Giữ rừng Sông Thanh

ALĂNG NGƯỚC - VĂN KHANH 27/02/2017 09:29

Cùng với việc thường xuyên tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng huyện Nam Giang còn lập các trạm chốt chặn tại các vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nhằm bảo vệ rừng, nhất là khi Bộ NN&PTNT lập hồ sơ nâng hạng khu bảo tồn thành Vườn quốc gia Sông Thanh.

Sau gần nửa giờ đồng hồ theo chân của đoàn tuần tra Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bằng đường thủy, chúng tôi đến vùng lõi khu bảo tồn tiếp tục hành trình tuần tra, kiểm soát. Nhiệm vụ đầu tiên của đoàn là chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi cho đoàn tuần tra dọc khu bảo tồn. Mỗi người một việc, trong thời gian ngắn chiếc lều dã chiến đã được dựng lên, bữa cơm trưa đạm bạc chỉ có vài con cá sông kho nghệ, cùng một nồi canh mì gói nấu với rau rừng được các thành viên chuẩn bị cho chuyến tuần tra. Kiểm lâm viên Phạm Văn Cảnh cho hay, mỗi đợt tuần tra của đoàn thường kéo dài vài ngày cho đến một tuần lễ. Vì thế, ngoài rau rừng, cá suối có sẵn, đoàn tuần tra còn phải mang theo gạo và các thực phẩm cần thiết như mì tôm, cá khô, thịt heo… đảm bảo cho hành trình xuyên núi làm nhiệm vụ.

Lực lượng chức năng tuần tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Lực lượng chức năng tuần tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

Nhiều năm trước, do các đối tượng khai thác lâm sản trái phép rầm rộ hoạt động, đặc biệt là nạn khai thác vàng sa khoáng bừa bãi đã làm ô nhiễm môi trường sinh thái khiến hệ động - thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bị suy giảm nghiêm trọng. Trước thực tế đó, chính quyền huyện Nam Giang đã chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên triển khai công tác tuần tra kiểm soát, đồng thời lập các trạm chốt chặn nhằm bảo vệ nghiêm ngặt, không để xảy ra tình trạng khu bảo tồn tiếp tục bị xâm hại, ảnh hưởng đến sinh thái của vùng.

Theo ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, những năm gần đây công tác tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn của khu bảo tồn luôn được thực hiện một cách chặt chẽ và đảm bảo an toàn. Bên cạnh xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức đi tuần tra, kiểm soát theo từng thời gian cụ thể, đơn vị còn lập các trạm chốt chặn tại khu vực vùng lõi. Qua đó, đã ngăn chặn và đẩy lùi các đối tượng xâm hại khu bảo tồn, thông qua việc khai thác lâm khoáng sản trái phép. “Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ tại khu bảo tồn, chúng tôi quán triệt toàn thể cán bộ, lực lượng của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thường xuyên phối hợp tuần tra trong rừng, đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt tại các chốt chặn, nhằm mục đích ngăn chặn các đối tượng lưu thông trên lòng hồ bằng phương tiện thuyền ghe, trước khi có cơ hội tấn công sâu vào vùng lõi khu bảo tồn” - ông Hồng cho biết thêm.

Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào với diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và hơn 108.000ha vùng đệm. Qua các đợt khảo sát, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh được ghi nhận có đến 831 loài thực vật bậc cao, trong số đó có 23 loài hữu dụng và 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng của khu bảo tồn này cũng rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư...
Mới đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã được Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương lập hồ sơ nâng hạng thành Vườn quốc gia Sông Thanh, đồng thời tỉnh UBND Quảng Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, cùng một trung tâm nghiên cứu, bảo vệ thực vật loài quý hiếm tại khu vực khu bảo tồn và định hướng sẽ tạo Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng lý tưởng của vùng trong tương lai.

Bà Phạm Thị Như - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, bên cạnh làm tốt công tác triển khai lập các trạm chốt chặn và thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát một cách có hiệu quả, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh còn ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng khu vực biên giới nhằm bảo vệ nghiêm ngặt, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi khu vực khu bảo tồn. Qua đó, đã trả lại nguồn nước trong xanh vốn có của dòng sông Thanh. “Hiệu quả mang lại không những giữ được môi trường tài nguyên thiên nhiên mà còn giúp đảm bảo tính đa dạng sinh học tại khu bảo tồn không bị tàn phá. Đây thực sự là thành công lớn trong công tác phối hợp, quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường tự nhiên tại khu vực sông Thanh” - bà Như nói.

Hiệu quả bước đầu từ việc tăng cường công tác tuần tra, chốt chặn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh của chính quyền huyện Nam Giang đã đem lại tín hiệu khả quan trong việc giữ môi trường sinh thái và ngăn chặn tình trạng khu bảo tồn bị xâm hại như trước đây. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện, trong khi nhân lực cho công tác chốt chặn vẫn còn khá “mỏng” so với yêu cầu bảo vệ tại khu vực này. Dù vậy, nhiều người kỳ vọng một khi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh được nâng hạng thành Vườn quốc gia Sông Thanh, sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách thích khám phá, chiêm ngưỡng những khu rừng nguyên sinh, những con sông suối trong mát và cùng trải nghiệm với sự đa dạng về sinh vật trong môi trường hoang sơ, hùng vĩ.

ALĂNG NGƯỚC - VĂN KHANH

ALĂNG NGƯỚC - VĂN KHANH