Những phụ nữ đặc biệt

LÊ HIỀN 08/03/2017 08:43

Chúng tôi gọi họ là “những phụ nữ đặc biệt”, bởi có công việc vốn đặc thù chỉ phù hợp với đàn ông sức dài vai rộng, lại “vận” vào phái yếu; thậm chí có chị mang cả cái khí khái như đàn ông… để sống tốt với mình, với đời.

ĐÀN BÀ ĐI BIỂN

Nhiều cặp vợ chồng ở thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) hàng ngày vẫn đi bạn cùng nhau mưu sinh trên biển. Với những phụ nữ này, đó là nghề đi sóng, đi gió và lắm chênh vênh…

Nghề đi sóng, đi gió

Thôn Bãi Hương cách trung tâm xã Tân Hiệp (TP.Hội An) khoảng 6 cây số đường bộ. Nơi đây, hàng ngày, những phụ nữ chân yếu tay mềm vẫn còn phải làm nghề biển - một nghề nặng nhọc, chủ yếu dành cho đàn ông.

Chị Trần Thị Mai thôn Bãi Hương xã Tân Hiệp (TP Hội An) khiêng ngư cụ và đi biển cùng chồng. Ảnh: L.H
Chị Trần Thị Mai thôn Bãi Hương xã Tân Hiệp (TP Hội An) khiêng ngư cụ và đi biển cùng chồng. Ảnh: L.H

Bốn giờ chiều, trời yên biển lặng, ở thôn Bãi Hương, những phụ nữ trung niên vội vã cùng chồng chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển chính trong ngày. Cũng như các hộ khác, hai vợ chồng chị Trần Thị Mai và anh Nguyễn Văn Thế khiêng chiếc thúng chai nặng trịch ra rìa mép sóng rồi lại trở vào bờ khiêng tiếp vàng lưới bỏ vào thúng. Chị Mai vóc dáng to khỏe nhưng cũng phải ì ạch khiêng ngư cụ chuẩn bị cho chuyến thả lưới. Từ trước đến giờ, chị Mai luôn là bạn đi biển với anh Thế. Bấy lâu nay, nghề biển là sinh kế duy nhất để gia đình chị đảm bảo đời sống, lo liệu, nuôi con ăn học. Khi con cái trưởng thành vào đất liền làm ăn, vợ chồng chị Mai vẫn ở lại trên đảo, sớm tối có nhau. Tròng trành trên chiếc thúng chai, chị Mai nói: “Đều đặn bốn giờ sáng dậy đi biển với chồng, bủa lưới, kéo lưới. Bảy tám giờ về, tát nước, kéo neo. Toàn việc của đàn ông”.

Tương tự như vậy, bao năm qua chị Tạ Thị Út ở thôn Bãi Hương cũng là người bạn đi biển của chồng. Mỗi chiều, vợ chồng chị đều đi thả lưới đến 8 giờ tối mới về. Bốn giờ sáng lại trở ra biển để thu lưới và gỡ cá mang về bán. Công việc nặng nhọc, ngày nào trúng thì anh chị thu nhập được vài ba trăm nghìn đồng, ngày kém thì dăm ba chục hoặc kiếm chút thức ăn cho gia đình. Chị còn nhớ, thời gian mới bắt đầu đi biển, chị cũng rất sợ, mà biển cả thì mênh mông. Thế nhưng lâu dần thành quen, vì miếng cơm manh áo, chị phải cùng chồng chia sẻ cuộc sống, bởi ngoài nghề biển, gia đình chị không còn sinh kế nào khác. Có nhiều buổi tối, thả lưới về trễ, chị không kịp coi ngó, nhắc nhở con cái học hành. Buổi sáng, sau khi hoàn thành việc đi biển, về đến nhà, chị Út lại bắt đầu công việc nội trợ. Dáng người nhỏ bé nhưng chị Út luôn đảm đang mọi việc, từ chăm con đến nấu nướng, giặt giũ, lau chùi nhà cửa. Chị chia sẻ: “Nội trợ cũng mình mà nghề biển cũng mình. Đàn bà đi biển mới thấu hết nỗi cực nhọc. Nghề ni đi sóng đi gió, giữ được cái thân đã là chuyện khó, huống hồ chuyện giữ da, giữ dáng như nhiều phụ nữ khác. Mà không đi biển, lên bờ chỉ có nước ngồi không”.

Khó chuyển đổi sinh kế

Hiện nay, ở thôn Bãi Hương có 98 hộ với 370 nhân khẩu, trong đó hầu hết là các cặp vợ chồng trung niên. Lao động trẻ gần như đều vào đất liền làm ăn sinh sống, không còn gắn bó với nghề biển. Trong thôn chỉ còn các cặp vợ chồng là bạn biển của nhau. Dù họ chỉ đi đánh bắt bằng phương tiện nhỏ như thúng, ghe ở quanh đảo nhưng do đặc thù của nghề nên chị em phụ nữ Bãi Hương vẫn phải đồng hành với chồng. Gần đây, du lịch phát triển, lượng khách đến Cù Lao Chàm tăng dần nhưng nhiều chị em chưa mạnh dạn rời biển lên bờ làm dịch vụ.

Lâu nay các chị vốn quen thuộc với nghề biển, lúc rảnh rỗi thì khâu vá lưới, thu vén công việc gia đình nên chưa dành nhiều thời gian để học kỹ năng phục vụ du lịch, chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và đặc biệt là ngoại ngữ để giao tiếp với du khách. Có chăng chỉ cũng bập bõm được một số từ phổ biến, chủ yếu giao tiếp với khách Trung Quốc. Thêm vào đó, hầu hết chuyến tham quan ra Bãi Hương đều được tổ chức “tốc hành”, trở về đất liền hoặc trung tâm xã Tân Hiệp ngay trong ngày nên các hoạt động dịch vụ tại đây chủ yếu chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Mức độ lưu trú, tiêu thụ, mua sắm tại thôn của du khách chưa nhiều. Trong khi, ngoài du lịch dịch vụ và nghề biển, các ngành nghề khác như nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Bãi Hương chưa thể mở rộng, phát triển. Đây cũng là nguyên nhân khiến các chị dù có muốn chuyển đổi sang một nghề nhẹ nhàng, ít cực nhọc và nguy hiểm hơn vẫn khó thực hiện.

Những năm gần đây, UBND xã Tân Hiệp và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã và đang có nhiều biện pháp khuyến khích cộng đồng cư dân địa phương, trong đó có các lao động nữ từng bước đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Xã đã hình thành một đội xe thồ tự quản, có rất nhiều phụ nữ tham gia, nhận chở khách tham quan trên đảo. Bà Nguyễn Thị Ngân Châu - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hiệp cho hay: “Hội đã định hướng cho các chi hội đẩy mạnh phong trào thi đua, trong đó ưu tiên phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Từ tiềm năng lợi thế của địa phương, các chi hội vận động chị em dần chuyển hướng, tranh thủ vào mùa du lịch chủ động tìm kiếm việc làm phù hợp, từ buôn bán kinh doanh hải sản, làm bún, làm bánh, hái rau rừng, lá lao đến làm việc tại các cơ sở lưu trú, kinh doanh. Qua các công việc này, các chị dần trang bị kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế du lịch dịch vụ, dần dần giảm bớt lao động nữ làm nghề biển, nhất là ở thôn Bãi Hương. Từ đó vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa đáp ứng xu hướng phát triển chung của địa phương”.

LÊ HIỀN

NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG
Từ những việc làm như tự nguyện thu gom rác thải, vận động xây cầu, làm đường, trợ giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn... hai nữ cán bộ cơ sở giàu tâm huyết: Nguyễn Thị Ba (thôn 6, Bình Dương, Thăng Bình), Đỗ Thị Năm (thôn Phú Lộc, xã Đại An, Đại Lộc) đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay vì sự đổi thay của làng quê.

1. Suốt 3 nhiệm kỳ đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 6, xã Bình Dương kiêm cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình, chỉ với chiếc xe đạp cũ, chị Nguyễn Thị Ba không quản ngại đi đầu thôn cuối xóm tuyên truyền về chính sách dân số, kêu gọi chị em chung tay góp sức đưa phong trào phụ nữ của thôn, của xã đi lên. Chị Ba sống bằng nghề sửa xe, nhiều hôm thấy bọn trẻ trong làng đi học hư xe giữa đường, có bận bịu tới mấy, chị cũng chẳng nề hà ngồi sửa giúp tụi nhỏ đến trường cho kịp giờ.

Chị Đỗ Thị Năm (giữa, áo sọc) miệt mài với công tác hội. Ảnh: M.P
Chị Đỗ Thị Năm (giữa, áo sọc) miệt mài với công tác hội. Ảnh: M.P

Có thời điểm, rác thải tràn ngập ra đường làng, khu dân cư cho tới ao hồ, đồng ruộng, xác súc vật chết không được chôn lấp, xử lý kỹ càng mà bị đem vứt ở bìa rừng, ao hồ khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Chị Ba và một vài chị em phụ nữ khác một mặt kêu gọi, tuyên truyền, một mặt cùng nhau thu gom rác thải, dùng xe bò kéo tới nơi thuận tiện để chôn lấp, đốt xa khu dân cư. Năm 2013, từ sự hỗ trợ tích cực của Hội Phụ nữ và UBND xã Bình Dương, tổ thu gom rác thải của chị Ba đã được trang bị thùng rác di động, có thể gắn vào xe gắn máy chở đi tới bãi tập kết để xe công ty môi trường tới thu gom thuận tiện hơn. Mô hình “Giỏ rác nhà ta, con đường tự quản” của phụ nữ thôn 6 có tác động lớn tới cộng đồng, nhiều thôn lân cận học tập và làm theo. Không chỉ thu gom rác trong làng, tổ còn thu gom rác ở chợ dân sinh và khu vực xung quanh công ty may của xã, nhờ đó môi trường khu dân cư, đường làng, chợ, công ty được xanh, sạch khiến người dân phấn khởi. “Cũng vì phong trào, vì cái chung hết chứ nếu nghĩ tới cái lợi thì sẽ không ai làm nổi đâu. Đáng mừng là phong trào đã đi vào nền nếp, ý thức người dân được nâng lên rõ rệt. Dù làng quê còn nghèo, còn khó, nhưng phải sống sạch sẽ, phải giữ cho môi trường được trong lành” - chị Ba tâm sự.

Năm nay, vì lý do sức khỏe, chị Ba thôi không còn làm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 6 nữa, chân đau, chị không thể thu gom rác thải, song sự nhiệt tình của chị là động lực để chị em phấn đấu vì việc chung. Ông Lê Văn Lúc (thôn 6, Bình Dương) cho hay, thứ hai hằng tuần đều có tổ thu gom rác đến thu gom rác từng nhà, từng khu dân cư. Nhiều người đã có ý thức bảo vệ môi trường chứ không xả rác bừa bãi như trước nữa. Việc làm nhỏ của chị vì cộng đồng song đã gieo nhân lành giữa cuộc đời.

2. Cô Đỗ Thị Năm (58 tuổi) - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đại An, Bí thư kiêm Trưởng thôn Phú Lộc là týp phụ nữ nói đi đôi với làm. Vốn sống đơn thân, cô Năm dành phần nhiều thời gian cho công việc và coi việc phục vụ cộng đồng là niềm vui. Hai mươi mốt năm là cán bộ thôn, xã, tham gia tốt các hoạt động phong trào, cô Năm luôn được mọi người tin yêu và bầu làm trưởng thôn năm 2015. Thực hiện theo phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin”, cô Năm luôn phối hợp với các đoàn thể địa phương tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới dân. Cô còn tìm hướng tạo công ăn việc làm, giúp đỡ chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Hai tổ/nhóm phụ nữ góp vốn quay vòng trong thôn được thành lập, nhằm tạo nguồn vốn giúp chị em đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi heo, gà. Từ nguồn vốn vay quay vòng này, chị em trong thôn có sinh kế thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống. Cụ thể, toàn thôn Phú Lộc có 178 hộ thì chỉ còn 6 hộ thuộc diện nghèo.

Cô Năm còn dốc sức vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường đường làng, cổng ngõ, góp sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã, cũng là đem lại mỹ quan cho làng hương Phú Lộc từng nổi tiếng xa gần. Nữ trưởng thôn Phú Lộc còn đứng ra vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, người con xa quê đóng góp kinh phí bê tông hóa 500m đường giao thông nông thôn. Năm 2013, nhận thấy cây cầu tre nối giữa thôn 10 (Đại Cường) và thôn Phú Lộc (Đại An) tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nữ trưởng thôn Đỗ Thị Năm nhiều lần họp dân để biểu quyết, xin ý kiến xã làm cầu phao, kêu gọi mạnh thường quân giúp bà con hai thôn có cây cầu để đi lại, sản xuất. Đồng thời vận động bà con hưởng ứng xây dựng tường rào, tu sửa nhà văn hóa thôn, đình làng, chung tay hưởng ứng phong trào “thắp sáng đường làng” Phú Lộc.

