Hoạt động nhỏ, hiệu ứng lớn
Thay vì tổ chức thật “hoành tráng” nhưng ôm đồm và... loãng, một số hoạt động văn học, nghệ thuật gần đây đã được thực hiện theo hướng tinh gọn, chuyên sâu và sáng tạo hơn.
Tinh gọn nhưng độc và lạ, nhiều hoạt động VHNT gần đây đã tạo được những hiệu ứng nghệ thuật tích cực. Trong ảnh: Một cảnh trong vở diễn ngắn “Thủ Thiệm ở chợ Được”. Ảnh: B.ANH |
Lạ và “độc”
Những ngày giữa tháng 2 vừa rồi, tại Hội An đã diễn ra một triển lãm đặc biệt mang tên “Góc nhỏ Hội An”, trưng bày 100 tác phẩm nhiếp ảnh và hội họa về cảnh đẹp và văn hóa cổ truyền Hội An của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông, Lê Trọng Khang, Võ Văn Phi Long (đều là hội viên Hội VHNT Quảng Nam) và các họa sĩ tự do Phạm Minh Đức, Nguyễn Như Đức, Nguyễn Như Pháp. Nói là “đặc biệt” không hẳn vì đây là triển lãm kép (vừa có tranh vừa có ảnh nghệ thuật) mà là ở ý tưởng và cách thức thể hiện. Đó là, để khắc họa nét đẹp của đô thị cổ Hội An, trước đó nhóm nghệ sĩ này đã làm việc cùng nhau, chọn ra những “góc nhìn” cụ thể về phố xá, cảnh vật, con người, sinh hoạt... của Hội An để sáng tác (chụp ảnh và vẽ). Từ đó, mỗi “góc nhìn” được chọn sẽ được thể hiện đồng thời qua một tác phẩm nhiếp ảnh và một tác phẩm hội họa. Ngoài ra, triển lãm này còn đặc biệt ở chỗ: không gian trưng bày hẹp, không đường bệ, hào nhoáng như thường thấy nhưng lại rất... mở với góc đường Bạch Đằng - Nguyễn Thái Học trong khu phố cổ Hội An. Trước đó, vào tháng 7 năm ngoái, cũng với một quy mô khá nhỏ, Hội VHNT tỉnh phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức một cuộc triển lãm với chủ đề “Văn nghệ sĩ kháng chiến khu V với Quảng Nam”. Chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày nhưng cuộc triển lãm chuyên đề này đã thu hút hàng trăm lượt người xem. Bên cạnh sự chân thật, sinh động, triển lãm này còn hấp dẫn vì có khá nhiều trong số khoảng 100 văn bản, tài liệu, tranh, ảnh, sách về các văn nghệ sĩ kháng chiến, của các văn nghệ sĩ kháng chiến khu V trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Quảng Nam được trưng bày hoặc là độc bản, hoặc là lần đầu tiên được công bố.
Một lĩnh vực khác tưởng chừng rất khó “làm mới” là sân khấu truyền thống, trong vài năm trở lại đây cũng đã có những cách làm sáng tạo, tạo cảm xúc thẩm mỹ mới mẻ cho người xem. Đó là, bên cạnh những vở diễn “hàn lâm” có thời lượng “chuẩn” khoảng 90 phút với nhiều lớp lang, Đoàn Ca kịch Quảng Nam - với nòng cốt là các hội viên Chi hội sân khấu trực thuộc Hội VHNT tỉnh, đã dàn dựng được một số vở diễn “bỏ túi”. Ngoài 2 vở dựng độc lập là “Đội kịch chim chèo bẻo” và “Quan làng xử kiện”, đơn vị nghệ thuật này còn có vở “Thủ Thiệm ở chợ Được” được “trích” từ vở lớn “Thủ Thiệm”. Với thời lượng không quá dài (trên dưới 40 phút) và số diễn viên không quá đông, các vở diễn ngắn này có tính “cơ động” cao vì có thể diễn ở bất cứ đâu, lại có thể làm “món khai vị” cho các hội nghị, hội thảo hoặc một số chương trình nghệ thuật khác.
Những hiệu ứng tích cực
Tuy có quy mô không lớn nhưng nhờ sự mới lạ và độc đáo, các hoạt động nghệ thuật như đã kể ở trên đều tạo được những hiệu ứng khá tích cực. Trong 3 vở diễn ngắn mà Chi hội Sân khấu dàn dựng, vở “Thủ Thiệm ở chợ Được” đã được diễn hàng chục lần, không chỉ ở Quảng Nam mà cả ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, và lần nào cũng được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Thậm chí, có một số địa phương trong tỉnh giữ “thông lệ” mỗi năm mời Đoàn Ca kịch của tỉnh về diễn phục vụ một lần và lần nào họ cũng yêu cầu “phải có vở Thủ Thiệm ở chợ Được”...
Còn với triển lãm “Góc nhỏ Hội An” vừa rồi, hiệu ứng thu được cũng hơn cả mong đợi. Nói về triển lãm này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông tỏ ra khiêm tốn, bảo đây chỉ là một cuộc chơi “bỏ túi” của những người đồng điệu và yêu Hội An. Nhưng trên thực tế, trong 5 ngày diễn ra triển lãm, đã có không dưới 1.000 lượt người ghé xem; hàng chục ý kiến ngợi khen đã được lưu lại trong sổ ghi cảm tưởng của triển lãm... Cũng vậy, tuy chỉ là triển lãm chuyên đề, không chủ đích hướng đến công chúng đại trà, thế nhưng trong những ngày diễn ra triển lãm “Văn nghệ sĩ kháng chiến khu V với Quảng Nam”, đã có khá nhiều học sinh, sinh viên, công chức đến xem. Đặc biệt, triển lãm đã tạo nên sự ngạc nhiên, thích thú và “lấy được nước mắt” của nhiều người. Đến dự triển lãm, nhà điêu khắc Phạm Hồng - một trong những nghệ sĩ có tác phẩm và hình ảnh, tư liệu cá nhân được đưa ra trưng bày, đã rơm rớm nước mắt, nói: “Tôi như nhìn thấy lại đồng đội, đồng chí của tôi và chính tôi của những năm tuổi trẻ say sưa và nhiều hoài bão...”. Bà Huỳnh Thị Tuyết - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì nhận xét: “Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về chiến tranh, về hoạt động của các văn nghệ sĩ kháng chiến nhưng khi xem những hình ảnh, tư liệu ở đây, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Không ngờ là có những câu chuyện, sự việc “thật” đến như thế!”.
BẢO ANH