Cung đường thức dậy vùng tây
Khai mở và kết nối. Cung đường Hồ Chí Minh đã xóa mờ gian khó ngày cũ trên các bản làng, để vùng cao Quảng Nam bừng dậy cùng nhiều vận hội mới.
BÊN CON ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Chuyển làng. Mặt bằng mới được san ủi bằng phẳng hơn, đẹp hơn, với phần đất rộng rãi nhất được dành để dựng gươl làng. Những ngày tháng sau này, đã phần nào bớt đi nghèo khó cũ, như dòng A Vương xanh kia, hiền hòa trôi về phía hạ nguồn, dọc theo con đường huyền thoại…
Như một cuộc hồi sinh
Bao bận ngược xuôi qua con đường ấy, lần nào, ánh nhìn của chúng tôi cũng bị hút vào gươl làng Xà Ơi 3 (xã A Vương, Tây Giang), nằm ở khoảng sân rộng dưới chân đồi, ngay bên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Lần này ghé lại, mới để ý, thấy ngọn đồi đã được vạt sâu vào một nửa, dành đất cho dân làng dựng gươl. Với người Cơ Tu ở dặm dài những cánh rừng phía tây này, gươl làng như một niềm xác tín cho sự tồn tại, hơn cả tên gọi riêng của làng. Đã thành lệ, nên phần đất ấy, nhất định là để đặt gươl, kể từ khi những mái nhà mới thành hình lúc chuyển về tái định cư.
Một góc làng Xà Ơi 3 nằm bên đường Hồ Chí Minh.Ảnh: CÔNG NGƯỚC |
Nhưng ở làng này, điều đặc biệt, là mái gươl không nằm giữa những dãy nhà hình cánh cung như nhiều nơi khác. Cư dân Xà Ơi 3 dựng nhà dọc đường Hồ Chí Minh, còn gươl nằm lại phía bên kia đường. Trưởng thôn Xà Ơi 3, ông Arâl Nhai kể, hai bận dời làng, là những năm tháng sống trên núi cao. Đêm đến, chỉ thấy chấm sáng hiu hắt từ bếp lửa nhà bên kia. Thiếu nước, thiếu điện. Hơn mười năm trước, khi đường Hồ Chí Minh được thi công, một số đôi vợ chồng trẻ tách hộ, dựng nhà sát đường. Dần dà, số hộ dựng nhà, bám lấy đường Hồ Chí Minh ngày càng nhiều. “Quen rồi. Từ khi thi công đường Hồ Chí Minh đến giờ, ai cũng muốn nhà cửa ở gần đường. Tiện đi lại, tiện mua bán, đủ thứ hết. Di dời lần thứ hai rồi đó, vì muốn ở gần đường. Mặt bằng sau này rộng rãi hơn, bằng phẳng hơn trước đây, sát đường Hồ Chí Minh, vậy là được” - ông Arâl Nhai nói.
Ông Nhai kể, những đổi khác trong làng, bắt nguồn từ con đường Hồ Chí Minh. Khi mở đường, lần đầu tiên ông Arâl Nhai đi làm cho công trình, rồi được trả tiền công, khoản tiền công đầu tiên trong đời ông được nhận. Đó là những năm 2003, khi đồng bào không còn đói, nhưng cái khổ thì vẫn hiện hữu ở làng. Nhiều thanh niên như ông Nhai được thuê làm, tiền khi đó đủ để không phải độn sắn trong nồi cơm. Trước, chỉ có làm đổi công, nghĩa là nhà này làm giúp nhà kia, rồi lại quay vòng. Cây sắn, cây bắp trồng ra, dành dụm đổi lấy muối, mà cũng trĩu vai các amế, ama (cha, mẹ) gần hai mươi cây số đường rừng, ra thị trấn. Đói cơm, lạt muối, con chữ cũng lụi dần, hắt hiu như bếp lửa khuya. Có đường, gập ghềnh ngày tháng cũ cũng bớt đi. Thương lái vào tận nhà, đổi lấy chuối, lấy sắn. Mùa nắng, đi bứt đót, bứt mây. Mùa mưa, đi hái nấm. “Chỉ cần siêng năng, là không đói.
