Để du lịch bội thu
Quảng Nam và Đà Nẵng là những vùng đất có nhiều lễ hội dân gian. Ngoài các di sản văn hóa thế giới, bờ biển đẹp và các khu du lịch sinh thái, có lẽ lễ hội dân gian đặc sắc còn góp phần thu hút đáng kể du khách để đưa ngành “công nghiệp không khói” phát triển hơn nữa.
Các lễ hội dân gian trải dài nhiều thời trong năm cũng là một lợi thế của du lịch xứ Quảng. Có thể kể ra từ tháng Giêng âm lịch trở đi. Bắt đầu là các lễ hội đình làng Túy Loan, Bồ Bản, lễ hội Quán Thế Âm và các cuộc thi pháo hoa quốc tế cùng nhiều hoạt động du lịch vào mùa hè liên quan đến thể thao biển. Tại Quảng Nam có lễ hội cầu ngư, hát bả trạo ở các vùng sông biển, lễ giỗ tổ nghề may, cầu bông ở Hội An đến rước cộ Lệ Bà ở chợ Được vào 11 tháng Giêng, lễ hội bà Thu Bồn 12.2, lễ hội Long Chu rằm tháng 7, lễ cúng tổ Minh Hải ở chùa Chúc Thánh vào tháng 11. Ở miền núi lại có những lễ hội đặc sắc như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội thể thao các dân tộc tổ chức 2 năm một lần. Ngoài ra, chương trình Festival di sản cũng là một lễ hội đa dạng, là cơ hội quảng bá quan trọng.
Lễ hội cầu ngư được tổ chức ở xã Tam Hải (Núi Thành) vào tháng Giêng hàng năm thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Minh Đức |
Đáng chú ý là năm 2017, cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều kỷ niệm 20 năm thành lập đơn vị hành chính mới. Các địa phương cũng đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến hội nghị cấp cao APEC cùng Festival diều quốc tế; Hội thi hợp xướng quốc tế; Lễ hội sâm Ngọc Linh; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch biển tại Tam Thanh; Triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam”; Liên hoan dân ca bài chòi các tỉnh miền Trung và trưng bày chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung; Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên; trình diễn nghi thức trồng cây nêu các dân tộc Việt Nam với chủ đề “Hương sắc vùng cao Quảng Nam”; Festival tơ lụa Việt Nam và thế giới… Đó là những cơ hội rất hiếm có cho phát triển du lịch.
Lễ hội văn hóa và các hoạt động nêu trên chính là mảnh đất màu mỡ cho phát triển du lịch nếu biết cách tổ chức, tiếp thị. Cách đây hơn 5 năm, các khu du lịch Furama resort và Bà Nà - Suối mơ đưa chợ quê vào hoạt động trong dịp tết là một ví dụ. Bởi chính sắc thái văn hóa đặc trưng sẽ làm nổi bật những giá trị truyền thống của một vùng đất trước làn sóng du khách đang hướng về Việt Nam. Sự kiện hơn 250 nghìn du khách đến Đà Nẵng và Quảng Nam trong dịp tết cổ truyền vừa qua (gấp 4 lần cách đây 5 năm) chứng minh rằng cùng với hạ tầng kỹ thuật và giao thông phát triển, cả hai địa phương ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, giải trí đẳng cấp và đã tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn các lễ hội (như đường hoa, công viên châu Á Đà Nẵng, nghệ thuật ánh sáng Hội An), mặc dù thời tiết không thuận lợi. Tuy vậy, con số du khách đến hai địa phương mỗi năm chỉ dừng ở mức trên dưới 4 triệu người hiện nay là còn quá thấp. Thành phố San Francisco (Mỹ) có dân số tương đương Đà Nẵng, nhưng lượng du khách đến đó hàng năm lại gấp 10 lần, Hồng Kông có diện tích hơn 1.100km2 (gần bằng Đà Nẵng) với 7,5 triệu dân cũng thu hút đến hơn 25 triệu du khách mỗi năm. Thái Lan năm 2016 là 32 triệu. Đó là những con số cần được so sánh để phấn đấu.
Bài học phát triển thị trường, tiếp thị du lịch và liên kết giữa các hoạt động kinh doanh liên quan, kể cả hàng không, bán hàng lưu niệm và vận chuyển khách du lịch theo mô hình hợp nhất để chia sẻ chuỗi giá trị ở Thái Lan vẫn rất rõ rệt cho chúng ta nghiên cứu. Nhưng trước hết trong bài học kinh nghiệm này vẫn là việc họ đưa thông tin ra các thị trường du lịch từ rất sớm, có khi trước cả năm và cập nhật thông tin từng quý. Nếu các lễ hội và các sự kiện ở Quảng Nam và Đà Nẵng năm 2017 được chia sẻ thông tin như kinh nghiệm của Thái, ta có quyền hy vọng rằng năm nay, du lịch của hai địa phương sẽ tạo ra những bước nhảy vọt, tạo tiền đề bội thu cho các năm sau.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG