Sum vầy ngày tết

LÊ DIỄM 02/02/2017 09:12

Từ bốn phương, những công nhân trở về quê ăn tết sau một năm vất vả mưu sinh. Được sum vầy cùng gia đình, đoàn tụ cùng người thân, bạn bè là điều tuyệt vời nhất đối với họ trong năm mới.

Cùng nhau gói bánh chưng ngày tết.Ảnh: DIỄM LỆ
Cùng nhau gói bánh chưng ngày tết.Ảnh: DIỄM LỆ

Trên chuyến xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My ngày 28 tháng Chạp, có rất đông thanh niên tay xách nách mang, háo hức trở về đoàn tụ với gia đình sau một năm bôn ba xứ người. Anh Đinh Văn Thành (quê Bắc Trà My) cho biết, sau khi xuống chuyến xe khách từ TP.Hồ Chí Minh về đến Tam Kỳ, thấy xe buýt anh liền đón về nhà, không kịp uống ly nước. Hơn 10 năm bôn ba nơi xứ người, nhưng năm nào anh Thành cũng về quê đón tết. Năm nay anh còn mang về thêm cho ba mẹ một cô con dâu mới. Siết chặt tay cô bạn gái, anh Thành cười nói: “Năm này về quê ba mẹ sẽ vui hơn. Tôi đi làm xa hơn chục năm rồi, năm nào về quê ai cũng hỏi vợ con sao chưa thấy, chỉ biết cười trừ rồi im lặng. Giờ thì dắt về luôn để ra mắt gia đình”. Anh Thành mang theo lỉnh kỉnh những bánh mứt, trái cây, áo quần... để về làm quà cho ba mẹ, anh chị và các cháu. “Biết là ở quê không thiếu gì cả, nhưng đi xa về là ưng có món quà nhỏ cho mọi người. Mang về thế này chắc chắn bị la mua làm gì mang cho nặng, nhưng thế mà vui” - anh tâm sự.

Không khí ngày tết trong các gia đình ở các làng quê vui hơn, xôm tụ hơn khi con cháu có dịp quây quần, sum họp. Ngày thường, ai cũng ra đi xa xứ, tìm kiếm kế sinh nhai, chỉ còn lại những người lớn tuổi. Tết đến xuân về, thanh niên xa xứ về lại quê, làng xóm cũng trở nên nhộn nhịp. Gia đình bà Lê Thị Ái (Phú Ninh) có đến 4 người con, nhưng chỉ có một cô con gái lấy chồng ở Núi Thành nên lâu lâu mới về thăm, còn lại 2 anh con trai và cô gái út đều đi làm, đi học ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Mỗi năm, chỉ có tết là con cái quây quần đông đủ. Năm này, các con đều về đủ, có cả dâu rể nên bà Ái chia với hàng xóm một con heo để ăn tết. Bà nói: “Mấy đứa con đi làm công nhân, ăn uống trong đó không biết thế nào. Làm công nhân thì lương không cao như người ta nên chúng nó phải tiết kiệm, tích cóp để nuôi con cái, nuôi đứa em ăn học nữa. Thiếu đủ chi ba ngày tết, kệ, cứ lo cho tụi nó ăn uống đủ đầy. Chỉ trông tụi nó về là vui rồi”. Ngày 29 tết, gia đình bà Ái đã có đông đủ con cái quây quần, bà dù bận rộn tối ngày ở dưới bếp khi con cháu về nhưng lúc nào cũng nói cười vui vẻ.

Cả một năm đi xa quê, ai về lại quê hương cũng thấy bồi hồi, rạo rực. Bởi vậy nên dù có thiếu thốn ra sao, mỗi người cũng cố gắng tích cóp để có thể trở về với mẹ cha, với gia đình trong những ngày đầu năm mới. Quay về, để rồi lại ra đi, ai cũng chạnh lòng. Mùng 4 tết, chị Nguyễn Thị Hiền (quê Tiên Phước) đã phải gói ghém tết lại một bên, xách hành lý lên đường trở vào TP.Hồ Chí Minh. Chị phải vào bởi công ty chị làm việc trở lại Mùng 6 tết. Ngày tết nghỉ không nhiều, thời gian đi về đã hết hơn 3 ngày ròng rã, nhưng chị Hiền phải về quê với cha mẹ. Chị tâm sự: “Nhà tôi neo người, có anh trai đi xuất khẩu lao động ở xa rồi, nên tôi phải về chứ không cha mẹ buồn. Tết mà, nhà ai cũng có con cái quây quần, để cha mẹ đi ra đi vô trông ngóng thì ở trong đó tôi cũng không vui. Về có mấy ngày, nhưng như vậy còn hơn không. Về rồi đi, mẹ cứ khóc miết. Nhưng phải đi làm thôi, tôi cũng có ý định về quê tìm công việc gì đó gần nhà, gần cha mẹ nhưng trong đó việc đang tốt, chưa thể về được”.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM