"Sổ tay văn học" của Trương Đồng Hiệp
Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tôi đã được con cháu gia đình Trương Đồng Hiệp tại Hội An để lại cho tập “thủ bút” của ông. Tập tư liệu “sổ tay văn học” của Trương Đồng Hiệp có nhiều giá trị tư liệu lịch sử về những vấn đề như sự kiện, nhân vật, tư tưởng... trên vùng đất Quảng Nam.
Quảng Nam những năm gần đây rất nỗ lực trong việc sưu tầm di sản văn hóa Hán Nôm trên địa bàn, lần lượt công bố nhiều công trình có giá trị: Di sản Hán Nôm Hội An, Bia văn thánh và một số văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình, Dấu cũ Hà Đông, Nghiên cứu văn bia Hán Nôm tỉnh Quảng Nam (bao gồm Quảng Nam và Đà Nẵng), Di sản Hán Nôm thành phố Đà Nẵng, Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Nam... Song, hẳn tư liệu Hán Nôm ở địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn còn rất phong phú và tản mát trong dân gian, nhất là Hội An.
Bút tích bài thơ Lưu thúc Đại Lộc huyện Huấn đường tú sĩ của Trương Đồng Hiệp. |
Trương Đồng Hiệp và “sổ tay văn học”
Trương Đồng Hiệp (1857 - 1926), hiệu Thuấn Phu, gốc làng Minh Hương (nay là phường Minh An, TP.Hội An). Ông là một nhà Nho, đỗ cử nhân năm Thành Thái thứ 6 (1894); được “sơ bổ Huấn đạo tại Quảng Nam với hàm chánh thất phẩm. Suốt đời phục vụ ngành giáo và là người thầy nghiêm túc. Tài đức ông được triều đình quý trọng. Ông được vua ban “Hàn lâm viện Thị giảng”, hàm tòng ngũ phẩm” (theo Thành phố cổ Hội An đất và người, tr.78). Ông có quãng thời gian làm tri huyện Đại Lộc từ sau sự kiện phong trào chống thuế - 1908, và là học trò của Lương Thúc Kỳ nên trong “thủ bút” của ông đã lưu lại những bài văn có giá trị.
Nhiều di tích ở Hội An còn lưu lại dấu tích của Trương Đồng Hiệp như văn bia Tụy tiên đường, văn bia Cẩm Hải nhị cung, văn bia cho các đình, chùa, miếu, vũ của các làng lân cận như Cẩm Phô, Thanh Hà…; đối liễn ở các di tích; nhiều bài văn cúng ở các cơ sở thiết chế tín ngưỡng… Điều đó cho thấy ông rất quan tâm đến sự nghiệp văn hóa tại địa phương. Cũng chính nhờ ông quan tâm như vậy nên hiện nay có một số văn bản gốc (bia đá, hoành liễn, truyện ký…) hiện không còn hoặc không nguyên vẹn, thì “thủ cảo” của ông đã bổ khuyết cho vấn đề đó.
Mặc dù con cháu cụ gọi tên văn bản này là “Ký sự Trương Đồng Hiệp” và viết bằng chữ quốc ngữ ở ngoài bìa của tập tư liệu. Nhưng qua đọc văn bản, tôi thấy hầu hết đều là những tác phẩm thiên về văn học, trong đó có sáng tác của ông và cả của những người khác, nên tạm gọi đây là tập “sổ tay văn học”, gồm 92 trang, không ghi niên đại (hoàn thành). Bao gồm các thể loại theo thứ tự sắp xếp: bi ký, thư từ, văn tế, đối liễn các loại. Riêng phần thơ văn thì không tập trung ở một vị trí nhất định.
