Mở lối để giảm nghèo
Đồng hành 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, công cuộc giảm nghèo đã có những bước tiến vượt bậc, nhất là đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hiểu hơn về hành trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đã dành thời gian trao đổi với Báo Quảng Nam về công cuộc giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ:
Khi tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam có 14 huyện, thị xã với 212 xã, phường, thị trấn (trong đó có 6 huyện và 109 xã miền núi). Nhiều thách thức, khó khăn trong giảm nghèo mà tỉnh phải đối mặt. Thứ nhất, điều kiện cơ sở hạ tầng quá nhiều khó khăn, thiếu thốn, toàn tỉnh có 98 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 112 xã không có điện, nhiều trường học tạm bợ, 78 xã không có trạm y tế... cần phải tập trung đầu tư cải thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, nguồn thu ngân sách tỉnh không nhiều, hầu như phụ thuộc vào hỗ trợ của ngân sách trung ương, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, thu nhập người dân còn rất thấp (năm 1997 là 2,1 triệu đồng/người/năm). Thứ ba, tỷ lệ hộ đói nghèo toàn tỉnh còn ở mức rất cao 27,04% (78.848 hộ), phần lớn sống phân tán và tập trung ở nông thôn miền núi cao, đi lại rất khó khăn, khó tiếp cận để tư vấn, hỗ trợ thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh thăm hỏi những đối tượng xã hội trong dịp tết.Ảnh: D.L |
Những quyết sách cụ thể
Trước thực trạng tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức ở hầu hết lĩnh vực và tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh khá cao, tỉnh Quảng Nam xác định “xóa đói giảm nghèo” là mục tiêu, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được đề ra trong các nghị quyết của tỉnh. Vì vậy, ngay từ năm 1997 và hằng năm tỉnh chỉ đạo điều tra, rà soát, thống kê phân loại hộ đói nghèo và thực trạng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo để xây dựng, phê duyệt Chương trình “xóa đói giảm nghèo” cho từng giai đoạn với các giải pháp giảm nghèo đa dạng, phù hợp.
Từ các chương trình giảm nghèo của Trung ương, tỉnh chủ trương tập trung ưu tiên vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, huyện nghèo miền núi cao, vùng nông thôn để phát triển mạng lưới điện, đường giao thông, trạm y tế xã, trường học và thủy lợi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã mạnh dạn ban hành nhiều nghị quyết với các cơ chế hỗ trợ mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cần giảm nghèo nhanh và bền vững như cơ chế hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn, cơ chế hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương và thủy lợi đất màu, cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, thủy sản, cơ chế hỗ trợ kinh tế vườn, kinh tế trang trại, cơ chế hỗ trợ phát triển cây dược liệu, cơ chế thu hút doanh nghiệp vào đầu tư ở khu vực nông thôn, miền núi, cơ chế hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm...
Kết quả bước đầu
Thành tựu nổi bật trong công cuộc giảm nghèo của tỉnh thể hiện trước hết ở tốc độ giảm nghèo luôn duy trì ở mức bình quân mỗi năm đạt 2,5% -3%, quy mô hộ nghèo có xu hướng giảm dần (năm 1997 có 78.948 hộ nghèo, hiện nay còn 45.330 hộ nghèo); số hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh cũng có xu hướng giảm dần qua từng giai đoạn, từng năm (tỷ lệ hộ tái nghèo ở mức 0,15 - 0,2%); số xã nghèo cũng giảm dần và hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 71 xã nghèo, gồm 8 xã nghèo vùng bãi ngang ven biển (Chương trình 257) và 63 xã nghèo vùng dân tộc và miền núi (Chương trình 135).
Cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo, khu vực miền núi, vùng nông thôn đã được đầu tư phát triển đồng bộ. Hiện nay, các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số xã đã có điện lưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt, 100% số xã có internet và được phủ sóng phát thanh, hầu hết trường học (mầm non, mẫu giáo, phổ thông các cấp) được xây dựng tương đối kiên cố, khang trang và được trang bị thiết bị, đồ dùng học tập và bố trí đủ giáo viên, 100% số xã có trạm y tế và có dịch vụ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã.
Những người nghèo yếu thế cần có sinh kế vững bền mới thoát nghèo bền vững. |
Điều quan trọng nữa là, đời sống của hộ nghèo, hộ thoát nghèo được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục và nhà ở như cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho bệnh nhân nghèo, người dân tộc thiểu số, thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà ở hơn 40 nghìn lượt hộ nghèo. Ngân hành chính sách xã hội đã hỗ trợ hộ nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, các trung tâm dạy nghề, dịch vụ việc làm, trung tâm học tập cộng đồng...
Giải pháp đồng bộ
Trong quá trình thực hiện chính sách, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện hỗ trợ có điều kiện đối với hộ nghèo, địa phương nghèo. Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thực hiện giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cụ thể cho từng địa phương, không xét thi đua khen thưởng đối với địa phương không hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm. đồng thời xem xét, đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng và người đứng đầu ở địa phương, trên cơ sở mức độ hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững hằng năm và giai đoạn 2016 - 2020. |
Hiện nay, Quảng Nam không còn hộ đói và theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn ở mức cao (11,13%, với 45.330 hộ nghèo), khu vực miền núi (9 huyện) chiếm tỷ lệ 34,89% (27.883 hộ), khu vực đồng bằng chiếm tỷ lệ 5,33% (17.447 hộ). Trước thực trạng tỷ lệ nghèo của tỉnh còn cao và tập trung ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong khi đó yêu cầu mới là “giảm nghèo phải thực chất, toàn diện, bền vững, theo hướng tiếp cận đa chiều”. Sắp đến tỉnh sẽ khảo sát, đánh giá thực trạng đời sống hộ nghèo trên địa bàn 9 huyện miền núi để phân loại đối tượng nghèo, nguyên nhân nghèo nhằm đề ra giải pháp giảm nghèo phù hợp theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết của Tỉnh ủy. Đối với các huyện đồng bằng căn cứ thực trạng nghèo và số lượng hộ nghèo sẽ hỗ trợ các điều kiện phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, vận động học nghề phục vụ các khu, cụm công nghiệp vùng đông của tỉnh và đi xuất khẩu lao động để có việc làm và thu nhập ổn định.
Về cơ chế, chính sách, tỉnh chủ trương rà soát, đánh giá tất cả cơ chế, chính sách đã ban hành thời gian qua để sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm dần chính sách cho không, tăng đầu tư cho chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, trong đó sẽ thưởng trong phân bổ ngân sách đối với địa phương hoàn thành và vượt mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ tiêu tỉnh giao.
Trong quá trình thực hiện chính sách, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện hỗ trợ có điều kiện đối với hộ nghèo, địa phương nghèo. Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thực hiện giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cụ thể cho từng địa phương, không xét thi đua khen thưởng đối với địa phương không hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm. đồng thời xem xét, đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng và người đứng đầu ở địa phương, trên cơ sở mức độ hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững hằng năm và giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cũng cần phải tiếp tục quán triệt và phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phối hợp và phản biện xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững, cần phát động nhiều phong trào giảm nghèo hơn nữa, nhất là phong trào đăng ký thoát nghèo bền vững, tăng cường và đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động người dân, trong cán bộ, đảng viên để nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong công cuộc giảm nghèo của tỉnh và địa phương, nhất là xóa bỏ tư tưởng mong nghèo hoặc không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
DIỄM LỆ (ghi)