Những cây cầu từ sức dân

H.LIÊN - M.PHƯỜNG 21/04/2017 08:48

Ở Đại Lộc, có rất nhiều cây cầu được dựng xây từ sự đồng lòng, chung sức của người dân và chính quyền địa phương.

Cả thôn Phước Yên (xã Đại An) có khoảng 200 hộ dân thì có đến hơn 160 hộ sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích 45ha đất bên kia sông Vu Gia, vùng tiếp giáp với thôn 10 (xã Đại Cường). Nhiều năm đằng đẵng, hàng trăm hộ dân Phước Yên phải đi đường vòng hơn 7km hoặc di chuyển bằng đò ngang sang sông để sản xuất. Có thời điểm mưa gió, việc vận chuyển nông sản bằng đò ngang hết sức vất vả, hiểm nguy, thương lái cũng “ái ngại” thu mua, nông sản bị ép giá gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trước cảnh đò đầy sông sâu, năm 2000, người dân đã bỏ công sức làm cầu tre tạm bợ bắc ngang sông. Cây cầu tre cũng không chịu được sức tàn phá của mưa lũ, cứ mỗi đợt lũ rút đi là người dân Phước Yên phải làm cầu mới.

Cây cầu Phước Yên bắc qua sông Vu Gia tạo điều kiện cho bà con đi lại sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: H.LIÊN
Cây cầu Phước Yên bắc qua sông Vu Gia tạo điều kiện cho bà con đi lại sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: H.LIÊN

Cách đây vài tháng, trên bến sông này, cây cầu được làm bằng 20 tấm ri sắt, gỗ bạch đàn, tre cọc dài 100m, rộng hơn 1m với trị giá gần 100 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của nhân dân trong vùng. Theo Trưởng thôn Phước Yên - ông Nguyễn Hữu Nhàn, đây là cây cầu được làm nên bởi mồ hôi, công sức của dân nên phải bảo vệ cẩn thận, mùa mưa lũ thôn sẽ neo lại để tránh tình trạng lũ cuốn trôi cầu như trước.

Suốt 4 năm qua, nhờ cây cầu phao bắc ngang sông Vu Gia, người dân thôn Phú Lộc (xã Đại An) đi lại, sản xuất khá an toàn. Cây cầu phao được xây dựng với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng, được thiết kế từ ý tưởng của nông dân Lê Tất Dũng, sự hưởng ứng tích cực của chính quyền và người dân trong thôn. Từ khi có cây cầu, ông Dũng phải thường xuyên có mặt để xử lý, mở và đóng một vài đoạn trên cây cầu để các trường hợp ghe đò dọc vượt sông lên nguồn đánh bắt, vận chuyển nông sản. Mùa lũ, ông tháo dỡ cầu, neo cố định để tránh bị lũ phá hủy. Song, trận lũ cuối cùng trong tháng 12.2016, nước lũ lớn nhanh trong đêm khiến ai nấy không kịp trở tay… Cây cầu phao bị gãy đôi sau lũ vừa được ông Dũng và dân làng khôi phục xong từ nguồn hỗ trợ của huyện Đại Lộc và nguồn đóng góp của nhân dân để kịp cho những chuyến vận chuyển nông sản qua sông. Tin vui là mới đây một tổ chức thiện nguyện cũng đã vận động, quyên góp hơn 700 triệu đồng để xây dựng một cây cầu bằng bê tông cốt thép bắc ngang sông. Vừa hì hục neo lại cây cầu phao, ông Dũng chia sẻ: “Mai mốt có cầu bê tông, bà con đỡ cực rồi. Đoàn đã về khảo sát, tháng 5 này sẽ khởi công, tôi cũng sẽ sẵn sàng giúp sức, hỗ trợ nhiệt tình. Còn cây cầu phao này tôi sẽ giữ lại để hỗ trợ cho nơi nào đó chưa có được cây cầu bắc qua sông”.

Trên đất Đại Lãnh, cách đây vài năm, cây cầu Bàu Làng đã mọc lên nối đôi bờ cách trở. Cầu được thiết kế rộng 4m, dài 6m. Gần 300 khối đất đã được huy động để nâng cấp con đường nối với hai mố cầu dài 200m tạo sự thông thương liên hoàn giữa cây cầu với vùng. Cây cầu này do cô Bùi Thị Một và một nhóm giáo viên, cựu học sinh đứng ra ủng hộ, vận động xây dựng. “Thời điểm đó, nhóm giáo viên chúng tôi từng xin xã xây dựng lại cầu nhưng nguồn của xã không đủ, chúng tôi mới bàn bạc chuyện vận động và trước mắt lấy tiền lương hưu của mình ra góp trước. Thế là hơn 40 giáo viên là người con của quê hương Đại Lãnh và 12 giáo viên hưu cùng hàng chục cựu học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ khi hay tin chúng tôi có ý tưởng xây cầu đã hào hứng ủng hộ để có cây cầu ngày hôm nay”- cô Một chia sẻ.

Những cây cầu Phước Yên, cầu phao Phú Lộc, cầu Bàu Làng… trên đất Đại Lộc là những cây cầu sức dân, mang bao nỗi nhọc nhằn và chở nặng những ân tình…

H.LIÊN - M.PHƯỜNG

H.LIÊN - M.PHƯỜNG