Bên rừng, ngọn đót vẫn lay...

Phóng sự của XUÂN THỌ 26/02/2017 05:26

Tưởng nhìn tôi, sự ám ảnh vẫn còn trong khóe mắt, rụt rè đáp: “Dạ không, em không dám đi nữa đâu”. Rồi đôi bàn tay bấu chặt vào nhau, cũng đầy ám ảnh. Chúng chỉ được buông ra, sau khi thầy hiệu trưởng đến bên cạnh vỗ về an ủi. Tôi hiểu, đó là lúc em đã sẵn sàng cho cuộc trò chuyện.

Làm đót bên đường ở Nam Trà My.  Ảnh: XUÂN THỌ
Làm đót bên đường ở Nam Trà My. Ảnh: XUÂN THỌ

Thật ra thì tôi đang cố kiếm tìm những câu chuyện khác, chính xác hơn là những xúc cảm khác từ Tưởng - cũng như những cậu bé khác mà tôi đã gặp trước đó - khi tất cả đã trải qua chuỗi ngày là nạn nhân của những kẻ lợi dụng mùa đót để đưa các em đi lao động ở nơi khác.

Ngày 4.8.2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh đã giải cứu và đưa 7 em học sinh của huyện Nam Trà My bị dụ dỗ đi lao động nặng ở tỉnh Lâm Đồng về nhà an toàn. Trước đó, các em này bị một người phụ nữ tên N.T.K.D. (SN 1967, quê tỉnh Thanh Hóa, trú huyện Nam Trà My) dụ dỗ đi làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Đến Lâm Đồng, bà D. giao các em này cho một công ty chuyên môi giới việc làm... Nhận được tin báo, Phòng PC45 đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Ngày 29.7.2015, một tổ trinh sát đã vào các tỉnh Tây Nguyên để xác minh, làm rõ vụ việc. Được sự phối hợp của công an các địa phương, đến ngày 4.8.2015, Phòng PC45 phát hiện 7 lao động trẻ em thuộc các xã Trà Cang, Trà Vinh, Trà Leng, Trà Mai… đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, nhà vườn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và giải cứu, đưa các em về nhà an toàn.

1. Em tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Tưởng, học sinh lớp 9 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai, huyện Nam Trà My. So với những em tôi đã gặp trước đó và sau này, Tưởng nhỏ con hơn khá nhiều. Trong căn phòng của thầy hiệu trưởng, Tưởng nhớ về quãng thời gian này của 2 năm trước. Đó là lúc hết tết và mùa đót bắt đầu. Tưởng bữa học bữa bỏ, theo lũ bạn và người lớn đi cắt đót về bán, vì đó là cách mà em có thể kiếm ra tiền để giúp ba má xoay xở trong cái nêm chặt của đói nghèo. Trong những ngày đó, Tưởng được một người bạn rủ đi làm. Tuổi 14, em không đủ chín chắn nghĩ về nhiều điều. “Em chỉ biết là bạn rủ đi làm sẽ có tiền. Và làm dưới Tam Kỳ, mỗi lúc nhớ nhà em về cũng gần” - Tưởng nhớ lại.

Nhưng đó chỉ là nếp nghĩ non nớt của Tưởng. Bởi trong đêm trước khi xuống Tam Kỳ, em cùng 4 bạn khác gần như bị giam lỏng trong ngôi nhà của một người phụ nữ ở Trà Mai. Hôm sau, khi xe xuống đến ngã tư Nguyễn Hoàng - Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ), cả 5 được “lùa” sang một chiếc xe khác. Sau hành trình dài mệt nhoài, tất cả mới biết là mình được đưa đến Lâm Đồng. Rồi cả 5 bị tách ra, theo từng người lạ mỗi người đi mỗi hướng. Riêng Tưởng được đưa về một trại nuôi ong, tại đây, em ở chung với hai cậu bé khác cũng là người quê Nam Trà My và lớn hơn em không nhiều. Mỗi ngày, các em phải làm việc trong sự canh chừng của những gã đàn ông. Và căn trại nơi các em ở, luôn được khóa trái cửa bên ngoài, “giam” các em bên trong. Với Tưởng, đó là một công việc không quá nặng nhọc, nhưng những trận đòn roi đã khiến tâm lý em bị tổn thương và đến giờ vẫn còn hiện diện ít nhiều trong cái cách em rụt rè nói chuyện. Từ những lần bị đánh đấy, Tưởng nhen nhóm ý nghĩ trốn chạy và trên thực tế, không ít lần em cố hiện thực hóa ý nghĩ tự giải thoát mình. Nhưng tất cả đều thất bại, và tất nhiên, sau mỗi lần trốn chạy không thành, đòn dằn mặt lại trút xuống nhiều hơn. Cho đến đầu tháng 8.2015, em được Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh giải cứu và đưa về địa phương, thì sự khổ ải mới kết thúc.

Lúc bị dụ dỗ đi làm, Quốc (áo đen dài tay) đang là học sinh lớp 8. Ảnh: XUÂN THỌ
Lúc bị dụ dỗ đi làm, Quốc (áo đen dài tay) đang là học sinh lớp 8. Ảnh: XUÂN THỌ

Tưởng quả quyết: “Giờ, dù có ai đưa vàng, rủ đi, em cũng xin chừa. Sợ quá rồi”. Điều này khiến tôi nhớ đến em Nguyễn Thành Quốc, học sinh lớp 10 Trường THPT Dân tộc nội trú Nam Trà My mà tôi vừa gặp trước đó vài tiếng đồng hồ. Quốc cùng lứa với Tưởng, cùng đi với Tưởng trong chuyến đi đấy. Nhưng nếu Tưởng “được” rủ rê thì Quốc có phần chủ động tìm kiếm công việc hơn. “Vì nhà em nghèo, lại có đến 8 anh chị em, và cũng không hiểu sao lúc ấy em chán học” - Quốc thật thà. Đến Lâm Đồng, Quốc bị đưa về một trang trại trồng rau. Với sức vóc của Quốc, thì đó là một công việc không quá nặng nhọc. Nhưng ở đó, căn trại nơi Quốc và 4 cậu bé cùng cảnh khác, cũng luôn bị khóa trái cửa như Tưởng và 2 cậu bé khác ở trại nuôi ong. Và đó cũng là hoàn cảnh chung của những đứa trẻ “được” đưa đi lao động như thế.

Những lúc ấy, Quốc nhớ nhà, nhớ bạn bè đến khóc. Và thực tế, Quốc đã khóc vì thèm được lang thang núi rừng Trà Leng cùng lũ bạn. Cộng thêm với những lần bị đánh đập, Quốc nhen nhóm kế hoạch trốn chạy. “Ở đó được vài ngày, em và các bạn chịu không nổi nên đã tìm cách chạy trốn. Đó là một buổi sáng nhiều sương và lạnh. Khi chúng em chạy chưa được bao xa, thì bị phát hiện và chẳng mấy chốc bị bắt lại, vì họ chạy xe máy trong khi bọn em chạy bộ. Cả 5 đứa nhanh chóng bị đưa về căn trại và phải nếm trải những trận roi kinh hoàng” - Quốc rùng mình kể lại. May mắn thay, vài ngày sau đó, khi làm ở trại rau, em gặp một người chị cùng xã Trà Leng, cũng đang làm thuê cho một người khác ở Lâm Đồng. Quốc khóc, và chỉ biết nói đúng một câu: “Em đói”. Người chị cùng xã này, sau khi nhờ sự trợ giúp của người chủ tốt bụng, đã “chuộc” Quốc khỏi nơi khổ ải đấy, trước khi cùng 6 bạn khác trở về quê trên chuyến xe giải cứu của Phòng PC45.