Rẫy còn đó, tới mùa mới thu hoạch. Ngoài mùa rẫy, vào rừng kiếm cái này cái kia về bán, cũng đủ trang trải qua ngày. Hồi đường sá chưa thông, đi tiếng rưỡi đồng hồ mới tới thị trấn, mà đổi cả gùi cũng chỉ được vài lạng muối với ít cá khô” - ông Nhai kể. Nhiều năm trước, chúng tôi có dịp vào làng cũ, trên đỉnh đồi. Con dốc dựng đứng, đi lên đã rợn, đi xuống càng ngợp. Dân làng sống chật vật với từng can nước lấy từ suối. Nhìn những amế, ama với chiếc gùi trĩu vai lần từng bước lên đầu dốc để về làng, mà xót. Bức bách với chuyện ở, chuyện sinh hoạt, dân làng đề nghị được chuyển xuống phía dưới đường, nơi đã có vài căn nhà của các cặp vợ chồng mới tách hộ. Năm 2014, mặt bằng mới được dựng, sát bên đường Hồ Chí Minh, những khó khăn được gỡ. Ba năm, làng Xà Ơi 3 rũ bỏ những u buồn quá khứ, như một cuộc hồi sinh. Từ khi gươl làng dựng trên làng mới, niềm vui được nối dài, bằng những đổi thay ngay trong từng nếp nhà, từng căn bếp, của người Xà Ơi 3…
Bình yên xanh
Làng Xà Ơi 3 nằm ngay bên cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh, với 30 hộ, 121 nhân khẩu, 100% là đồng bào Cơ Tu. Khi thi công tuyến đường Hồ Chí Minh, cùng với nhiều bản làng khác, dân Xà Ơi 3 tình nguyện hiến một số đất đai, vườn tược… mà không đòi hỏi bồi thường. Năm 2012, huyện Tây Giang chủ trương san ủi mặt bằng tái định cư cho dân làng Xà Ơi 3. Đến năm 2014, cả làng chuyển từ mặt bằng cũ về sinh sống ở mặt bằng mới hiện nay. |
Mùa này, cây lúa đã lên xanh, sau hành trình nhọc nhằn bám víu núi đồi từ ngày còn mưa rét. Rẫy bên kia sông, người Xà Ơi 3 phải dùng bè vượt sông mỗi ngày. Cây sắn, cây lúa về đến nhà cũng còn lắm cơ cực. Nhưng không ai đói nữa. Già làng Bhling Trơngâl (81 tuổi) nói, ngày xưa, có lúc còn không có sắn để ăn, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Giờ thì nhiều nhà có ti vi, xe máy, nhà cửa kiên cố. Lũ trẻ đều được đến trường. “Đổi thay nhiều lắm chứ. Ngày xưa, già chưa dám nghĩ đến cảnh như hôm nay, ai cũng nhà cửa đàng hoàng, có cơm ăn, áo ấm, nhiều thanh niên đi học, làm cán bộ xã, cán bộ huyện” - già Trơngâl nói. Già Trơngâl kể những gian khó ngày cũ, tường tận như mới hôm qua. Đó là những bận người làng đau ốm, đường sá khó khăn nên không kịp đưa đến viện chữa chạy. Hay đám cưới của một người trong làng với người Cơ Tu ở Nam Đông, phải gùi lễ vật đi suốt hai ngày đường. Giờ thì không còn cảnh đó nữa. Như mới đây, Bh’ling Dan, một thiếu nữ trong làng lấy chồng ở Nam Đông, bà con dòng họ chạy xe máy theo trục đường Hồ Chí Minh vòng qua đi ăn cưới. Xong, hai vợ chồng dắt nhau về lại Xà Ơi 3. Dan và chồng quen nhau từ thời đi học, yêu, rồi cưới. Đúng tuổi, đúng pháp luật. Không phải kiểu thách cưới, gả con, hay tảo hôn như ngày trước nữa.
