Xe đạp miền ấu thơ...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 27/05/2017 09:47

Xe đạp, một phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 19 đã đến làng tôi sau ngày đình chiến 1954. Nó gắn với nhiều kỷ niệm ấu thơ và dẫn tôi đi từ làng này đến làng khác…

Tác giả đi xe đạp ở Cambrigde  (Mỹ).
Tác giả đi xe đạp ở Cambrigde (Mỹ).

1. Cả làng tôi (thuộc xã Điện Thắng Trung - Điện Bàn) hồi đó cũng chỉ có vài chiếc xe đạp. Có lẽ còn ít hơn số xe du lịch đời mới mà nhiều người ở làng tôi sử dụng từ nhiều năm nay. Chiếc xe đạp thời đó quý giá đến nỗi có người khi đi xe về nhà phải mất cả giờ lau chùi và treo lên bằng hai cái móc sắt ở yên xe và ghi đông cột vào sợi dây dừa.

Sau này lớn lên tôi mới biết xe đạp du nhập vào nước ta từ thời thuộc Pháp. Cả làng tôi chỉ có vài ba chiếc loại thường, nhà giàu mới có loại xe đuy-ra (bằng khung nhôm) hoặc xe xét-xâng (cỡ lốp 700). Những thanh niên cỡ 18 - 20 tuổi như chú tôi thường rủ nhau ra đường tập vào buổi tối rồi khi đã thành thạo thì xuống đường cái “dợt le” với đám con gái, trông oách lắm... Chưa kể cảnh một anh đạp xe chở một chị ngồi phía sau, chân bỏ một bên, từ ngoài Hàn hay dưới Phố về mỗi cuối tuần, trông lãng mạn làm sao... Trong làng nhiều anh con trai lấy vợ đẹp đều nhờ có chiếc xe đạp cha mẹ dành dụm mua cho.

Lúc 8 tuổi, lần đầu tiên cha tôi chở tôi từ nhà xuống phố Hội An trên chiếc xe đạp ngang ông mới sắm. Cha tôi xếp cái bao tải lại và cột trên thanh ngang cho tôi ngồi. Ngồi trên thanh ngang ấy, hai tay vịn trên ghi đông xe và nhìn về phía trước trong khi “con trâu sắt” lao đi trên đoạn đường gần 15 cây số quả là một niềm vui thích khó quên. Đó là chuyến xuống phố xem một trận đá banh. Cha tôi vịn chiếc xe ngay bên rìa sân cỏ, còn tôi đứng trên yên xe để coi trận bóng. Trước khi trở về, chúng tôi còn ghé thăm nhà một người bác - là anh nuôi của cha tôi, và được đãi cho một tô cao lầu ngon chưa từng thấy. Sau này nhiều lần khác, cha chở tôi trên chiếc xe ấy để đi phụ việc trồng thuốc lá vào những ngày nghỉ học ở tận Phú Chiêm hay Tứ Sơn cách nhà cả chục cây số. Tôi ngồi trên thanh ngang, còn phía sau xe, cha tôi thường chở theo một đôi gàu tưới thuốc hay bao phân và phần thức ăn trưa cho mỗi ngày làm việc.

Về nhà, mấy hôm sau câu chuyện đi xe đạp và ăn cao lầu Hội An của tôi đã làm cho lũ bạn thèm thuồng. Chúng nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ ra mặt. Nhưng đâu bằng tôi ngưỡng mộ cha tôi: ông ngồi trên xe, vác chiếc cuốc trên vai và lái chiếc xe đạp chỉ bằng một tay chạy vèo xuống cái dốc nhỏ trước nhà để ra ruộng. Đó là một cảnh khó quên. Đặc biệt, càng không quên cảnh những làng xóm ven quốc lộ mà cha con tôi đi qua. Nhìn những ngôi làng như Tứ Giáp, Quảng Lăng, Giáp Ba bên kia cánh đồng với những lũy tre xanh bao bọc, lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết lờ mờ rằng không chỉ làng mình, mà mọi ngôi làng đều ẩn chứa trong nó một lịch sử, những con người chưa được khám phá.

2. Chiếc xe đạp của cha tôi cũng là hình ảnh đầu tiên của làng trong việc vận chuyển hàng hóa, nhất là chở thuốc lá khi thu hoạch. Ông có kinh nghiệm khi tham gia Việt Minh ở Tiên Phước, nên cột vào sau yên xe và thanh đứng của khung sườn một đoạn tre đặc. Đây là tay trụ cao hơn chiếc xe khoảng gần 1 mét để giữ cho xe thăng bằng khi di chuyển. Một thanh tre khác, nhỏ hơn nhưng cứng cáp được nối với tay ghi đông để lái. Thường cha tôi thồ đến hai hoặc ba giỏ bội thuốc lá lớn bằng xe đạp hoặc năm bảy bao phân ước chừng khoảng vài trăm ký từ ruộng về nhà hoặc ngược lại. Thời đó chưa có xe bò, nên dùng xe đạp thồ là một ứng dụng giải phóng đôi vai và tăng năng suất vận chuyển hết sức hiệu quả. Ứng dụng của ông đã được nhiều người  trong làng làm theo.

