Dấu ấn sức trẻ biên phòng
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và góp sức xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, dấu ấn của tuổi trẻ lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh còn được ghi thêm bởi hành động xung kích vì cộng đồng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Điểm sáng vùng biên
Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ BĐBP, những năm qua, các chiến sĩ Chi đoàn Đồn Biên phòng Đắc Pring (huyện Nam Giang) đã không ngừng sáng tạo, chung tay xây dựng nông thôn mới, giúp đồng bào các xã vùng cao ổn định cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững. Những dấu ấn của các chiến sĩ trẻ BĐBP với đồng bào vùng biên ngày càng dày thêm, với nhiều đợt về làng tuyên truyền đồng bào không sinh con thứ 3 trở lên, duy trì hiệu quả tổ tự quản đường biên cột mốc, cùng hàng trăm ngày công chia sẻ với những khó khăn của đồng bào, nhất là ở các thời điểm mưa lũ, hạn hán, thời tiết cực đoan.
Cán bộ chiến sĩ BĐPB giúp dân làm công trình nông thôn mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Thượng úy Trần Ting Hiệp - Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Đắc Pring cho biết, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 77,5%, đời sống của đồng bào Ve tại các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring (địa bàn quản lý của đơn vị) còn rất nhiều khó khăn cả về điều kiện giao thông đi lại, lẫn phương thức canh tác, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình. Xác định thay đổi nhận thức, phương thức canh tác là khâu đột phá giúp đồng bào thoát khỏi tư duy truyền thống, chi đoàn đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và tích cực trong việc hướng dẫn người dân cách làm kinh tế đem lại hiệu quả. “Chúng tôi gắn các hoạt động triển khai với việc thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy Nam Giang về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 và lồng ghép với các chính sách, dự án của Chính phủ cho vùng đồng bào miền núi. Nhờ đó, từ chỗ người dân chỉ biết chọc, tỉa lúa rẫy, nuôi gia súc thả rông, đến nay bà con đã biết trồng, chăm sóc và bón phân cho “3 cây” chủ lực gồm cao su, keo và chuối đúng kỹ thuật, việc chăn nuôi gia súc cũng không ngừng phát triển, đảm bảo điều kiện về chuồng trại” - Thượng úy Trần Ting Hiệp tâm sự.
Bộ đội biên phòng giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: M.ĐỨC |
Dấu ấn của tuổi trẻ Đồn Biên phòng Đắc Pring còn thể hiện qua việc xây dựng “điểm sáng văn hóa vùng biên” ở cụm dân cư Pêtapoóc với hàng chục đợt tình nguyện tại làng, cùng ăn, cùng ở, cùng dạy chữ và hướng dẫn đồng bào biết cách làm ruộng lúa nước, giữ gìn văn hóa truyền thống. Nhờ đó, người làng Pêtapoóc đã có thêm mùa vụ từ ruộng lúa nước, giải quyết được tình trạng thiếu đói trong mùa giáp hạt, từng bước nâng cao dân trí. Nhiều con em Pêtapoóc bây giờ đã trở thành những giáo viên trẻ, đầy năng động, tiếp tục hành trình về gieo chữ cho làng. Ngoài ra, các cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng Đắc Pring đã phối hợp xây dựng được 9 ngôi nhà gỗ kiên cố, 2 đường ống dẫn nước sinh hoạt và tưới tiêu nội đồng; hỗ trợ 2 máy cày, 9 bộ ti vi và đầu thu vệ tinh, 1 bể nước với tổng trị giá hơn 650 triệu đồng. “Với bà con Pêtapoóc, chúng tôi xác định giúp đỡ họ là trách nhiệm của tuổi trẻ đơn vị. Hàng năm, chúng tôi cắt cử các cán bộ chiến sĩ trong chi đoàn trực tiếp bám bản, hướng dẫn đồng bào cách sử dụng máy cày ruộng, phương pháp trồng lúa nước. Đồng thời tuyên truyền bà con thường xuyên dọn vệ sinh xung quanh nhà ở, ăn chín, uống sôi, chăn nuôi gia súc có chuồng trại. Bên cạnh mở một lớp xóa mù chữ, chúng tôi còn nhận đỡ đầu 2 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chương trình “Nâng bước em đến trường” tại làng Pêtapoóc” - Thượng úy Trần Ting Hiệp cho biết thêm.
