Sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Trump bị chặn
Sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây tranh cãi vừa bị ngăn chặn, vô hiệu hóa.
Tối 15.3 (theo giờ Mỹ), Derrick Watson - một thẩm phán liên bang ở bang Hawaii ngăn chặn việc thi hành lệnh cấm di dân mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ trước vài giờ sắc lệnh này chính thức có hiệu lực (16.3). Sắc lệnh di trú mới của chính quyền Tổng thống Trump cấm tất cả người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong vòng 120 ngày, đồng thời cấm công dân từ 6 quốc gia Hồi giáo bao gồm Iran, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen được phép vào Mỹ trong vòng 90 ngày, kể từ ngày sắc lệnh được ban hành. Tuy nhiên khác với sắc lệnh ông Trump ký trước đó, những công dân nếu có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ (tức là sở hữu thẻ Xanh) và những người hiện có thị thực hợp lệ không bị ảnh hưởng theo sắc lệnh mới này.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh di trú mới nhưng nay đã bị “vô hiệu hóa”. |
Lý do mà thẩm phán Derrick Watson đưa ra quyết định của mình là sắc lệnh nhập cư mới có nội dung phân biệt tôn giáo, vi phạm Hiến pháp Mỹ. Điều này khiến cư dân của tiểu bang không thể gặp người thân từ 6 quốc gia có đa số dân Hồi giáo nằm trong trong danh sách bị cấm. Không những làm tổn thương nghiêm trọng đối với người Hồi giáo tại Hawaii, sắc lệnh còn gây ảnh hưởng đến việc thu hút sinh viên và người lao động nước ngoài, khách du lịch, ngăn cản phát triển kinh tế của tiểu bang.
Phán quyết của thẩm phán Hawaii được xem như một thất bại pháp lý nữa của chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời có thể khởi đầu cho một cuộc chiến pháp lý kéo dài về chính sách nhập cư. Trước đó, sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump (đối với 7 quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iraq) được ký vào ngày 28.1 nhưng sau đó bị thẩm phán liên bang Mỹ là James Robart ở bang Seattle chặn lại trước khi có hiệu lực, từng gây xôn xao dư luận thế giới. Lệnh cấm này bị hủy bỏ sau khi bang Washington giành chiến thắng trong vụ kiện yêu cầu tòa án liên bang ban hành một sắc lệnh trên toàn quốc ngăn chặn việc thực thi lệnh hạn chế nhập cư.
Trong phản ứng đầu tiên, Tổng thống Trump cho rằng phán quyết của luật sư Hawaii là một sự vi phạm luật pháp chưa từng có tiền lệ và tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện bằng mọi cách, bao gồm cả việc đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao. Tổng thống Mỹ lập luận và bảo vệ rằng sắc lệnh mới chỉ có mục đích duy nhất là bảo vệ nước Mỹ khỏi sự xâm nhập của những phần tử thánh chiến. Theo các chuyên gia phân tích, quyết định của bang Hawaii có thể trở thành tiền lệ để các bang khác làm theo trong bối cảnh Hawaii không phải là tiểu bang duy nhất muốn kháng quyết định cấm nhập cư mới của Tổng thống Mỹ. Thị trưởng New York, Bill De Blasio từng tuyên bố: “Tại New York - thành phố lớn an toàn nhất của Mỹ - chúng tôi sẽ luôn bảo vệ những người đến đây, không phân biệt họ đến từ đâu hoặc khi nào”. Trước đó, 134 cựu quan chức và chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ đã ký tên bác bỏ sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump và một số bang khác cũng có ý định nộp đơn phản đối sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Trump mà họ cho rằng nội dung vẫn là “bình mới, rượu cũ”, phân biệt và kỳ thị.
QUỐC HƯNG