Nhớ đường Trường Sơn huyền thoại
Những trang sử về đường Trường Sơn huyền thoại được lần giở, đúng vào dịp kỷ niệm 58 năm ngày mở đường (19.5.1959 - 19.5.2017), qua triển lãm chuyên đề “Trường Sơn - con đường huyền thoại” do Sở VH-TT&DL tổ chức tại Bảo tàng Quảng Nam.
Hình ảnh tư liệu về đường Trường Sơn được trưng bày tại triển lãm. |
Vào những ngày tháng 5, nhiều người bận quân phục xanh, ở nhiều lớp tuổi khác nhau, lại tìm về những địa chỉ cũ, trên con đường lịch sử. Từng cung đường, từng ngọn núi, dòng sông, như nằm lòng trong tâm trí họ. Đường Trường Sơn lịch sử đã gắn với biết bao huyền thoại về những người con anh hùng của dân tộc. Những con người “xuyên sơn phá thạch”, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”...
Những câu chuyện từ lịch sử
Tại Bảo tàng Quảng Nam, nhiều người tham dự triển lãm chuyên đề “Trường Sơn - con đường huyền thoại” đã không thể ngăn mình rưng rưng xúc động. Chiếc xe đạp thồ, hay mảnh bom, những bức hình ở nhiều góc độ về một ngày “sống và chiến đấu” trên tuyến đường Trường Sơn năm cũ. “Không chỉ là con đường huyền thoại của dân tộc mình mà nó là huyền thoại với cả nhân dân thế giới. Trong đó chúng ta mở 5 tuyến đường trục dọc, 21 tuyến đường trục ngang và tổng chiều dài của cả hệ thống đường Trường Sơn là 20.000km đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu. Riêng với đường ống xăng dầu, báo chí phương Tây nhìn nhận, nếu nói đường Trường Sơn là huyền thoại thì riêng đường ống dẫn xăng dầu chính là huyền thoại trong huyền thoại ấy. Họ cũng không thể hiểu hết, ý chí nghị lực ở đâu mà trong 16 năm đó, tức 5.920 ngày đêm dưới bom đạn chiến tranh, những con người nhỏ bé đã bám trụ được, và bằng cách nào? Đó chính là ý chí, khát vọng độc lập tự do, là truyền thống yêu nước có từ hàng ngàn đời của dân tộc mình để làm nên con đường Trường Sơn mà chúng ta gọi là huyền thoại” - nữ Thiếu tá Nguyễn Hải Bình, công tác tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, chia sẻ với đông đảo người đến xem triển lãm.
Hơn 100 hình ảnh hiện vật, tư liệu, là sự kết hợp làm nên câu chuyện kể của Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quảng Nam và Binh đoàn 12 Trường Sơn. Nhiều bức ảnh ghi lại chân thực, sống động những khoảnh khắc, sự kiện đáng nhớ, từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí chỉ huy Đoàn 559 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam, đoàn gùi thồ của Trung đoàn 76, đoàn vận tải bằng voi của Trung đoàn 70… Còn có những hình ảnh đời thường, đầy chất lãng mạn của những con người trẻ tuổi hồn nhiên giữa bom đạn với “Nụ cười chiến sĩ”, “Phút thư giãn giữa chiến trường của nữ thanh niên xung phong”… Một con đường dung chứa những huyền thoại của dân tộc, bao hàm cả lòng yêu nước, ý chí quật cường và cả… những điều kỳ lạ. Tính đến năm 1975, hơn 2,5 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã ngã xuống để làm nên huyền thoại Trường Sơn. Bà Nguyễn Hải Bình nói rằng, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh xưa, nay là một kết hợp tuyệt vời lịch sử chói lọi của cuộc đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, kéo những bản làng xa xôi gần lại với đồng bằng và phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế, ổn định đời sống vùng sâu, vùng xa.