Làng Xà Ơi 3 đã có nhiều thanh niên đi học đại học, cao đẳng, rồi về lại quê hương, làm cán bộ địa phương, đem sức mình phục vụ cho chính mảnh đất ông cha. Bh’ling Dắp, người làng Xà Ơi 3, nay là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Giang, chia sẻ, ngày tốt nghiệp, được nhận về làm ở địa phương, anh tâm niệm sẽ luôn cố gắng để bà con mình đỡ khổ, để đất mình bớt khó. Ước muốn của anh, phần nào đó đã và đang thành hình, trên chính làng Xà Ơi 3 và những ngôi làng khác, trên quê hương này. Ngày đó, đường Hồ Chí Minh mở, Bh’ling Dắp bước ra từ làng, xuống đồng bằng đi học. Trước anh, vì cách trở, vì khó nghèo, đã có không ít người phải bỏ dở ước mơ, ở lại với nương rẫy, với cây lúa, cây sắn, đến bây giờ. Con đường đó, đã mở lối cho anh, cho thêm nhiều những đứa trẻ của làng từ đó lớn lên, bước đi, với lời hẹn sẽ trở về, chung tay làm nên một cuộc đời khác…
Chiều bảng lảng theo những sợi khói bay lên, từ phía những căn bếp. Tiếng trẻ con ríu rít đùa dọc theo con đường bê tông trước những căn nhà. Chúng tôi đứng ở đỉnh đồi, nhìn xuống ngôi làng nhỏ, ngắm khoảnh khắc bình yên giữa điệp trùng màu xanh của núi. Bạn đồng hành của chúng tôi, người Cơ Tu, nói ngày xưa, làng Cơ Tu, dày đặc những hàng rào. Chống thú dữ, chống những cuộc nội chiến “têng brâu” đẫm máu giữa các ngôi làng. Nhưng từ lâu, những hàng rào tự vệ ấy đã lặng lẽ biến mất. “Vì hiếu khách. Giữa những ngôi nhà trong cùng một làng, hàng rào đã không tồn tại, đó là nếp quen. Nhưng, quanh làng, giờ cũng không còn hàng rào nữa. Người Cơ Tu nay mở lòng, với tất cả, nên chỉ còn cổng chào, không có cánh cổng. Dọc đường này, rất nhiều ngôi làng như thế” - người bạn đồng hành nói.
“DU LỊCH XANH” TRÊN NÚI
Bằng các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hình thành trên trục đường Hồ Chí Minh, một cơ hội mới cho du lịch đang mở ra đối với các huyện miền núi vùng tây xứ Quảng.
Những năm gần đây tại địa bàn các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn,… đã và đang hình thành các điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách tìm đến khám phá, trải nghiệm. Nhiều tour du lịch được kết nối từ các thành phố lớn trong tỉnh và khu vực, tạo ra cơ hội để các sản phẩm du lịch ở vùng cao định hình và tạo được hấp lực với du khách. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, cùng với các điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái như làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang, khu dừng chân Đỉnh Quế (xã Tr’Hy), cụm địa đạo Axoò (xã A Nông),… địa phương đang hướng đến việc hình thành những điểm dừng chân mới trên tuyến đường Hồ Chí Minh, với không gian nhà làng và các loại hình sản phẩm du lịch đa dạng, níu chân du khách. “Hành trình đến với Tây Giang, bắt đầu từ tuyến đường Hồ Chí Minh ngược lên. Vì thế, khi các điểm dừng chân được chú trọng đầu tư sẽ tạo được sự kết nối với các khu du lịch sinh thái ở vùng cao như Đỉnh Quế, cánh đồng Chuôr, cùng các quần thể rừng pơ mu và đỗ quyên, mở ra nhiều cơ hội trong chiến lược hình thành sản phẩm “du lịch xanh”” - ông Blúi cho hay.
Du khách thích thú ghi lại hình ảnh trên cung đường Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐĂNG PHƯƠNG |
Ở Tây Giang, việc gắn sản phẩm du lịch với văn hóa của đồng bào Cơ Tu đang được xem là hướng mở cho phát triển kinh tế địa phương, khi đường Hồ Chí Minh bắt đầu kết nối các địa chỉ du lịch vùng. Ngoài điểm dừng chân được xây dựng tại trung tâm Azứt (xã Bha Lêê) từ hơn một năm trước, địa phương cũng đang tính đến việc “mở cửa” điểm tham quan du lịch tái hiện đường mòn Hồ Chí Minh cũ đi qua thôn Atép 1 (xã Bha Lêê) kết nối với cụm địa đạo A Nông. Cùng với A Lưới, một điểm đến mới đầy kỳ thú trên bản đồ du lịch dọc theo đường Hồ Chí Minh, chính quyền Tây Giang kỳ vọng con đường này sẽ là cầu nối cho các địa phương hiện thực hóa giấc mơ du lịch, vốn vẫn còn khá xa lạ trong những năm trước đây.
