Đất hương hỏa
Trước đây, đất hương hỏa đóng vai trò tài sản chung dùng cho việc làng xã, gia tộc, gia đình, được mọi người chung tay gìn giữ, khai thác, góp phần tạo sợi dây gắn kết cộng đồng, thân tộc.
Đất hương hỏa góp phần cố kết cộng đồng ở làng xã xưa. TRONG ẢNH: Làng quê Quảng Nam. (ảnh minh họa).Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Hiện nay, đất hương hỏa dường như không còn là một danh từ chính thức trong các văn bản pháp quy của Việt Nam và dần mờ nhạt trong đời sống đô thị cũng như văn hóa làng xã. Nhưng dưới thời phong kiến, đất hương hỏa là một bộ phận đất đai tạo thành kết cấu kinh tế. Vấn đề đất hương hỏa được ghi rất rõ trong những văn bản bằng các chất liệu như giấy, đá, đồng… Trong đó văn bản bằng đá hay còn gọi là văn bia hiện còn tương đối phong phú, trải khắp cả nước. Đất Quảng cũng có nhiều văn bia lưu giữ nội dung đất hương hỏa trong đời sống làng xã đương thời.
Hương hỏa có nghĩa từ nguyên là “hương” và “đèn”, là những lễ phẩm dùng cho việc thờ cúng tổ tiên hay Thần, Phật. Đất hương hỏa chính là tài sản bao gồm đất (thổ), ruộng (điền), nhà cửa… để sinh lợi mà lấy đó làm tài chính đáp ứng cho việc tế tự. Đất hương hỏa thường giao cho thế hệ sau của gia đình, gia tộc, nhưng cũng có nhiều trường hợp trao chuyển cho thôn xóm, làng xã, hoặc dâng cúng cho đình chùa. Về lịch sử, vấn đề đất hương hỏa chí ít cũng đã được thừa nhận và khắc ghi dưới thời nhà Lý, như bia chùa Sùng Thiện Diên Linh (năm 1121) đã nêu: “Hoàng Việt Lý triều đệ tứ đế, Hoàng tỷ Phù Thánh Linh Nhân thái hậu cúng ruộng một khu liền nhau 72 mẫu ở xứ Màn Để thuộc hai xã Cẩm Trục và Thu Lãng huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng để làm ruộng hương đèn vĩnh viễn muôn đời”.
Văn bia Phú Hòa xã bi lập năm 1697 đã ghi sự kiện, Chánh doanh Vệ úy Nguyễn Đức Hoa (?) lập bia ghi số ruộng hương hỏa của dòng họ để lại là 43 mẫu 6 sào 8 thước 5 tấc, tọa lạc ở thôn Trường Thọ xã Lân Trung, giao cho nô tỳ canh tác, để lấy tiền hoa lợi quanh năm cúng tế. Đó là đất hương hỏa của gia tộc. Còn đất hương hỏa chung của xã như văn bia ở xã Câu Nhi lập năm Khải Định thứ 8 (1923) liệt kê họ tên của những người đóng góp tiền của để mua ruộng làm tự điền cho ngôi miếu của xã, ước khoảng 30 người. Ghi theo từng nhóm: người đóng 3 đồng, người đóng 2 đồng, người đóng 1 đồng rưỡi, người đóng 1 đồng.
Ngoài ra, một bộ phận đất hương hỏa do mọi người cúng dường cho chùa để làm ruộng tam bảo. Nhiều văn bia Quảng Nam - Đà Nẵng đã ghi lại việc này, như các bia chùa đương thời thuộc về địa phận Đà Nẵng hiện nay: chùa Thái Bình, chùa Long Thủ, chùa Linh Sơn, chùa Hưng Sùng…; thuộc địa bàn Quảng Nam: chùa Chúc Thánh, chùa Quảng An, chùa Phổ Quang, chùa Linh Sơn, chùa Lưu Linh, chùa Phổ Khánh, chùa Long Thủy, chùa Trúc Lâm…
Một văn bia thuộc đất huyện Đại Lộc hiện nay, lập năm Minh Mạng thứ 9 (1828) có ghi lại việc: Phủ quân Nguyễn Văn Chất là hào trưởng trong làng, sống có đức độ, được mọi người tin yêu. Nay con ông xuất 150 quan và hai mẫu một sào ruộng tọa lạc ở châu Hà Nhai (nay là Hà Nha) giao cho dân làng chi tiêu để mua Hậu thần cho cha. Ghi một số quy định cho người nào nhận canh tác ruộng sẽ biện lễ heo, xôi, trầu cau, trà rượu, giấy vàng bạc… dùng vào ngày giỗ (Mùng 8 tháng 2) và ngày tảo mộ (20.12) hàng năm cho ông.
Tấm bia gửi giỗ ở huyện Duy Xuyên được lập vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), diện tích 40 x 90cm, gồm 8 dòng chữ Hán, toàn văn khoảng 100 chữ, không có hoa văn. Tấm bia ghi như sau: “Bà Lương Thị Việt ở Đông Hoa Đông châu, tổng Đại An, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn cúng căn nhà rường 3 gian 2 chái để thờ cúng tiền hiền, cúng 5 sào đất tại xứ Ghềnh Dồng thuộc Đồng Ninh, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên để cúng giỗ cho chồng là Hương lão Võ Văn Quỳ; cúng 5 sào đất tại xứ Ghềnh Dồng thuộc Đồng Ninh, tổng Phú Mỹ huyện, Duy Xuyên để cúng giỗ cho con là Hương thủ Võ Văn Hóa; cúng 6 sào đất tại làng để tảo mộ, cúng 4 sào để gửi giỗ bản thân”.
Đất hương hỏa theo luật trước đây thì được miễn thuế, như văn bia chùa Sùng Thiện Diên Linh ở trên đã nêu: “Ruộng này cúng vào tam bảo, đã có khải xin được miễn tô thuế”. Việc sử dụng đất hương hỏa cũng được quy định rất chặt chẽ. Nhiều văn bia thời Lý Trần đã đề cập vấn đề này. Văn bia về Trần Khắc Hãn (năm 1229) đã viết: “Nếu trong nô chúng có kẻ nào coi việc thờ phụng hương hỏa không chuyên cần và xâm đoạt ruộng đất tam bảo thì nô chúng cùng làm đơn tố cáo để triều đình luận tội. Nếu có người anh em nào đó cậy thế chiếm đoạt ruộng tam bảo và quấy rối, sai khiến hương hỏa nô thì nô chúng cũng làm đơn tố cáo với triều đình để luận tội” (theo trích dẫn của Phạm Thị Tâm và Hà Văn Tấn). Văn bia Sùng Thiện Diên Linh thì nhắc nhở: “Nếu sau này có người nào lấy ruộng tam bảo để dùng vào việc riêng thì nguyện hoàng thiên mười tám vị long thần tru diệt”. Trường hợp Quảng Nam, văn bia Phú Hòa ghi lời “cảnh báo”: “Ruộng này truyền từ đời này qua đời khác, không được bán, nếu kẻ nào không tuân theo các điều đã ghi trong bia thì bản tộc đuổi ra khỏi dòng họ”. Hoặc lời đề nghị “cam kết” hương khói “trường lưu bách đại” được ghi trong văn bia gửi giỗ ở Duy Xuyên nói trên.
Ngày nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, hầu khắp, làm phá vỡ kết cấu kinh tế nông thôn, trong đó có đất hương hỏa. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy trong đời sống văn hóa làng xã, gia tộc, gia đình, khiến cho tính cố kết cộng đồng không được chặt chẽ. Vấn đề đất hương hỏa của người xưa như một bài học gợi lên nhiều suy nghĩ, trăn trở.
NGUYỄN DỊ CỔ