Những tác phẩm trong “sổ tay văn học” này như: Văn bia trùng tu Lai Viễn Kiều, Văn bia chùa Viên Giác Cẩm Phô, Văn bia miếu Thanh Minh Ngũ Bang, Văn bia chùa Phước Lâm, Thuật lại hành trạng ông Lê Tấn Kí chánh cửu phẩm làng Minh Hương, Đài Sơn tăng truyện, Môn sinh tế Lương tiên sinh ở Đông Lý, Văn bia tiên từ Minh Hương, Văn tế lạc thành miếu Thanh Minh, Văn bia mộ tiền hiền tộc Lê ở Cẩm Phô, Du Ngũ Hành Sơn, Thơ (đề) ở miếu Quan Thánh, Mừng nhà mới của bạn, Tiễn bạn đi Hà Nội, Tặng bạn đỗ tiến sĩ, Câu đối mừng đám cưới, Câu đối mừng thăng chức, Câu đối viếng…
Giá trị tư liệu
Trước hết, điều dễ dàng nhận thấy chính là giá trị văn học của tập tư liệu này. Hầu hết ghi chép trong tập tư liệu là bia ký, thơ văn, liễn đối… Một điều có ý nghĩa quan trọng nữa là tập tư liệu này sẽ bổ sung nguồn tư liệu văn học chữ Hán của đất Quảng, là nơi vốn có rất nhiều nhà khoa bảng song do điều kiện thời tiết và hai cuộc chiến tranh mà những tư liệu sáng tác của họ bị thất lạc. Lâu nay, có một số bài viết có ý “chất vấn” các nhà khoa bảng lớn của Quảng Nam sao không để lại trước tác gì hoặc để lại không nhiều, thì tập tư liệu này sẽ “trả lời” cho sự “chất vấn” đó, bởi trong đó lưu lại những tác phẩm của Phạm Tuấn, Phạm Như Xương.
Do điều kiện tự nhiên và xã hội, một số văn bản Hán Nôm trên đất Quảng Nam hiện nay không còn hoặc không còn nguyên vẹn, may nhờ tập tư liệu này bổ khuyết. Ví dụ văn bia trùng tu Chùa Cầu Hội An trên thực địa hiện tại đã bị mất một vài chữ do bom đạn chiến tranh, dẫn đến sự tranh cãi vì mỗi người suy đoán mỗi chữ thiếu khuyết đó khác nhau. Song, văn bản sao chép của “sổ tay văn học” này và thác bản của E.F.E.O đã góp phần kết thúc sự tranh luận chỉ vì thiếu tư liệu của những nhà nghiên cứu đi trước. Hay như văn bia ma nhai ở Ngũ Hành Sơn hiện nay đã mòn mờ nhiều, “sổ tay văn học” này sẽ giúp bổ sung cho thơ văn chữ Hán nơi đó và có thể phục hồi hoặc phục chế những văn bản cũ ở các di tích liên quan.
Ngoài ra, tập tư liệu “sổ tay văn học” của Trương Đồng Hiệp còn có giá trị tư liệu lịch sử về những vấn đề như sự kiện, nhân vật, tư tưởng. Thứ nhất là tư liệu về quá trình xây dựng và trùng tu các di tích, thiết chế tín ngưỡng ở Quảng Nam mà tập trung chủ yếu ở Hội An. Thứ hai là tư liệu về nhân vật như thiền sư Minh Giác chùa Phước Lâm (Hội An), cao tăng Tùng Thạch Sơn (huyện Đại Lộc); tình hình học tập, thi cử của một số sĩ tử Quảng Nam thông qua các sáng tác về tiễn đưa lên đường thi cử, chúc mừng đỗ đạt. Trong đó cũng thể hiện sâu sắc đạo thầy trò qua những bài văn tế hay điếu trướng. Tập tư liệu cũng cung cấp thông tin về những danh thắng của xứ Quảng, thậm chí danh thắng chưa bao giờ được nhắc đến trước đó, như Suối Mơ Đại Lộc.
Gia tộc Trương Đồng Hiệp là một trong những gia tộc lớn ở Hội An và có gốc Minh Hương. Di sản tư liệu lưu trữ của dòng họ này chắc hẳn còn rất phong phú. Chúng ta ngày nay cần cố gắng tiếp cận và khai thác giá trị tư liệu đó. Hy vọng sẽ có những công trình chuyên sâu hơn về di sản tư liệu của gia tộc này nói riêng và Quảng Nam nói chung.
TS.NGUYỄN HOÀNG THÂN