Những bông hoa giữa đời thường

ANH ĐÔNG - MINH TÂM 14/03/2017 08:49

Mỗi người một việc, một hoàn cảnh nhưng tựu trung họ đều giống nhau ở sự rắn rỏi, cần mẫn, xứng đáng là những “bông hoa” giữa đời thường cần được tôn vinh.

Chị Mười hòa giải

Là thành viên tổ hòa giải ở địa phương, chị Lê Thị Mười ở thôn Tứ Trung 2, xã Quế Lâm, Nông Sơn đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết xích mích, mâu thuẫn láng giềng, vợ chồng...

Chị Lê Thị Mười (bên trái, ở thôn Tứ Trung 2, xã Quế Lâm,  Nông Sơn) thường hay đến tìm hiểu về cuộc sống gia đình của chị em nhằm kịp thời chia sẻ động viên.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Lê Thị Mười (bên trái, ở thôn Tứ Trung 2, xã Quế Lâm, Nông Sơn) thường hay đến tìm hiểu về cuộc sống gia đình của chị em nhằm kịp thời chia sẻ động viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyện xảy ra cách đây chưa đầy một năm giữa gia đình 2 anh em ruột. Người anh là T.V.T. và em là T.V.I. Hai anh em được cha mẹ chia cho mỗi người ít đất gần bờ sông để trồng trọt. Nhà anh trồng bắp, nhà em trồng rau. Khi anh I. đi thăm đồng thấy nhà người anh trồng bắp lấn sang đất của mình, sẵn trước đó đã có vài mâu thuẫn nên người em nhổ bắp của người anh vứt xuống sông. Anh T. phát hiện thấy bắp nhà mình bị nhổ, hỏi vợ mới biết người em nhổ bắp của mình. Tức giận, anh và vợ mang rựa ra cào hết rau màu của nhà người em đổ xuống sông. Sự việc này như “giọt nước tràn ly”, khiến mâu thuẫn đến đỉnh điểm, hai anh em ruột đánh nhau, hai chị em dâu cũng xảy ra xô xát. Sau khi sự việc xảy ra, người anh viết đơn kiện, đòi gia đình người em bồi thường thiệt hại cho gia đình mình. Thời điểm đó, công việc đồng áng bận rộn nhưng mấy đêm liền, chị Mười và các thành viên tổ hòa giải đã đến nhà 2 anh em ruột để nói chuyện phải trái và khuyên can. “Sau nhiều lần đến khuyên ngăn, hòa giải, cuối cùng hai anh em họ đã hiểu ra, đến nay đã đối xử với nhau hòa thuận. Nhất là hai chị em dâu cũng không còn điều tiếng với nhau nữa, đến ngày giỗ tết, cùng nhau toan tính, lo lắng chuyện ông bà” - chị Mười kể.

Hay như chuyện của anh L.V.P. phát hiện vợ mình là chị H.T.L. âm thầm lấy 5 phân vàng cưới gửi cho mẹ ruột trả nợ giùm mình. Khi biết chuyện, anh P. không còn tin tưởng vợ nên bắt đầu quản lý tài chính gia đình, mọi chi tiêu trong nhà chị phải ghi vào sổ rõ ràng để anh kiểm tra. Sự khắt khe của chồng khiến không khí gia đình căng thẳng, tình cảm dần rạn nứt. Trong một lần quá ức chế, chị lớn tiếng với anh, lập tức, anh vả vào miệng chị. Sau đó chị làm đơn ly dị. Chuyện đến tai hàng xóm, trong đó có chị Mười. Chị Mười cho biết: “Những trường hợp như vậy rất khó để mình tiếp cận, khuyên giải, vì đó là chuyện tế nhị của gia đình họ.

Vì thế, muốn hòa giải thành công, phải am hiểu tường tận câu chuyện. Là phụ nữ, mình có thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tâm lý, chia sẻ những điều khó nói. Vì vậy, khi tham gia hòa giải những vụ mâu thuẫn vợ chồng, tôi thường dành nhiều thời gian tâm sự cùng với chị em để tìm ra nguyên nhân, giúp vợ chồng bỏ qua bất hòa, nối lại tình cảm”. Tin vui cho chị và tổ hòa giải là sau thời gian khó khăn tìm hiểu, động viên, vợ chồng anh P. đã hiểu và thông cảm cho lỗi lầm của nhau. Đến nay, vợ chồng vui vẻ làm ăn, nuôi dạy con cái. Đặc biệt, vợ anh H. đã bớt rụt rè, sôi nổi tham gia các hoạt động cộng đồng của thôn xóm.

Anh Lê Văn Sanh - Trưởng thôn Tứ Trung 2 chia sẻ: “Chị Mười là gương điển hình về công tác hòa giải ở cơ sở, tham gia cùng lúc công tác phụ nữ của thôn, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số và trẻ em. Năm 2016, tổ hòa giải của thôn đã hòa giải thành công 10 vụ việc tranh chấp xảy ra, đạt tỷ lệ 100%, thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của chị Mười”.

Người phụ nữ can đảm

Đó là chị Phan Thị Vân - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối phố Hoài Phô (phường Cẩm Phô, TP.Hội An). Dù đã bước qua tuổi trung niên nhưng chị Vân vẫn giữ được dáng vóc nhanh nhẹn, hoạt bát. Chị được biết đến là phụ nữ “2 giỏi”, vừa chăm sóc gia đình chu đáo, chăm chỉ lao động, vừa nhiệt tình với công tác hội. Từ lâu, chị em phụ nữ khối Hoài Phô đã xem chị Vân như một “địa chỉ tin cậy” để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ buồn vui và khó khăn trong cuộc sống.

Không chỉ hết mình vì phong trào, chị Vân còn được biết là người trung thực thẳng ngay, căm ghét sự lừa lọc, dối trá. Chị luôn dũng cảm, đi đầu đấu tranh với nạn chặt chém khách du lịch. Phía sau những câu chuyện chân chất, mộc mạc mà chị kể là cả một tấm lòng rất đáng trân trọng. Chị kể, có lần đang ngồi hàng nước vỉa hè, vô tình chị nhìn thấy một ông Tây hỏi mua ký chôm chôm của người bán hàng rong. Có lẽ do chưa quen với giá cả và cách sử dụng tiền Việt nên vị khách lúng lúng rồi rút tờ 500 nghìn đồng ra đưa cho chị bán hoa quả. Chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, chị Vân không thể làm ngơ, chị lao ra bắt chị hàng rong phải thối trả tiền thừa cho khách. Lần khác, chị Vân chứng kiến mấy người thanh niên người nước ngoài đang nhìn ngắm gánh trái cây và định giơ máy ảnh lên chụp, chị bán trái cây chìa ngay đôi gánh đặt lên vai du khách. Khi cả nhóm vui vẻ cảm ơn và bước đi thì chị bán trái cây ngăn lại đòi tiền phí thuê quang gánh và nón lá để chụp ảnh. Thấy vậy, chị Vân lại lên tiếng vì rõ ràng chị bán trái cây tự đặt đôi gánh lên vai khách, tự cởi nón lá đội lên cho khách, hoàn toàn không nói giá trước cũng không giới thiệu rõ đây là dịch vụ chụp hình thu phí.

“Nhìn thấy những sự việc ấy diễn ra trước mắt, biết rằng có thể bị ai đó thù ghét nhưng mình không thể làm ngơ. Hội An muốn đẹp trong mắt du khách thì cần phải trung thực, thân thiện và mến khách, tuyệt đối không có chỗ cho sự lừa lọc, gian dối” - chị Vân chia sẻ. Có người còn cho biết, chị Vân đã từng trả lại gần 6 triệu đồng cho một du khách nước ngoài khi họ thanh toán thừa số tiền trong hóa đơn vì không quen dùng tiền Việt.

Vượt khó thoát nghèo

Chị Trần Thị Lại ở thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh, Phú Ninh là một phụ nữ điển hình trong vượt khó thoát nghèo. Thôn Đàn Thượng có nhiều hộ dân theo các tôn giáo khác nhau. Người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, thu nhập bấp bênh. Trong 65 hộ theo đạo thì chị Trần Thị Lại là hộ nghèo, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Năm 2000, chị xây dựng gia đình nhưng chỉ mấy năm sau đó, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời, khi chị vừa sinh con trai thứ 2. Chưa đến 30 tuổi, chị đã vừa phải làm cha vừa làm mẹ 2 đứa con trai nhỏ. Mất đi người chồng là trụ cột gia đình khiến chị hụt hẫng, chán nản, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nhìn 2 đứa con thơ dại chị phải gắng gượng đứng dậy. Đất đai ít nên chị phải đi làm thuê, làm mướn sớm hôm để lấy tiền nuôi các con. Ai thuê gì chị cũng làm nhưng tiền công chẳng đáng là bao, khó khăn chồng chất khó khăn khiến cho gia đình chị trở thành diện nghèo nhất nhì trong thôn.

Chị Lại chia sẻ: “Biết hoàn cảnh mình khó khăn nhưng cứ nghĩ đến cái nghèo là tôi thấy xấu hổ. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì trăn trở, suy tính làm sao để cái nghèo không còn đeo bám, để có tiền nuôi các con ăn học bằng người. Tôi đã xác định, mình là trụ cột gia đình, là chỗ dựa duy nhất của hai con nên phải cố gắng nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác”. Suy nghĩ thế nào chị làm thế ấy. Năm 2013, được Hội LHPN xã nhận trợ giúp chị vươn lên thoát nghèo bằng cách hỗ trợ trao phương tiện sinh kế với số tiền 11 triệu đồng, cùng với số vốn tích góp được, chị mua con bò giống sinh sản trị giá 16 triệu đồng. Chị đã mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo để hưởng cơ chế 119 của HĐND tỉnh, với số tiền được hỗ trợ 5 triệu đồng để làm chuồng bò. Nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi chăn nuôi, đến nay con bò của gia đình chị đã sinh được 2 con bê con. Cùng với số tiền tích cóp và vay mượn đến nay, chị đã làm được ngôi nhà mới sạch sẽ khang trang. Thương mẹ vất vả nên các con chị rất ngoan ngoãn, học giỏi, chăm chỉ giúp đỡ mẹ việc nhà.  

Thấu hiểu cái nghèo khó nên chị luôn dành sự sẻ chia, cảm thông đối với những chị em nghèo khác. Chị là một hội viên tôn giáo nòng cốt tích cực trong việc tuyên truyền vận động những hội viên có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ những chị em phụ nữ nghèo để vươn lên thoát nghèo và vận động chị em luôn sống tốt đời đẹp đạo; luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình với chị em để giúp chị em phát triển kinh tế gia đình. Sự nhiệt tình trách nhiệm của chị đối với phong trào hội luôn được chị em ghi nhận, tin yêu, quý mến. Hàng năm, chị đều đạt danh hiệu hội viên xuất sắc, đạt gia đình văn hóa.

ANH ĐÔNG - MINH TÂM

ANH ĐÔNG - MINH TÂM