Không chỉ có Tây Giang, nhiều địa phương miền núi như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn cũng đang nỗ lực tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù từ những tiềm năng và lợi thế của vùng, gắn với đường Hồ Chí Minh. Có những địa chỉ đầy tiềm năng cho du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử, các địa phương này hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào việc đưa du lịch trở thành mảng màu tươi mới cho kinh tế vùng. Việc các địa phương chủ động kết nối với nhiều công ty lữ hành thành lập các tour, tuyến du lịch từ tiềm năng đó đang là minh chứng sinh động cho nỗ lực phát triển du lịch. Trong đó, đường Hồ Chí Minh là “đòn bẩy” mang tính quyết định, khi kết nối được ngày càng nhiều hơn địa chỉ, sản phẩm du lịch và các dịch vụ đi kèm.
Trên cung đường Hồ Chí Minh, đoạn qua vùng miền núi phía tây của Quảng Nam, du khách có thể dừng chân trải nghiệm du lịch cộng đồng với các giá trị văn hóa đặc sắc người bản địa, tham quan các điểm du lịch sinh thái rừng pơmu, rừng đỗ quyên, khu sinh thái thác Nước (Phước Sơn), thác Grăng (Nam Giang) hoặc tham gia các tour tái hiện đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến… Những sản phẩm này đều có sức mới lạ, hấp dẫn, đồng thời là xu hướng khai thác du lịch đầy tiềm năng cho vùng tây xứ Quảng, khi lượng du khách đến Quảng Nam ngày càng tăng. Trong khi đó, hệ thống dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống cũng bắt đầu phát triển mạnh ở các địa phương dọc trục đường Hồ Chí Minh như thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), thị trấn P’rao (Đông Giang).
Giấc mơ du lịch miền núi phía tây Quảng Nam đang được chắp cánh, từ con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh…
MỞ RỘNG LIÊN KẾT VÙNG
Từ trục đường Hồ Chí Minh, đòn bẩy về giao thương và phát triển kinh tế liên vùng sẽ được mở rộng, tạo cơ hội kết nối giữa các khu vực trọng điểm từ “cửa ngõ” TP.Đà Nẵng đến tận cửa khẩu biên giới Quảng Nam - Sê Kông và đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Kết nối giao thương
Hơn 200 cây số qua địa phận Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh được ví như xương sống nối các huyện miền núi, kéo dài từ điểm giáp ranh của thôn Atép 1 (xã Bha Lêê, Tây Giang) với xã A Roàng (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đến tận thôn Long Viên (xã Phước Mỹ, Phước Sơn) và bên kia là địa phận của tỉnh Kon Tum. Trên những trục đường ấy, có đến hàng chục “nhánh rẽ” được mở rộng với những công trình giao thông xuyên núi, về khắp các bản làng vùng cao. Theo ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cũng như các huyện miền núi có đường Hồ Chí Minh đi qua, Nam Giang được đánh giá rất nhiều lợi thế, từ phát triển du lịch, thương nghiệp cho đến hạ tầng giao thông nông thôn với các điểm kinh doanh buôn bán hàng hóa thị trường quy mô lớn.
Đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến giao thông trọng điểm kết nối các địa phương miền núi cùng phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NGUYÊN GIANG |
Chỉ riêng địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ, mặc dù trục đường Hồ Chí Minh ngang qua vỏn vẹn chưa đầy cây số, nhưng có đến hàng chục điểm mua bán, chưa kể khu chợ Thạnh Mỹ khá sầm uất ngay trung tâm thị trấn. Ước vọng vươn cao của Thạnh Mỹ, nay không còn là dự tính với những quy hoạch sơ khai khi Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ đã được hình thành trên trục đường chính, nằm sát khu kinh tế trọng điểm của địa phương. “Nam Giang có nhiều địa thế thuận lợi, trở thành “cửa ngõ” giao thương nối đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông với TP.Đà Nẵng và các huyện lân cận, tạo sự liên kết vùng cả về giao thông đi lại, kích thích sự phát triển chung trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Ngoài ra, từ Bến Giằng, tuyến quốc lộ 14D lên Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đã sớm được khai mở, tạo động lực để Nam Giang vực dậy và thu hút sự đầu tư mạnh mẽ trong tương lai” - ông Mai nói.