Ở cương vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, cô Năm còn chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên xã Đại An thành lập đội tình nguyện mỗi tháng hai lần thăm hỏi, động viên, chăm sóc người già neo đơn, Mẹ Việt Nam anh hùng của xã. Đồng thời sát cánh với những phụ nữ đau yếu, gặp hoàn cảnh không may trong cuộc sống. Điển hình như trường hợp chị Đỗ Thị Ba (47 tuổi, thôn Phú Lộc) có chồng mất cách đây 3 năm vì căn bệnh ung thư, gia cảnh khánh kiệt. Không chỉ động viên, thăm hỏi, cô Năm còn đưa hộ chị Ba vào diện đặc biệt khó khăn để được hưởng khoản vay vốn không lãi suất để có sinh kế vươn lên trong cuộc sống.

TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG

LÀM VIỆC NƠI CÔNG TRƯỜNG

Giữa công trường phần lớn là đàn ông, chị Hoàn, chị Hoài vẫn đảm nhận nhiều phần việc quan trọng, góp phần vào sự vận hành hiệu quả của Công ty CP Than - điện Nông Sơn.

Bén duyên vùng đất mỏ

Chúng tôi đi vào công trường gần giờ nghỉ ca trưa, đến xưởng sửa chữa, khói hàn khét lẹt với mùi dầu, mùi cháy của kim loại, ầm ầm tiếng ồn của cả công trường đang thực hiện các công đoạn sản xuất than. Và khi gặp chị Phan Thị Hoàn (SN 1972), nhìn nước da ngăm đen vì nắng và bụi than, đôi bàn tay lem luốc, chai sạn, chúng tôi càng khâm phục hơn nghị lực của người phụ nữ này. Tan ca, cởi bỏ đồ bảo hộ lao động dày cộm, rửa tay chân, chị tươi cười chia sẻ những vui buồn về tuổi đời, tuổi nghề ở đất mỏ Nông Sơn. Chị Hoàn quê gốc ở Nam Đàn, Nghệ An, năm 28 tuổi, trong một lần vào thăm gia đình anh chị ở đất mỏ Nông Sơn, rồi quyết định gắn bó cuộc đời mình với đất này. Năm 1993, chị xin làm công nhân ở mỏ và được đưa đi học tại Trường Công nhân kỹ thuật Thái Nguyên. Hỏi về duyên cớ đến với nghề hàn, chị Hoàn cười xòa: “Lúc đầu, cũng vì mưu sinh, mình phải chọn lấy một cái nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng dần dà, tôi thấy nghề hàn trở thành một phần cuộc sống, yêu nghề và quý nghề lúc nào không rõ”. Và giấy khen của Bộ trưởng Bộ Công thương cho công nhân tổ gò hàn có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2013 là cột mốc ghi dấu cho chặng đường nỗ lực trong nghề của chị.

Những phụ nữ đất mỏ. Ảnh: T.L
Những phụ nữ đất mỏ. Ảnh: T.L

Cũng như chị Hoàn, chị Đặng Thị Hoài (SN 1971) cũng từ miền Bắc theo ba mẹ về Nông Sơn lúc 8 tuổi. Chị tâm sự, ngày bé nhiều lần theo ba vào công trường khai thác, thấy mấy chú thợ điện sao mà giỏi thế. Nên từ đó hễ ba hỏi sau này lớn lên con thích nghề gì là chị nói ngay con sẽ làm thợ điện. Nghe con gái nói vậy, ba chị lại nghẹn ngào, phần vì tình yêu, muốn gắn bó với đất mỏ của ông đã truyền sang con gái, phần vì thương và lo cho con chọn theo nghề điện sẽ lắm gian truân. Thế nhưng bằng sự đam mê của mình, sau khi xin vào làm ở mỏ, năm 1992 chị Hoài đăng ký đi học nghề điện ở Trường Công nhân kỹ thuật Thái Nguyên. Sau 3 năm học tập, chị thêm yêu nghề điện và trở về công tác ở xưởng cơ - điện, nay là phân xưởng sửa chữa của công ty. Trong môi trường lao động vất vả và độc hại, hai người phụ nữ ấy đều nên duyên vợ chồng với những anh thợ mỏ chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Tổ ấm gia đình là cơ duyên và là động lực để hai chị gắn bó lâu dài với nghề.

Mê nghề

Ngày công ty đưa đi học ở Thái Nguyên, cùng khóa với chị Đặng Thị Hoài có 8 công nhân theo học ngành điện. Nhưng đến bây giờ chỉ còn mỗi chị gắn bó với nghề điện ở đất mỏ Nông Sơn. Với đặc thù công việc của phân xưởng sửa chữa, chị luôn sắp xếp công việc gia đình để có thể làm tăng ca bất cứ khi nào cần. Bởi sự cố máy móc đòi hỏi phải sửa chữa xong trong thời gian sớm nhất để dây chuyền sản xuất than được liên tục. “Những lúc gặp khó khăn tôi thường chọn cách giải quyết cho từng công việc cụ thể. Với những việc mình chưa chắc chắn có làm được không thì sẽ hỏi những người đi trước hoặc cùng với anh em trong tổ trao đổi để tìm ra cách làm tốt nhất” - chị Hoài nói.

Lúc mới đến công trường, bóng dáng hai chị như nhỏ bé trong không gian của xưởng với đồ bảo hộ trùm kín mặt mày. Thế nhưng theo chị Hoài thì làm việc trong xưởng “sướng” hơn nhiều so với việc ra ngoài trời để khắc phục sự cố xe cộ hư hỏng. Những lúc trưa nắng mà sự cố đột xuất thì dù thời tiết bên ngoài có lên 390C vẫn phải làm việc để đảm bảo tiến độ khai thác sản xuất. Trên là trời nắng, dưới là que hàn với sức nóng ngàn độ, nhưng với tinh thần làm việc hăng say chị và anh em trong tổ luôn hoàn thành công việc đúng tiến độ. Hiện nay, trong tổ hàn của xưởng sửa chữa có bốn công nhân, mỗi chị là nữ giới và là người có tuổi đời, tuổi nghề cao nhất. “Tuy là nữ, sức yếu và nghề hàn nặng nhọc nhưng mình có lợi thế là nhẫn nại, chịu khó nên luôn đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của công việc” - chị Hoàn chia sẻ thêm.

Bởi ngoài yêu cầu về sức khỏe, nghề hàn còn đòi hỏi kỹ thuật phải khéo léo. Để có được sản phẩm như ý thì người thợ phải biết ra nhiệt đúng độ, nghiêng que hàn vừa phải, cử tay đặt mối hàn, điều chỉnh dòng điện phù hợp với vật liệu hàn, nếu không mối hàn sẽ bị sùi, cháy… Và những kinh nghiệm đó chỉ khi trải nghiệm thực tế mới có được. Hai mươi hai năm công tác trong nghề hàn, ngoài giờ làm, chị Hoàn luôn tranh thủ trao đổi với anh em đồng nghiệp, xem thêm tài liệu trên mạng, nghiên cứu sách về kỹ thuật hàn điện, hàn hơi, hàn kim loại màu… để áp dụng vào công việc một cách hiệu quả nhất. Anh Phan Quang Anh, tổ trưởng tổ hàn, phân xưởng sửa chữa chia sẻ: “Chị Hoàn là thợ hàn có nhiều năm kinh nghiệm nhất của tổ, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Có thể nói bây giờ tay nghề của chị Hoàn rất vững. Cuối năm 2015, chị được công nhận bậc nghề 7/7. Nhiều lúc điều kiện làm việc ngoài trời khắc nghiệt, đòi hỏi phải tăng ca nhưng chị luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao”.

Dù công việc nặng nhọc nhưng các chị vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian, hoàn thành tốt công việc ở xưởng. Mỗi ngày, trước 6 giờ sáng, khi đã lo xong công việc gia đình, trên chiếc xe đạp cũ, ngoằn ngoèo con đường chị Hoài vào công trường khai thác. Chồng chị cũng là thợ lái trong nhà máy nên luôn thông cảm và chia sẻ công việc gia đình, để chị toàn tâm hoàn thành công việc được giao. Công việc hằng ngày của chị là quấn mô tơ, lắp điện máy bơm, sửa chữa các thiết bị điện trong mỏ… Hiểu nghề và yêu nghề là yếu tố để chị không quản vất vả, thực hiện những công việc có tính đặc thù nhằm đảm bảo việc khai thác sản xuất của công ty.

TÂM LÊ

LÊ HIỀN