Bất cập khai thác cát vùng giáp ranh
Do đặc thù sông Yên chảy qua nhiều xã thuộc các địa bàn Đại Lộc, Điện Bàn và Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) nên việc quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép nơi đây gặp nhiều bất cập dẫn đến thất thoát tài nguyên.
Do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các xã vùng giáp ranh sông Yên nên rất khó kiểm soát phương tiện hút cát lậu.Ảnh: QUỐC TUẤN |
Khó quản lý
Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Hiệp, Đại Lộc, chỉ có một doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Phương Đông được UBND tỉnh cấp phép vào tháng 7.2015 về khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại phạm vi bãi bồi với diện tích khoảng 1,12ha. Vào cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh đã ra quyết định yêu cầu Công ty TNHH MTV Nhuận Phước tạm dừng các hoạt động tại thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp do không đảm bảo các yêu cầu trong khai thác và vận chuyển. Trước đây, tình trạng bên lở, bên bồi ở sông Yên đã diễn ra nên việc cho phép doanh nghiệp khai thác cát ở bờ tây (tức bên bồi) phía xã Đại Hiệp được kỳ vọng sẽ chỉnh trị dòng chảy, giảm thiểu tình trạng sạt lở. Tuy nhiên tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng bởi ngoài doanh nghiệp được cấp phép vào ban ngày còn có nhiều ghe hút cát khác hoạt động trái phép liên tục ở phía bờ đông, nhất là vào ban đêm.
Mới đây nhất, vào tối 26.2.2017, trên lưu vực sông Yên đoạn chảy qua thôn Diệm Sơn 2 (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn), lực lượng chức năng xã Điện Tiến đã bắt quả tang ghe của ông Huỳnh Văn Ngọc (trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) đang hút trộm cát với khối lượng khoảng 25m3. Qua khai thác, đối tượng khai nhận lượng cát sau khi hút trộm xong sẽ chở đến ba-ra An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bán lại với giá 14 nghìn đồng/m3. Sau khi lập biên bản, lực lượng chức năng xã Điện Tiến đã chuyển hồ sơ lên Công an thị xã Điện Bàn và xử phạt hành chính 35 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Công an xã Điện Tiến cho biết, đó chỉ là một trường hợp bị bắt quả tang trong hàng chục lần đẩy đuổi của lực lượng chức năng xã Điện Tiến trong khoảng một năm qua.
Theo quan sát của phóng viên Báo Quảng Nam hơn 1km chạy dọc ven sông thuộc 7 thôn của xã Điện Tiến và Điện Hồng bị sạt lở nghiêm trọng, một số bụi tre đã bị cuốn xuống sông, hàng loạt bụi tre khác mấp mé dòng chảy, nhiều đoạn nước sông ăn sâu vào đất liền ảnh hưởng đến việc trồng trọt hoa màu của người dân. Ông Nguyễn Văn Trực (trú thôn Lạc Thành Tây, xã Điện Hồng) bộc bạch, gia đình cũng như nhiều hộ dân khác trồng hoa màu dọc ven sông đã mất nhiều sào đất vì sạt lở, nhiều lúc đang canh tác dù thấy ghe hút cát lậu nhưng cũng không dám phản ứng mạnh bởi sợ vạ lây.
Cần vào cuộc quyết liệt
Hiện tại, dọc tuyến sông Yên ở vùng giáp ranh này có 3 đề-pô cát với 2 điểm nằm ở xã Đại Hiệp (Đại Lộc) và 1 điểm nằm ở xã Hòa Tiến (Hòa Vang). Trước đây còn có 2 đề-pô khác nằm ở xã Điện Hồng và Điện Tiến, tuy nhiên do sự đẩy đuổi quyết liệt của các lực lượng chức năng địa phương đối với các tàu thuyền khai thác chui nên các đề-pô dần dần “đói” cát và phải dẹp bỏ. Được biết, trước đây đề-pô cát nằm ở khu vực ba-ra An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) đã bị tạm dừng cấp giấy phép hoạt động nhưng mới đây lại tiếp tục được TP. Đà Nẵng cấp giấy phép mới. Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Tiến nói: “Việc đề ra một bộ quy tắc yêu cầu chủ đề-pô phải mua cát có giấy tờ khai thác hợp lệ từ các mỏ cát là cần thiết, nếu thực hiện được việc này sẽ giúp hạn chế việc khai thác cát lậu, nếu không ghe hút cát chui cứ bị phát hiện lại chạy ra vùng giáp ranh rồi ung dung đem bán cứ tiếp diễn”.
Một đoạn bờ đông sông Yên thuộc thôn Lạc Thành Tây, xã Điện Hồng bị sạt lở nặng. |
Trước đây, các tàu khai thác chui chỉ có trọng lượng khoảng 20 - 30m3, tuy nhiên thời gian gần đây các đối tượng đã trang bị tàu tải trọng từ 60 - 100m3³ để gia tăng khả năng khai thác. Cơ quan công an của các xã chính là lực lượng túc trực thường xuyên nhất để tham gia đẩy đuổi các phương tiện vi phạm, nhưng cái khó của lực lượng này chính là công cụ rất hạn chế và không có đủ thẩm quyền để xử lý mạnh tay. Đơn cử như với lực lượng Công an xã Điện Tiến, dù không ít lần chứng kiến các ghe chở cát phần lớn hoạt động bất hợp pháp, ngang nhiên di chuyển qua lưu vực sông trên địa bàn xã để tiêu thụ nhưng cũng đành bất lực bởi không có quyền dừng phương tiện để kiểm tra. Hay như vào năm 2016, nhiều lần các công an viên Điện Tiến chới với giữa dòng sông khi đối tượng bị bắt khóa ghe bỏ chạy hoặc xả nước vào để nhấn chìm cả cát lẫn lực lượng chức năng rồi nhảy sang ghe khác bỏ trốn.
Trong tháng 1.2017 vừa qua, Sở TN-MT chủ trì cuộc họp cùng với chính quyền thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc nhằm tìm biện pháp giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Yên thuộc địa bàn 2 xã Điện Hồng và Điện Tiến. Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, sau cuộc họp UBND thị xã đã tiến hành cấp kinh phí xây dựng thêm chốt canh gác mới ở Điện Hồng để kiểm soát tình trạng khai thác cát lậu. Về phía xã Đại Hiệp, UBND xã mới có phương án lập trạm chốt chặn tại thôn Phú Mỹ và đang trình UBND huyện Đại Lộc chờ thông qua. Vì thế đến nay vẫn chưa có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để ngăn chặn triệt để tình trạng này, nhất là việc phối hợp tuần tra giữa lực lượng an ninh 3 xã Đại Hiệp, Điện Hồng và Điện Tiến. Đối với cấp xã, mỗi lần bắt được cũng chỉ xử phạt hành chính qua loa với các khoản tiền hạn chế khiến các đối tượng vi phạm không chùn tay.
QUỐC TUẤN