Tái hiện
Tại cuộc triển lãm, ngoài những hình ảnh, hiện vật của lịch sử, còn có những tác phẩm hội họa, điêu khắc trưng bày để thể hiện tình yêu con đường huyền thoại của các nghệ sĩ. Ông Nguyễn Nay - Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam cho biết, ngoài phần “Ký ức Trường Sơn”, triển lãm lần này còn có những tác phẩm nghệ thuật do họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng vận động các nghệ sĩ khác cùng tham gia trưng bày. “Trong những nghệ sĩ, có một số người từng là lính Trường Sơn. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, họ đã gửi gắm tình cảm của mình về huyền thoại Trường Sơn” - ông Nay nói. Một số gương mặt mỹ thuật tiêu biểu như họa sĩ Lê Anh Vân - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng là lính Trường Sơn với các tác phẩm khắc họa về những vùng đất, con người Trường Sơn trong chiến tranh. Vẻ đẹp mộc mạc, chân chất bằng góc nhìn và sự rung động của người lính đã làm nên cảm xúc trong những bức vẽ bằng nhiều chất liệu của ông. Tại Quảng Nam, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm với các tác phẩm khắc gỗ giàu tính biểu đạt đã chuyển tải tới người xem những cảm xúc về một Trường Sơn của nhiều giai đoạn… Riêng với tác phẩm điêu khắc “Huyền thoại Trường Sơn” dài 18m, rộng 6,5m, cao 5,59m, bằng chất liệu tổng hợp, của họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng gây ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Họa sĩ Đinh Gia Thắng cho biết, từ những cảm xúc về ký ức Trường Sơn của Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cộng với những ca từ đầy xúc động trong các ca khúc về Trường Sơn đã tạo nên cảm hứng để ông làm nên tác phẩm mỹ thuật này. “Hình ảnh Bác Hồ chỉ đạo chiến dịch Đông Khê năm 1950 được tái hiện, là trung tâm tác phẩm. Bác mặc quân phục giản dị, dáng đứng uy nghi của vị chỉ huy cao nhất, như đang hòa quyện cùng đoàn quân trùng trùng ra trận với ý chí quyết tâm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Phía trên là khối lá cờ Tổ quốc chuyển động như sóng biển, cùng lớp lớp thân cây thẳng đứng, được cách điệu theo ngôn ngữ hiện đại, tạo nên sự cân bằng thị giác trong tổng thể có nhiều lớp không gian cùng hình ảnh những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Ngoài ra, còn có hình ảnh quân tình nguyện Việt Nam sát cánh với bộ đội Pa-thét Lào trong các trận đánh, thể hiện tình hữu nghị son sắt, thủy chung Việt Nam - Lào” - ông Thắng chia sẻ.
Người xem đến với triển lãm. Ảnh: SONG ANH |
Tiếp nối truyền thống
Tiếp nối tinh thần của một huyền thoại Trường Sơn trong lịch sử, một tuyến đường Trường Sơn Đông đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành để phục vụ cho việc phát triển gắn với an ninh quốc phòng. Đại tá Văn Thái Bình - Giám đốc Ban quản lý dự án đường Trường Sơn Đông cho biết, đường Trường Sơn trong lịch sử là một trang hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ghi lại nhiều dấu ấn của nhiều thế hệ. Hiện nay đường Trường Sơn Đông được xây dựng nối thông và phục vụ cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở những vùng đang rất khó khăn, là suốt dải miền Trung và Tây Nguyên. Tuyến đường được bắt đầu từ đường Hồ Chí Minh ở Nam Giang, nối thông qua 7 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, vào tận Lâm Đồng và kết nối với 9 hệ thống quốc lộ ngang, từ đường 14B, 14E, quốc lộc 24… tạo thành mạng lưới liên hoàn của khu vực. Theo ông Bình, tuyến đường này chia đều khoảng cách giữa quốc lộ 1 về phía đông và đường Hồ Chí Minh về phía tây. Dự kiến năm 2020 đường Trường Sơn Đông sẽ thông tuyến.
“Bản thân là một người lính của Bộ đội Trường Sơn, khi tham dự cuộc triển lãm này, tôi rất tự hào. Vì đây chính là một trang chói lọi trong cuộc chi viện của miền Bắc hậu phương cho miền Nam. Bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người đã tạo nên con đường này theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ, đã ghi lại những chiến công oanh liệt. Để tiếp nối truyền thống đó, tôi chỉ tâm nguyện sẽ cố gắng hết mình để xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh quốc phòng, đúng với nhiệm vụ và Nhà nước đã giao cho quân đội” - Đại tá Văn Thái Bình chia sẻ.
SONG ANH