Hiểm họa tin giả mạo
Việc xuất hiện tràn lan tin giả mạo, thông tin sai lệch sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử quan trọng tại nhiều quốc gia.
Ngày 9.5, cử tri Hàn Quốc bỏ phiếu bầu cử tổng thống mới để lấp khoảng trống quyền lực sau khi người tiền nhiệm Park Geun-hye bị phế truất vào tháng 3 vừa qua. Nguyên nhân do bê bối tham nhũng và tiết lộ bí mật quốc gia cho người bạn thân vốn không nắm giữ một chức vụ nào trong chính phủ. Trong biến cố chính trị, việc xuất hiện tin tức giả trước cuộc bầu cử tổng thống càng gây lo ngại, đặc biệt đến kết quả chọn lựa người lãnh đạo đất nước. Hãng tin Yonghap (Hàn Quốc) số ra ngày 9.5 đăng tải thống kê của Viện công tố tối cao Hàn Quốc cho biết, có 85 người trong tổng số 264 người bị truy tố tính đến ngày 1.5 vì lan truyền thông tin giả liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống lần này; tăng 81% so với cuộc bầu cử năm 2012.
Tin giả mạo có xu hướng xuất hiện càng nhiều trước các cuộc bầu cử. Ảnh: thedrum |
Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, việc phát tán các tin tức giả mạo phổ biến nhất là thông qua mạng xã hội khiến nhiều cử tri nước này hoang mang. Chỉ vài ngày trước bầu cử vòng hai mang tính quyết định vào ngày 7.5, một vụ tấn công mạng trên quy mô lớn nhắm vào ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron - người vừa trở thành tân Tổng thống Pháp. Nội dung phát tán hàng nghìn thư điện tử, các tài liệu nội bộ và một số thông tin mà ekip vận động tranh cử của ông Macron cho biết là hoàn toàn giả mạo. Ngay lập tức, truyền thông và người dân Pháp được kêu gọi phải tỉnh táo trước luồng thông tin trên. Được biết, Facebook ngăn chặn 30.000 tài khoản ảo tại Pháp, trong đó có rất nhiều tài khoản đăng thông tin không đúng sự thật và tuyên truyền sai lệch về chính trị Pháp. Tương tự, truyền thông Pháp và quốc tế bắt tay thực hiện chiến dịch “Crosscheck” (kiểm tra chéo) nhằm ngăn chặn, giảm thiểu hiện tượng tin giả xuất hiện tràn làn trước bầu cử.
Theo các nhà quan sát, vấn nạn tin giả là một bài học đắt giá và nhức nhối có thể thấy khá rõ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm ngoái. Trang web chuyên kiểm chứng sự thật Politifact nhận định, các tin tức giả mạo được “xào nấu” một cách điêu luyện để giống như những bài báo đáng tin cậy, dễ dàng phát tán trên mạng nhằm làm nhiễu thông tin. Facebook mới đây lên tiếng cảnh báo về nguy cơ làn sóng tin tức giả mạo trước bầu cử Quốc hội Anh vào ngày 8.6 tới. Facebook kêu gọi những người sử dụng mạng xã hội nên thận trọng trước các tít đề khả nghi và hãy kiểm chứng từ các nguồn chính thống khác trước khi chia sẻ. Đồng thời Facebook sẽ xóa các tài khoản ảo, giả mạo và ngăn chặn các bài viết không đáng tin cậy. Simon Milner - Giám đốc chính sách của Facebook tại Anh cho biết, họ đã phát triển những cách thức mới để xác định và loại bỏ tài khoản giả mạo có thể lan truyền những tin tức sai lệch. Với tiêu đề “Các mẹo phát hiện thông tin giả”, quảng cáo Facebook tại Anh chỉ dẫn cách phát hiện tin giả, tin thật như quan sát kỹ đường link, điều tra nguồn gốc, tìm kiếm những định dạng bất thường và cân nhắc tính xác thực của bức ảnh.
NAM VIỆT