Vững chắc chủ quyền
“Công tác Đoàn và phong trào thanh niên BĐBP tỉnh thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và các cơ quan chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cấp. Vì thế, cán bộ chiến sĩ đoàn viên thanh niên BĐBP tỉnh dù ở lĩnh vực nào, môi trường nào cũng luôn xung kích đi đầu, xác định tốt ý thức trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tuổi trẻ BĐBP. Trong những năm qua công tác đoàn và phong trào thanh niên BĐBP tỉnh đã có bước phát triển mới, vững chắc và bám sát chỉ đạo của cấp trên, phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức Đoàn luôn được kiện toàn, hoạt động có nền nếp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị; tích cực và chủ động đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phù hợp thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Do vậy, các hoạt động của đoàn ngày càng mở rộng, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên thanh niên phấn đấu, trưởng thành; phát huy được tiềm năng và sức sáng tạo của tuổi trẻ trên từng cương vị công tác, trở thành một trong những tổ chức đoàn xuất sắc, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng BĐBP tỉnh”. (Đại tá Văn Ngọc Quế - Chính ủy BĐBP tỉnh) |
Đại úy Nguyễn Đức Vỹ - Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Hải đội 2 (thuộc BĐBP tỉnh) cho hay, do nhiệm vụ đặc thù nên hầu hết hoạt động của chi đoàn đều gắn liền với biển như hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an ninh trên vùng biển. Không ngại khó, ngại khổ, các chiến sĩ Hải đội 2 đã vượt qua sóng gió, nhường cơm sẻ áo và kịp thời có mặt để giúp đỡ ngư dân mỗi khi xảy ra sự cố trên biển. Tháng 3.2016, khi tàu cá QNa - 94592 của ông Hà Thanh Bình (trú thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình) cùng 10 ngư dân bị gặp nạn trôi dạt nhiều ngày trên biển do bị hỏng máy, ngay lập tức các cán bộ chiến sĩ của Hải đội 2 đã tham gia ứng cứu, lai dắt đưa tàu vào bờ an toàn. Hay trường hợp tàu cá QNa - 95799TS của ông Trần Văn Minh (trú tại xã Bình Minh, Thăng Bình) cùng 32 thuyền viên hành nghề câu mực khơi bị mắc cạn ngoài Cửa Đại; 3 ca nô du lịch bị chìm tại khu vực Cửa Đại vào tháng 7.2016; tàu cá QNa - 91919TS của ông Lương Văn Tồn (trú thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) cùng 41 thuyền viên trôi dạt ngoài biển cách cảng cá An Hòa 24 hải lý… cũng được các chiến sĩ cứu hộ kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân tham gia đánh bắt cá trên vùng biển. “Có những lúc, sự việc cấp bách nên khi làm nhiệm vụ, nhiều chiến sĩ chỉ kịp ăn mì tôm sống, nhưng không một ai nản lòng” - Đại úy Nguyễn Đức Vỹ kể.
Thượng úy Trịnh Thái Tùng - Trợ lý thanh niên Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ, bên cạnh việc tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện hướng về biên giới, hải đảo, những năm qua Đoàn thanh niên BĐBP tỉnh còn phối hợp thực hiện nhiều chuyến về nguồn, góp sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quê hương. Theo đó, các phong trào thi đua “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”; “Thanh niên BĐBP rèn đức, luyện tài, dũng cảm, xung kích, sáng tạo vì chủ quyền an ninh biên giới và xây dựng BĐBP vững mạnh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”… được tổ chức đã đem lại sức lan tỏa lớn, có chiều sâu trong toàn lực lượng.
Nhiều tấm gương điển hình trở thành hạt nhân tiêu biểu cho toàn lực lượng như Đỗ Mạnh Hùng (giải Nhất tuyên truyền viên toàn lực lượng năm 2014), Nguyễn Thanh Phi (Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2015 và tuyên dương 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ Tư lệnh BĐBP năm 2016), Trần Ting Hiệp (tuyên dương Bí thư Chi đoàn giỏi toàn quốc năm 2016)… “Trong 5 năm qua, bên cạnh phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các cấp đoàn cơ sở BĐBP tỉnh còn thực hiện 1.785 đợt tuần tra kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc với 7.800 lượt đoàn viên thanh niên tham gia. Qua đó, đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế khu vực biên phòng, tích cực vận động tuyên truyền hơn 25 nghìn buổi/115 nghìn lượt quần chúng nhân dân nghe về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như Luật Biên giới quốc gia… Ngoài ra, nhiều mô hình, phong trào tiêu biểu của chi đoàn cơ sở tại các đồn biên phòng đem lại hiệu quả thiết thực, trong đó mô hình “Phòng đọc biên giới” đã được Bộ VH-TT&DL tặng Bằng khen” - Thượng úy Trịnh Thái Tùng nói.
ALĂNG NGƯỚC