Trước đó tôi chưa biết đạp xe. Một hôm đến lớp, có đứa bạn ở xóm Dưới con nhà giàu lần đầu tiên tự đạp xe đến trường. Cũng là lần đầu tiên, lúc giờ nghỉ ra chơi hôm đó, cả lớp xúm vào săm soi chiếc xe, từ bánh lốp cao su màu đỏ đến cây tăm xe sáng bóng. Tôi phải mua cây cà rem và cho thằng bạn mút mấy cái nó mới chịu cho tôi tập được vài vòng quanh sân trường. Những đứa khác cũng “hối lộ” cho thằng con nhà giàu kia mấy trái ổi để được tập đạp thử chiếc xe.

Một lần tôi lén cha lấy xe ra sân nhà tập. Vì nhỏ con nên bọn trẻ chúng tôi phải ẹo người và xỏ một chân qua thanh ngang của sườn xe để đặt lên cái pê-đanh bên kia. Dùng chân bên này đẩy xuống đất để lấy trớn. Khi bỏ được cả hai chân lên cặp pê-đanh thì chiếc xe và cả tôi vừa trôi xuống con dốc trước nhà một cách… siêu tốc! Nó chỉ dừng lại khi bánh trước đun thẳng vào một bụi tre nhà hàng xóm và mặt mày tôi đầy vết xướt vì gai!

Sau này lớn lên, thấy có nhiều người cả đời không biết đi xe đạp, tôi cứ thầm nghĩ vui, hay là hồi nhỏ họ đã từng sợ tốc độ, đã từng bị ngã xe vào bụi tre như tôi hoặc là không chịu đút lót trái ổi hay que kem cho mấy đứa con nhà giàu để được tập! Nhưng rõ ràng, biết đi xe đạp vẫn có ích lợi nhiều mặt. Lúc đã lấy vợ, sinh con rồi, nhờ chiếc xe đạp cọc cạch ấy, sáng nào tôi cũng đến lò bún chở cho vợ hai thùng nước luộc bún hòa với cám về nhà nuôi heo, vượt qua thời bao cấp khốn khó!

3. Khi trưởng thành và với nghề báo, tôi đã có dịp đến nhiều thành phố và ngạc nhiên là dù tân tiến hiện đại đến đâu, người ta vẫn quý loại phương tiện của thuở ban sơ là chiếc xe đạp, bởi nó giúp sự vận động cho nhiều cư dân đô thị, giúp bảo vệ môi trường vì không thả khí thải.

Ở Mỹ, thành phố Portland (thuộc tiểu bang Oregan, Mỹ), một hiệp hội giao thông bằng xe đạp với hàng vạn hội viên trong tổng số gần 600 ngàn dân như một biểu hiện của nỗ lực giảm ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông. Tại New York hay Washington, D.C. có nhiều điểm cho thuê xe đạp công cộng và lối dành riêng cho người đi xe đạp trong thành phố. Đến thăm đại học MIT ở khu Cambridge thuộc bang Massachusette, tôi thấy cả một khu để xe đạp được quy hoạch cho sinh viên.

Tại thành phố - bảo tàng gạch Maizuru ở Nhật hay tại Di sản văn hóa thế giới Cố đô của vương quốc Xiêm La vào thế kỷ 13 và 14 nằm ở phía Bắc Thái Lan, người dân và du khách đa số đều dùng xe đạp để đi lại hoặc tham quan các điểm đến, phổ biến hơn cả ở Hội An mà chúng ta đều đã biết. Còn ở Bắc Kinh với hơn vài chục triệu chiếc ô tô, nhưng người dân vẫn dùng xe đạp và nhiều người làm nghề sửa xe đạp vẫn hành nghề dọc các lề đường phố lớn. Ở Đan Mạch, nhà văn Steen Heinsen đã viết về chiếc xe đạp lần đầu được sản xuất bằng tre của nhà thiết kế gốc Brazin tên Flavio Deslandes, một giáo sư của đại học Rio. Và đây là triết lý của ông: “ Chiếc xe đạp là một phát minh sáng chói nhất của nhân loại. Kiến thức nhân loại sẽ được nhân lên theo thời gian cũng như người ta bỏ công ra tập bóng đá vậy! Tôi bỏ công nghiên cứu và sản xuất ra chiếc xe đạp bằng tre trong nỗ lực giảm khí thải ra môi trường!”…

Tất cả nơi tôi đến ấy, lúc nhìn những người đi xe đạp đều tạo cho tôi một cảm giác thân gần, xúc động. Bởi nó gợi lại chiếc xe đạp của cha tôi và những kỷ niệm của mình về chiếc xe thời thơ ấu ở làng.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG