việt Cường đề nghị bổ sung quy định xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận tố cáo, cố tình che giấu hoặc để làm mất, hư hỏng đơn tố cáo của người dân. Đồng thời, quy định bổ sung chế định không xem xét, giải quyết tố cáo đối với người tố cáo được xác định là bị bệnh tâm thần cũng như các quy định về bảo vệ người giải quyết tố cáo vào trong luật.
Tham gia thảo luận dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam và đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề nghị làm rõ lý do dự thảo luật không xác định các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước nắm giữ vốn, cổ phần chia phối là nợ công. Đồng thời, đề nghị giao quyền hạn, trách nhiệm quản lý nợ công cho một đầu mối duy nhất là Bộ Tài chính để tránh chồng chéo, thiếu hiệu quả trong quản lý nợ công; quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan vay lại vốn của Chính phủ nhưng không có khả năng trả được nợ, làm tăng nợ công quốc gia.
DUY MAI