Nghị lực trên đôi chân tật nguyền

THANH THẮNG – ĐÔNG DƯƠNG 30/05/2017 08:43

Mặc dù bị khuyết tật, đôi chân đi lại khó khăn nhưng anh Nguyễn Hoàng Cương (47 tuổi, trú phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) vẫn vượt khó mở tiệm làm dép và dạy nghề cho nhiều người khuyết tật khác.

Căn nhà nhỏ phía sau sân vận động TP. Tam Kỳ là cơ sở sản xuất dép của anh Cương, đây cũng là nơi để nhiều thanh niên khuyết tật đến đây học nghề và lao động kiếm thêm thu nhập. Đang ngồi in đôi quai dép, anh Cương kể, lúc mới sinh ra, cơ thể anh phát triển bình thường nhưng khi lên 4 tuổi, anh bị sốt cao và phải điều trị bằng thuốc. Từ đó cả hai tay, hai chân anh bị bại liệt. Mặc dù đã được gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng chỉ có đôi tay là hoạt động trở lại. Dù mang thân hình không lành lặn nhưng anh luôn là học sinh giỏi 12 năm liền. Sau này vì điều kiện gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học. Sau đó anh chuyển qua học sửa chữa điện tử nhưng việc đi lại quá khó khăn nên anh đành phải nghỉ học ở nhà phụ giúp việc nhẹ trong gia đình.

Anh Nguyễn Hoàng Cương (bên trái) đang làm dép. Ảnh: THẮNG DƯƠNG
Anh Nguyễn Hoàng Cương (bên trái) đang làm dép. Ảnh: THẮNG DƯƠNG

Mãi đến năm 22 tuổi, anh Cương nhận ra: “Sao đến giờ này mà mình vẫn chưa có nghề gì trong tay”. Thế là anh xin học nghề tại một cơ sơ làm giày dép trong thành phố. “Khi đó, chỉ có nghề làm dép mới phù hợp với điều kiện sức khỏe nên tôi quyết tâm học cho bằng được” - anh Cương chia sẻ. Qua 2 năm mày mò học nghề và thuần thục hết kỹ năng làm dép, anh Cương quyết định vào Đà Lạt để làm thợ phụ cho một cơ sở đóng giày dép, nhưng lương quá thấp không đủ sống tại đất khách quê người nên anh lại trở về quê vay vốn để mở tiệm. “Ban đầu cũng có khách đến đặt hàng nhưng thời gian sau tôi không thể nào đi giao hàng với đôi chân thế này được nên công việc gặp khó khăn và dẫn đến thất bại” - anh Cương nói.

Năm 1997, mối duyên với người vợ là chị Thái Thị Bình (SN 1977) đã mở ra bước ngoặt trong cuộc đời anh Cương. Chính chị Bình đã bù đắp phần khiếm khuyết của chồng, đảm nhận việc đi giao hàng nên công việc từ đó thêm thuận lợi. Có thể nói, chính tình cảm gia đình, sự đồng thuận là yếu tố quan trọng để cơ sở làm giày dép của anh Cương luôn ổn định và có lúc thuê gần 10 nhân công làm việc. Thời gian sau thị trường khó nên cơ sở của anh Cương hiện chỉ nhận dạy việc cho một nhân công cũng là người khuyết tật. Anh Phan Hoàng Vũ (SN 1989, trú phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) bị liệt nửa người bên trái nên chỉ sử dụng được một tay phải. Lúc trước anh chỉ phụ gia đình bán quán nước, làm những việc vặt trong nhà. Sau này, được sự giới thiệu của Hội Người khuyết tật TP.Tam Kỳ, anh Vũ đã đến cơ sở của anh Cương để học nghề. “Từ khi đến đây học, anh Cương luôn tận tâm chỉ bảo tôi rất nhiều. Công việc này cũng phù hợp với sức khỏe, tôi sẽ cố gắng học đến nơi để có thể tự làm việc, nuôi sống bản thân” - anh Vũ tâm sự.

Để sẻ chia nhiều hơn nữa với người khuyết tật, thời gian đến anh Cương sẽ mở lớp dạy nghề miễn phí. “Nếu ai bị khuyết tật muốn đến học nghề, tôi sẽ luôn giúp đỡ tận tình” - anh Cương nói. Ông Hồ Tấn Bảy - Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP.Tam Kỳ nhận xét, anh Nguyễn Hoàng Cương là một người năng nổ, luôn nhiệt tình trong công tác hội. Ngoài ra anh còn là tấm gương tiêu biểu về người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, không những tạo công ăn việc làm cho bản thân mà còn giúp đỡ cho những người khuyết tật khác.

THANH THẮNG – ĐÔNG DƯƠNG

THANH THẮNG – ĐÔNG DƯƠNG