Nở rộ các liên minh chống tin giả mạo
Thông tin giả mạo hoành hành trên internet trong thời gian qua khiến nở rộ nhiều liên minh chống tin tức giả mạo.
Và năm 2015, một thông tin được cho bắt đầu từ tờ Independent (Anh) về việc đổi mới giáo dục ở các trường học Phần Lan. Theo đó, Phần Lan sẽ thay việc dạy các môn học theo cách truyền thống bằng việc dạy theo các chủ đề. Thông tin này lan truyền chóng mặt trên các phương tiện truyền thông quốc tế, mạng xã hội… bởi Phần Lan là một trong những quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Chỉ năm ngày sau, ngành giáo dục Phần Lan lên tiếng cải chính rằng Phần Lan không bỏ các môn học truyền thống như toán, lý, hóa. Thay vào đó, các trường được yêu cầu xây dựng ít nhất một kỳ học “đa môn” tập trung vào một hiện tượng hay một chủ đề mà học sinh quan tâm…
Sáng kiến thiết lập hệ thống mã vạch truyền thông đang được Indonesia đánh giá cao góp phần ngăn chặn các tin tức giả. Ảnh: thoughtco.com |
Trước thực tế trên, ngày 2.4 vừa qua, một liên minh toàn cầu có tên gọi News Integrity Initiative của giới công nghệ và học giả tiết lộ về kế hoạch chống tin tức giả mạo. Trước hết, liên minh lập kế hoạch tài chính 14 triệu USD được huy động từ Facebook, Quỹ Ford, Mozilla và nhiều công ty, tổ chức khác cùng với trường học báo chí New York (Mỹ) để chi cho các hoạt động nghiên cứu, lập các dự án và sự kiện. Công ty Google và tập đoàn Facebook cho biết, họ đã tiến hành những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả mạo trên internet bằng cách nhắm mục tiêu vào quảng cáo, là cách thức mà những người cung cấp nội dung giả mạo kiếm tiền. Đại diện của News Integrity Initiative cho biết sẽ trang bị cho người đọc những công cụ tốt nhất để nhận biết tin tức giả mạo.
Vào năm ngoái, các mạng xã hội Facebook và Twitter tham gia liên minh truyền thông First Draft, ra đời một năm trước đó với sự tham gia của nhiều người dùng internet. First Draft nhằm khuyến khích kiểm chứng thông tin ngay trên mạng xã hội thông qua việc thiết kế các công cụ thẩm định tự động. Tương tự với mục đích này, Ủy ban châu Âu tài trợ cho dự án Pheme, với sự tham gia của nhiều trường đại học ở khu vực để giúp người đọc phân biệt thông tin thật hay giả. Hãng tin BBCnews tiết lộ kế hoạch đối phó với tình trạng tin tức giả mạo tràn lan trên mạng xã hội với tên gọi “tin chậm”. Ông James Harding - Giám đốc mảng tin tức của BBCnews cho biết, hãng có kế hoạch khuyến khích những bài viết hay mẩu tin có nhiều dữ liệu hơn, điều tra, phân tích sâu hơn và xác minh hơn. Bởi việc các tin tức giả mạo hoặc chưa được kiểm chứng xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội như Facebook thời gian gần đây đã dấy lên những lo ngại đối với tương lai của truyền thông.
Cũng trong tháng 2 vừa qua, gần 40 đơn vị truyền thông tại Pháp và hàng trăm nhà báo của nhiều nước trên thế giới công bố dự án chung mang tên CrossCheck, nhằm sàng lọc thông tin giả mạo có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cả hai vòng vào tháng 4 và tháng 5 tới. Dự án sàng lọc thông tin CrossCheck sẽ được triển khai dưới sự phối hợp điều hành của Google và Hiệp hội phi lợi nhuận First Draft News. Dự án là cơ hội mà các phóng viên, biên tập viên từ nhiều hãng tin cộng tác với nhau, thay vì chỉ đơn thuần tác nghiệp độc lập tại các khu vực riêng biệt.
QUỐC HƯNG