Cũng như Nam Giang, khi tuyến đường Hồ Chí Minh mới được mở rộng đã làm thay đổi diện mạo của Đông Giang, nhất là khu vực trung tâm thị trấn P’rao. Thoát khỏi quy hoạch chật chội xưa cũ, P’rao nay bắt đầu hiện diện những ngôi nhà cao tầng, những trung tâm buôn bán vừa và nhỏ, cùng hệ thống siêu thị mini, từng bước đáp ứng đủ đầy mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương. Bí thư Huyện ủy huyện Đông Giang - ông Đỗ Tài từng khẳng định rằng, đường Hồ Chí Minh có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mở ra cơ hội giao thương giữa các vùng miền núi lân cận. Đó là khi, những khu trung tâm kinh doanh buôn bán, chợ búa mọc theo các điểm dân cư, kéo dài từ thị trấn P’rao ngược về Asờ (xã Ma Cooih) ngày một nhiều, tạo đầu ra cho nông sản của người dân bản địa. Ngã ba thị trấn P’rao được xem như “đòn gánh” chung cho khu kinh tế vùng theo trục đường Hồ Chí Minh qua các huyện Nam Giang và Tây Giang. Và cũng ở vị trí này lại kết nối giữa các xã vùng thấp như Sông Kôn, Jơ Ngây, A Ting,… với TP.Đà Nẵng thông qua con đường huyết mạch quốc lộ 14G. “Khi đường sá thuận lợi, đã tạo đòn bẩy để các dịch vụ kinh doanh, du lịch được hình thành và phát triển, đem lại lợi nhuận kinh tế cho chính người dân miền núi, từ rừng, từ văn hóa truyền thống của cộng đồng làng Cơ Tu” - ông Tài chia sẻ.
“Phố” trên đường huyền thoại
Chập choạng tối, dừng chân tại thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), từ trên cao nhìn về phố núi của đồng bào Bh’noong sáng bừng dưới lung linh ánh đèn. Khâm Đức không khác gì phố thị ở đồng bằng là mấy, với những nhà cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn và các dịch vụ vui chơi giải trí. Không còn là thị trấn “mồ côi”, Khâm Đức mang vóc dáng của một đô thị giữa đại ngàn. Con đường huyền thoại uốn lượn bên những hàng quán, trung tâm thương mại sầm uất, càng làm diện mạo của Khâm Đức thêm bước tiến mới đầy ngoạn mục.
Ông Hồ Văn Điều - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kể lại, trước đây Khâm Đức chỉ là vùng đất hoang hóa, những ngôi làng của đồng bào Bh’noong cũng đều cách xa con đường Hồ Chí Minh hàng chục cây số. Chiến tranh ác liệt, bom đạn cày xới nhiều đoạn đường, công sức của đồng bào Bh’noong bỏ ra không bút giấy nào kể hết. Hòa bình lập lại, người Bh’noong từ trên núi cao trở về lại Khâm Đức, lập nên thị trấn như bây giờ. Rồi đường Hồ Chí Minh được đầu tư mở rộng, thảm nhựa kiên cố, góp thêm vẻ đẹp tươi mới cho một Phước Sơn của thời hiện đại. “Có đường, chính quyền địa phương tính đến chuyện quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư trên mặt bằng mới dọc theo trục. Cũng từ trục đường chính này, nhiều tuyến đường mới tại thị trấn Khâm Đức được quy hoạch mở rộng, đáp ứng với yêu cầu của một trung tâm hành chính huyện, hướng đến giấc mơ trở thành thị xã đầu tiên của miền núi trên địa bàn tỉnh” - ông Điều cho hay.
Trong ký ức của nhiều cụ già vùng cao, đường Hồ Chí Minh ngày trước luôn gắn với mồ hôi, xương máu của quân và dân, cùng dồn sức cho kháng chiến trường kỳ. Gian khổ, hiểm nguy nhưng tuyến đường huyết mạch luôn được thông suốt, là công sức sau bao năm tháng xẻ núi, mở đường. Ngày nay, con đường trở thành hành lang kinh tế, với những khát vọng vươn cao và chiến lược phát triển mới, hình thành nên những “khu phố” giữa đại ngàn. Như P’rao, như Thạnh Mỹ, như Khâm Đức,… những cái tên đã và đang gắn liền với sự phát triển của miền núi, trỗi dậy bằng chính nội lực và tiềm năng, kết nối theo trục đường Hồ Chí Minh. Bởi thế, nhiều người tin rằng, vóc dáng đô thị ở vùng cao là có thể hiện thực, mà điểm khởi nguồn chính từ con đường mang tên Bác.
THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC