Năng lượng trẻ
Bên cạnh những tác giả thành danh, văn nghệ xứ Quảng đã và đang xuất hiện thêm nhiều gương mặt trẻ triển vọng. Họ đã góp phần làm sáng thêm diện mạo văn nghệ xứ sở bằng chính cá tính, sự trẻ trung và năng lượng sáng tạo dồi dào...
Một cảnh trong vở “Quan làng xử kiện” do Chi hội Sân khấu Quảng Nam dàn dựng, với 80% diễn viên tham gia là người trẻ. |
Tạo ấn tượng ngay từ lần đầu tiên
Thay vì sải bước trên con đường thênh thang nhưng đầy dấu chân của những người đi trước, nhiều văn nghệ sĩ trẻ xứ Quảng đã tìm cách khai mở lối đi riêng và tạo được dấu ấn ngay khi vừa bước vào cuộc chơi. Trong đó, ngoạn mục nhất là chuyện của Trầm Thị Trạch Oanh, một cô gái 9X quê Tiên Phước. Năm 2015, khi còn là sinh viên, Oanh đã gây nên một đợt sóng trong làng mỹ thuật Nam Trung bộ bằng tác phẩm đồ họa mang tên “Âm vang sóng biển”. Đồ họa thực ra chẳng có gì lạ lẫm, nhưng đồ họa của Oanh thì rất mới, được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại mix media thông qua hình thức bookart printmaking. Đó là một bức tranh liên hoàn, một cuốn-sách-nghệ-thuật kể về những câu chuyện đầy âm vang của biển, của sóng... “Sóng” đã chồm lên vì những lẽ ấy, và cũng vì ngay trong lần đầu xuất hiện, tác phẩm của Oanh đã được đề cử vào xét giải của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam... Một trường hợp khác, cũ hơn, là chuyện về Nguyễn Tấn Cả. Cách đây ngót 20 năm, chỉ với mươi bài thơ gọi là “chào sân văn nghệ” - trong đó có vài bài ấn tượng như “Trà My”, “Rượu nắng”, Cả đã được xem là một “hiện tượng” và được kết nạp vào hội gần như ngay tức thì. Hay với nhiếp ảnh là những câu chuyện không kém ngoạn mục. Đó là chuyện của Nguyễn Hữu Khiêm: Năm 2014, lần đầu tiên gửi tác phẩm tham dự Liên hoan ảnh khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên và bất ngờ được trao huy chương bạc. Cũng tại liên hoan này, một gương mặt mới toanh khác là Lê Trọng Khang - lần thứ hai tham gia vào sân chơi này, đã giành được 2 tấm huy chương gồm một bạc và một đồng...
Ngoài những gương mặt kể trên, văn nghệ Quảng Nam còn có nhiều trường hợp khác tạo được ấn tượng ngay trong lần đầu xuất hiện. Với sân khấu là nhóm nghệ sĩ 8X như Phương Tính, Quang Việt, Hùng Nhật, Ngọc Quốc, Ngọc Uyên..., vừa vào nghề đã được giao vai lớn, vai chính. Với văn học là những giọng văn, giọng thơ trẻ trung, cá tính như Đỗ Tấn Đạt, Huỳnh Thu Hậu, Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Thị Hồng Phong... Với mỹ thuật thì phải kể thêm những Nguyễn Văn Huy, Lê Nguyên Chính, Trần Đức, Kiều Nhật San, Hà Châu, Ngô Văn Phúc...
Tiếp tục hành trình khai phá
Sau những thành công bước đầu, điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ trẻ không hề có tâm lý tự thỏa mãn, tự bằng lòng với chính mình mà vẫn tiếp tục nỗ lực sáng tác và làm mới mình. Nguyễn Tấn Cả sau lần “đột hiện” lộng lẫy với bài thơ “Rượu nắng” đã tự lắng lại, viết chậm nhưng đằm sâu hơn. Và mãi đến năm 2014 anh mới in một tập thơ riêng “Chạm trổ suy tư” với 41 bài thơ đầy những nét “chạm trổ” công phu trên mặt chữ. Ngô Thị Thục Trang dành hẳn 4 năm để “thử nghiệm” bút lực với cả thơ và văn xuôi, để rồi ngưng đọng với tập tản văn duyên dáng, mượt mà “Còn xanh không thiên đường thơ ấu?”. Huỳnh Thu Hậu sau tập thơ “Cánh đồng mật ngữ” đã tiếp tục cày xới kiên trì trên cánh đồng thơ bằng cảm thức mang dáng dấp hậu hiện đại. Riêng Đỗ Tấn Đạt thì bày biện những cảm nhận tươi mới và khá lạ lẫm của mình qua những bài thơ in rải rác trên các báo, tạp chí chuyên ngành trong Nam ngoài Bắc; tiếp tục khẳng định mình bằng chùm thơ 10 bài lọt vào chung khảo cuộc thi thơ danh giá trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nhà điêu khắc Trần Đức với một phác thảo phù điêu hoành tráng. |
Trong khi đó, một số gương mặt trẻ của các chuyên ngành nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu cũng đã tiếp tục có những chuyến đi bền bỉ, quyết liệt và dài hơi. Vẫn là điêu khắc, nhưng cả Nguyễn Văn Huy lẫn Trần Đức đều mới, chững chạc hơn với những bức tượng không quá nhiều chi tiết, đường nét nhưng đầy ắp những thông điệp mang hơi thở cuộc sống đương đại. Hay như Lê Nguyên Chính, những câu chuyện hậu trường sân khấu tuồng trong tranh của anh càng về sau càng sâu đằm mà hun hút, nền nã mà xao động trong từng mạch nghĩ, mạch cảm. Trầm Thị Trạch Oanh tiếp tục sáng tạo với bookart printmaking và được ghi nhận bằng một giải C của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và danh hiệu Nghệ sĩ trẻ tại Giải thưởng nghệ thuật đương đại 2016 do Trường Đại học Hoàng gia Mahasarakham - Thái Lan trao tặng... Còn với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang, chỉ sau 5 năm trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh, anh đã có gần 10 giải thưởng các loại tại các cuộc thi từ cấp tỉnh đến cấp trung ương; được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khi mới 26 tuổi.
Đến lúc này, những gương mặt trẻ, những người sinh từ 1975 trở về sau của văn nghệ xứ Quảng vẫn đang miệt mài sáng tạo, bằng niềm đam mê và năng lượng trẻ trung của mình. Những con đường mới vẫn đang tiếp tục được khai phá, những tiểu lộ đang tiếp tục được phát dọn bằng những bước chân hăm hở trẻ trung...
BẢO ANH