Để sản phẩm từ festival "sống khỏe"
Hai trong số 13 sản phẩm khai trương dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013 đã “chết yểu” chỉ sau vài tháng hoạt động. Đây cũng là bài học kinh nghiệm dành cho những nhà quản lý du lịch và địa phương có sản phẩm giới thiệu trong kỳ festival lần này.
“Chết yểu”
Còn nhớ, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013, với 8 đảo yến, tour du lịch “Tham quan hang yến” tại Cù Lao Chàm hình thành và được giới thiệu. Để đến được hang yến du khách phải đi tàu từ Cửa Đại (Hội An) ra, hoặc từ Bãi Làng, Bãi Ông (Cù Lao Chàm) đến. Trong tour khảo sát thử nghiệm ngày khai trương, hầu hết du khách và doanh nghiệp lữ hành đều đánh giá cao. Bởi, không chỉ ở sự độc đáo của một sản phẩm mới lạ, có thể tận mắt chứng kiến những tổ yến cheo leo trên vách đá, mà du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên phóng khoáng với sóng nước, mây trời, nơi chỉ có tiếng chim véo von cùng tiếng gió lao xao vọng vào vách đá. Tuy vậy, chỉ sau vài tour famtrip, thử nghiệm, chương trình “Tham quan hang yến” đã lặng lẽ kết thúc.
Điểm đến “Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh” chưa thu hút được du khách.Ảnh: VĨNH LỘC |
Ông Cao Văn Nam - Đội phó Đội Quản lý và khai thác yến sào Hội An cho rằng, do không có cầu cảng, trong khi sóng biển tại các đảo quá lớn nên tàu không thể cập trực tiếp được; mà đầu tư hạ tầng cầu cảng cần chi phí cao. Chưa kể, những lo ngại về việc gia tăng lượng khách lâu dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến đàn yến. Ngoài ra, một vấn đề xuất phát từ phía doanh nghiệp là độ rủi ro và giá tour cao do chi phí lớn (thuê tàu vận chuyển ra đảo yến, vé lên xem hang yến…); rồi những vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu, môi trường, an ninh, bảo vệ đàn yến…
Tương tự, một sản phẩm khai trương dịp festival năm 2013 cũng thất bại là “Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh” (xã Cà Dy, Nam Giang). Kể từ ngày khai trương đón khách đến nay, điểm tham quan này hầu như bị bỏ hoang vì sản phẩm chưa hấp dẫn, quá trình đầu tư sơ sài không tương xứng với một sản phẩm du lịch. Đặc biệt, yếu tố tái hiện quá mờ nhạt, không phản ánh được một giai đoạn lịch sử hào hùng của quân và dân ta trên cung đường này. “Ngoài thuê người bảo vệ, phát dọn cỏ dại nơi đây, chúng tôi khó thể làm gì hơn vì không có kinh phí, dù hầu hết hạng mục nơi đây như lán trại dừng chân, bếp Hoàng Cầm, cầu tạm… đã mục nát hư hỏng. Bây giờ khách du lịch vô cũng không có chi để tham quan vì quá sơ sài” - ông Nguyễn Đình Chậm, Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang chia sẻ. Cũng theo ông Chậm, sản phẩm du lịch “Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh” khi bàn giao về cho huyện còn thiếu một số hạng mục, điện nước chưa kết nối, việc quảng bá giới thiệu hạn chế… Tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư để điểm du lịch này thực sự hấp dẫn, lôi cuốn. “Sắp tới có lẽ huyện sẽ thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch để theo dõi quản lý các điểm du lịch, trong đó có điểm “Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh”. Chứ Phòng VH-TT chỉ quản lý về mặt nhà nước thôi, đâu thể tổ chức hoạt động du lịch gì được” - ông Chậm cho biết thêm.
Lựa chọn kỹ, đầu tư sâu
Ngoài 2 sản phẩm đã “chết yểu” trên, một số sản phẩm được đầu tư khai trương dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013 dù “sống” được nhưng cũng rất lay lắt. Theo ông Trần Quý Tấn - Trưởng phòng Quản lý lữ hành Sở VH-TT&DL, để các điểm du lịch “sống khỏe” sau khai trương, ngoài tiếp tục đầu tư quảng bá còn cần rất nhiều yếu tố, trong đó phải tranh thủ ý kiến đóng góp từ các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch để bổ sung, điều chỉnh sản phẩm tốt hơn. “Mấu chốt là phải lựa chọn kỹ càng hơn những sản phẩm tiềm năng, hội đủ điều kiện để có thể khai thác hiệu quả. Rút kinh nghiệm những lần trước, năm nay sở làm kỹ hơn như đưa 2 đoàn famtrip (trong nước và ngoài nước) đến tham quan, tìm hiểu một số điểm để họ xem xét kết nối. Ngoài ra, một số sản phẩm mới cũng sẽ được tập trung giới thiệu trong “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch mới tỉnh Quảng Nam” diễn ra vào ngày 10.6. Qua đó, sẽ tranh thủ ý kiến từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, để họ tư vấn cho mình sản phẩm đó thiếu cái gì, cần đầu tư cái gì… để hoàn thiện tốt hơn” - ông Tấn nói.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, mỗi sản phẩm du lịch ra đời, trước hết đó là một sản phẩm kinh tế nên có cái tốt, cái không tốt, cần phải qua quá trình chọn lọc. Chưa kể, mỗi sản phẩm thành công đều cần yếu tố phần cứng và phần mềm. Phần cứng là những gì tự thân bên trong sản phẩm tốt nhất, hấp dẫn nhất, còn phần mềm là quản lý, là con người… nên mỗi sản phẩm thành công đòi hỏi hội đủ 2 yếu tố này. “Tất cả sẽ do thị trường chọn lọc. Vì sản phẩm là chủ quan của mình, còn chọn lựa là chuyện của thị trường và khách hàng. Nên chắc chắn có sản phẩm cho hiệu quả liền, nhưng có cái phải cần thời gian. Thậm chí, có sản phẩm tồn tại một thời gian rồi cũng mất đi. Vấn đề là mình nhìn nhận được, để trong quá trình lựa chọn sản phẩm nghiên cứu kỹ càng hơn, hạn chế những sản phẩm không hiệu quả” - ông Hài nói.
VĨNH LỘC