Theo dòng nước đi xa

VÕ ĐÌNH NIÊN 25/03/2017 08:56

Chuyện cũ
Phú Ninh ra đời gắn với nhiều giai thoại nhưng rất ít người được biết. Lúc bấy giờ, hồ sơ kỹ thuật thu thập được từ chế độ cũ và tài liệu nghiên cứu lại ít ỏi, hoàn cảnh kinh tế đất nước đầy khó khăn, lại có không ít ý kiến lo ngại tài nguyên khoáng sản quý giá sẽ bị chôn vùi trong lòng hồ (mỏ đồng, nguồn nước khoáng..), thậm chí nghi ngờ khả năng giữ nước của hồ. Trong bối cảnh đó, để thuyết phục Trung ương ủng hộ, quyết định đầu tư một “đại” công trình là vấn đề  không đơn giản.

Nước hồ Phú Ninh theo kênh Chính Bắc về tưới mát ruộng đồng.
Nước hồ Phú Ninh theo kênh Chính Bắc về tưới mát ruộng đồng.

Bằng quyết tâm chính trị kể cả “thế chấp” trách nhiệm cá nhân, niềm tin vào sức mạnh, ý chí “trung dũng kiên cường” của người dân và giải pháp thực tế táo bạo đầy sáng tạo, các nhà lãnh đạo chủ chốt của tỉnh lúc bấy giờ đã kiên trì, thuyết phục. Mặc dù vấp phải nhiều trở ngại, cuối cùng chủ trương xây dựng công trình Phú Ninh cũng đã được Trung ương đồng thuận và có lẽ chưa có công trình nào hoàn thành các thủ tục đầu tư và triển khai thi công trong khoảng thời gian kỷ lục như công trình Phú Ninh.

Đảm bảo an ninh lương thực
Trước đây, khi chưa có hồ Phú Ninh, cả tỉnh chỉ sản xuất được gần 3.000ha chủ yếu bằng nước trời; năng suất lúa bấp bênh, không ổn định, chỉ đạt từ 2 tấn/ha/năm  đến 2,5 tấn/ha/năm. Sau khi có nguồn nước tưới chủ động  từ hồ Phú Ninh, diện tích sản xuất đã tăng lên gần 12.000ha. Nhờ có nước, các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp được áp dụng và từ đó năng suất lúa đã tăng vượt bậc, bình quân đạt 55 tạ/ha đến 60 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng lương thực cả tỉnh từ 21 vạn tấn năm 1976 đã tăng lên 52,5 vạn tấn, tăng 2,6 lần so với năm 1976. Từ một tỉnh đói kém, thiếu lương thực đã tự túc được lương thực và có đóng góp một phần cho trung ương.
Trong vòng 20 năm gần đây, diện tích tưới tiêu không chỉ được bảo đảm mà ngày càng được mở rộng. Đến  2017, hồ Phú Ninh đã cấp nước tưới hơn 24.000ha,  gần gấp đôi so với năm 1983, chiếm 31,1% diện tích được tưới bằng công trình thủy lợi trên toàn tỉnh  (77. 323ha ), năng suất lúa bình quân đạt 60 - 65 tạ/ha, có nơi đạt 70 tạ/ha.

Cách đây 15 năm - năm 2002, trong lễ kỷ niệm ngày khởi công công trình đại thủy nông Phú Ninh, ông Phạm Đức Nam (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) kể lại ý chí quyết tâm, sự sáng tạo không kém phần “mạo hiểm” của cá nhân ông và tập thể lãnh đạo từ khâu đề ra chủ trương đến tổ chức thực hiện. Qua đó đã nhấn mạnh bài học về sự vận dụng sức mạnh tổng hợp: Trung ương và địa phương - Nhà nước và nhân dân, trong đó quan trọng nhất là sức dân trong việc tổ chức thi công công trình phú Ninh ở thời kỳ khó khăn này.  

Lại thêm một chuyện, sau ngày tái lập, đưa tỉnh lỵ Quảng Nam về Tam Kỳ, một vài người trong giới chuyên môn ở Trung ương vẫn không khỏi lo lắng về tính an toàn của tỉnh lỵ  bởi chỉ cách hồ Phú Ninh gần 7km. Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Giám đốc Sở Thủy lợi Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), vốn là chuyên gia trong ngành đã đồng cảm, chia sẻ với những băn khoăn đó song cũng bày tỏ sự an tâm bởi với sự tiến bộ của khoa học công nghệ ngày nay, vấn đề ổn định, bền vững công trình Phú Ninh, cũng như nhiều công trình khác trên thế giới có vị trí đặc thù tương tự, hoàn toàn có khả năng giải quyết được.

Với suy nghĩ ấy, trong trận lũ lịch sử tại hồ Phú Ninh năm 1999 để bảo vệ khu vực dân cư hạ lưu ông đã có quyết định kịp thời, phù hợp và việc đề xuất xây dựng thêm tràn xả lũ số 3 sau trận lũ đó không chỉ giúp công trình thêm an toàn mà còn tăng tính chủ động cho người quản lý, vận hành công trình trong mùa mưa lũ.

Những câu chuyện bên lề liên quan đến việc xây dựng, quản lý hồ Phú Ninh năm xưa không chỉ là kỷ niệm mà còn là những bài học kinh nghiệm đáng lưu tâm.

Hò hẹn mới

Từ khi xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, đến nay công trình đã được đầu tư nâng cấp nhiều lần; các hạng mục đập chính, đập phụ và các công trình đầu mối khác đã được sửa chữa nâng cấp, mở rộng. Đã có hơn 100/ 350km chiều dài kênh mương các loại  và hơn 120 công trình tưới tiêu được kiên cố.

Sắp đến, vào năm 2018, trong khuôn khổ Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới do Ngân hàng Thế giới tài trợ (Dự án WB7), kênh N30 và cầu máng vượt sông Bà Rén về tưới trực tiếp cho các xã Duy Phước, thị trấn Nam Phước thay thế cho trạm bơm Xuyên Đông (Duy Xuyên) do thường xuyên bị nhiễm mặn sẽ mở rộng khu tưới phía nam của hồ  Phú Ninh  thêm 500ha đất canh tác.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam những năm qua đã làm tốt công tác vận hành, điều tiết tưới tiêu, phòng chống lũ, bảo đảm an toàn công trình cho hồ Phú Ninh. Tuy nhiên, mức độ khai thác tổng hợp của hồ Phú Ninh hiện nay còn hạn chế, đặc biệt lượng nước sử dụng cho công nghiệp và khai thác du lịch sinh thái lòng hồ hầu như không đáng kể. Trong tương lai, để nâng cao hiệu quả khai thác hồ, sẽ phải phát triển theo hướng phục vụ đa mục tiêu, không chỉ phục vụ cho nông nghiệp mà còn đáp ứng nhu cầu dùng nước cho các ngành kinh tế khác. Dự kiến, đến năm 2020 Dự án BOO Phú Ninh ra đời sẽ là nguồn nước chủ lực cung cấp cho công nghiệp khu vực phía nam bao gồm cả Khu kinh tế mở Chu Lai với công suất 20.000m3/ngày - đêm, và sẽ lên đến 100.000m3/ngày - đêm giai đoạn 2020 - 2030, bảo đảm nguồn nước ổn định cho công nghiệp phát triển.

VÕ ĐÌNH NIÊN

(Chủ tịch HĐTV Công ty Thủy lợi Quảng Nam)

VÕ ĐÌNH NIÊN