2. Câu chuyện kết thúc. Tưởng xin phép trở về khu bán trú. Căn phòng chỉ còn lại tôi và thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai. Như những người đang làm trong công tác giáo dục mà tôi gặp trước đó, thầy Điệp cũng ít nhiều thở phào nhẹ nhõm, khi trong vài năm trở lại đây, Nam Trà My đã hạn chế rất nhiều tình trạng học sinh bỏ học sau tết, nhất là vào mùa đót. Nhưng, thẳm sâu trong từng tiếng thở phào ấy, vẫn còn nhịp gấp gãy. “Vì suy cho cùng, nếu các em bỏ học để đi làm đót, thì sau khi hết mùa đót các em sẽ trở lại trường. Chứ các em bị những đối tượng lén đưa đi lao động tự do ở các tỉnh xa, mà chủ yếu là Lâm Đồng, thì việc học của các em sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Như Tưởng chẳng hạn, nếu không bị dụ dỗ đi làm ở Lâm Đồng, thì bây giờ em học lớp 10 chứ không phải lớp 9” - thầy Điệp tỏ nỗi lòng. Và trên thực tế, đã có không ít em bỏ học, sau khi được giải cứu trở về.

Thầy Điệp lắng nghe câu chuyện của em Tưởng.
Thầy Điệp lắng nghe câu chuyện của em Tưởng.

Té ra, việc học sinh bỏ học vào mùa đót trong những năm trước đây, chỉ là bề nổi, song đã khiến giáo viên trong các thôn, nóc phải “mất ăn mất ngủ” để vận động các em trở lại trường. Bởi chỉ cần những giáo viên này lơ là, thì có thể vào buổi sáng hôm sau, các em sẽ thức giấc ở một nơi xa lạ. Và trên thực tế, vào những năm trước đây, khi lực lượng giáo viên còn mỏng, việc “để ý” tình trạng học sinh bỏ học vào mùa đót chưa được chú trọng nhiều, thì nhiều “cò” đã lợi dụng học sinh nghỉ học đi làm đót để dụ dỗ đi làm nơi xa. “Vài ba năm trở lại đây, hễ thấy học sinh nghỉ học, là nhà trường lập tức báo chính quyền địa phương để tìm hiểu nguyên nhân, nhờ đó mà chặn đứng được nhiều vụ. Như cách đây hơn 2 năm, khi còn là Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở xã Trà Cang (nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Cang), khi giáo viên đứng lớp báo vắng 5 - 6 em, thì nhà trường và chính quyền xã vào cuộc tìm hiểu. Biết các em bị “cò” lao động dụ dỗ, tôi gọi điện báo anh Đinh Việt Trung - Phó Công an huyện (nay là trung tá, Trưởng Công an huyện Nam Trà My), và ngay trong đêm, các tổ công an đã phong tỏa, chặn các hướng và đã giải cứu được các em khi đang trên đường bị đưa xuống Tam Kỳ” - thầy Điệp nhớ lại.

Vì nhiều lẽ, mùa đót năm nay ở Nam Trà My đến trễ và đang ở ngưỡng cửa mất mùa. Đó là lý do mà suốt gần cả tuần vừa rồi, rong ruổi trên các con đường ở Nam Trà My, tôi khó bắt gặp cảnh người ta vác đót như những năm trước. Nhưng dù gì thì, bên rừng ngọn đót vẫn lay, và những tay “cò” lao động vẫn đang chực chờ cơ hội để giở lại trò cũ, hoặc ma mãnh hơn nếu cần thiết. Trước khi tôi ra về, Trung tá Đinh Việt Trung nói với theo: “Dù là đã hạn chế được nhiều, nhưng, nhất là đến mùa đót, anh em vẫn luôn theo dõi kỹ, vì suy cho cùng, chặn đứng được từ đầu vẫn luôn là điều cần thiết nhất”.

Phóng sự của XUÂN THỌ

Phóng sự của XUÂN THỌ