Người đam mê đại dương
(Xuân Đinh Dậu) - Qua nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp TS.Chu Mạnh Trinh (công tác tại Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) sau khi ông từ đảo Lý Sơn về. Ông say sưa nói về đại dương, các sinh vật sống dưới nước lẫn trên bờ, rừng ngập mặn nơi “dòng sông gặp biển”...
Làm báo, không ít lần tiếp xúc và trích dẫn ý kiến của ông nhưng tôi chỉ bắt đầu để ý đến chuyên gia môi trường này tại một hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Hội An bàn giải pháp cứu biển Cửa Đại cách đây gần 2 năm. Giữa các nhà khoa học đầu ngành có uy tín trong nước và quốc tế, TS. Chu Mạnh Trinh nói giọng Quảng Nam “rặt”. Thế mà, khi bảo vệ quan điểm bảo tồn, tranh biện tới cùng bằng tiếng Anh, ông tuôn một mạch lưu loát, khiến cả hội trường vỗ tay thán phục.
TS. Chu Mạnh Trinh (trái) trao đổi kinh nghiệm làm bảo tồn với các chuyên gia quốc tế tại Cù Lao Chàm. Ảnh: HỮU PHÚC |
“Nợ duyên” cùng biển
Ông Trinh học ngành sinh thái học tại Trường Đại học Đà Lạt, sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ trong nước. Sau nhiều năm nghiên cứu, học tập tại Mỹ, Hà Lan, ông về lại Quảng Nam làm việc trong ngành lâm nghiệp. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khởi nghiệp với ngành công nghệ chế biến thực phẩm nước mắm, nhưng niềm đam mê khoa học đã gắn kết ông với các “sinh linh biển”. Từ năm 2000 đến nay, nhiệm vụ xuyên suốt của TS. Trinh là khám phá những bí ẩn của đại dương. Năm 2003, ông ra Cù Lao Chàm nghiên cứu đa dạng sinh học. Cũng từ đây, hòn đảo xanh níu giữ ông đến bây giờ. Cù Lao Chàm ngày đó vẫn còn hoang sơ, hệ sinh thái biển gần như vẫn còn nguyên vẹn, nhưng từ ngày Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, với tốc độ phát triển du lịch chóng mặt cùng với những “tai biến” của thiên nhiên đã phá vỡ cảnh quan môi trường sinh thái tại đây.
Cù Lao Chàm.Ảnh tư liệu |
Điều may mắn là năm 2009 Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các tổ chức quốc tế, chuyên gia môi trường bắt đầu lưu tâm đến bảo tồn biển. Hàng loạt dự án bảo tồn nằm trong chương trình hợp tác phát triển giữa Chính phủ Việt Nam với các nước Đan Mạch, Hà Lan, các trường đại học danh tiếng trên thế giới triển khai tại Hội An. TS. Trinh quả quyết, sử dụng tài nguyên kém hiệu quả là con đường dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi biển, chứ không phải nằm ở nguyên nhân khai thác như nhiều người quan niệm. Các công trình, đề án bảo tồn của ông đã thực sự thuyết phục chính quyền và người dân. Vùng biển Cù Lao Chàm đã khoanh định vùng cấm đánh bắt, khu vực được phép khai thác nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đưa ra. Ở vùng triều, chính quyền đã dành nguồn lực xây dựng bãi đẻ cho các loài sinh vật biển bằng việc trồng rừng ngập mặn ở cửa sông.
Khái niệm bảo tồn là cái gì đó hoàn toàn mới lạ với người dân xã Tân Hiệp, nhưng qua cách truyền đạt của ông Trinh tại các buổi nói chuyện, ngư dân ở đây đã dần thay đổi nhận thức và hiểu lợi ích của bảo tồn. “Những năm đầu nghiên cứu hình như ngày nào tôi cũng cùng ăn cùng ở, cùng sinh hoạt với ngư dân. Mỗi năm tôi hướng dẫn bà con 5 - 7 khóa học, nói về cái lợi lâu dài của bảo tồn. Đời sống của người dân có ổn định, du lịch có phát triển hay không, phụ thuộc rất lớn vào ý thức bảo vệ môi trường. Tôi hướng dẫn cho người dân cách phân loại rác thải, cách làm du lịch cộng đồng. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự đồng thuận của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học” - ông Trinh bộc bạch.
Xây dựng kinh tế xanh
Bảo tồn biển dứt khoát sẽ sinh lợi, tạo việc làm cho người dân, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xanh. Xét cho cùng du lịch ở Hội An là du lịch bảo tồn.(TS. Chu Mạnh Trinh) |
TS. Trinh bảo rằng, ông là người may mắn vì được lãnh đạo cơ quan cho làm việc với cơ chế đặc thù. Quanh năm suốt tháng là những chuyến lên rừng xuống biển. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của ông hướng đến mục tiêu xây dựng “ngôi nhà xanh” để các sinh vật biển sinh sôi, nảy nở. “Lúc đầu khi chính quyền yêu cầu không được khai thác cua đá đang thời kỳ sinh sản, hoặc con có kích cỡ nhỏ, người dân phản ứng gay gắt. Được chính quyền TP.Hội An ủng hộ, tôi lập một đề án bảo vệ loài cua và nâng chuỗi giá trị sản phẩm này” - ông nhớ lại. Hiện nay, cua đá ở Cù Lao Chàm có kích thước 7cm trở lên mới được phép bắt và phải được dán nhãn sinh thái khi đem tiêu thụ. Muốn khai thác cua đá phải đăng ký theo từng nhóm tổ. Mỗi năm khai thác theo mùa và giới hạn từng khu. Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm hiện có 36 thành viên, hoạt động theo một quy ước chung, có sự giám sát của các cơ quan chức năng. TS. Trinh cho rằng, sự khôn ngoan của địa phương là thu hút cộng đồng cùng làm công tác bảo tồn, nhưng vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân với nghề đánh bắt. Người dân giờ đây “rất sợ” làm tổn thương thiên nhiên.
Hết bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao (tôm hùm, ốc vú nàng, cua đá), TS.Trinh lại đồng hành với chính quyền vận động, thuyết phục người dân trực tiếp bảo vệ rùa biển. Ông Trinh trăn trở: “Cù Lao Chàm không thiếu bãi đẻ cho rùa biển, nhưng trước khi để cá thể rùa phát triển mạnh ở đây, chúng tôi phải tốn nhiều thời gian, công sức ra Vườn Quốc gia Côn Đảo nghiên cứu để di chuyển các tổ trứng rùa về. Và nữa, một hành trình dài sẽ được thực thi bởi các bên liên quan với trách nhiệm đồng quản lý và người dân phải nói không với tiêu dùng trứng rùa”. Từ các công trình nghiên cứu của TS. Trinh và đề xuất của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chính quyền Hội An quy hoạch phân vùng biển tự nhiên cho rùa biển về và lên bãi cát sinh đẻ, lập trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển. Sắp đến, sẽ có khoảng 3.000 trứng rùa từ Vườn Quốc gia Côn Đảo di dời về biển Cù Lào Chàm.
Ông Trinh khẳng định, phát triển kinh tế, bảo vệ di sản văn hóa ở Hội An không bao giờ tách rời hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Lâu dài Hội An phải thay đổi cách làm du lịch, dịch chuyển các hệ thống nhà hàng ăn uống về phía Cẩm Hà, hay huyện Duy Xuyên. “Chúng tôi ước vọng một ngày không xa, Cù Lao Chàm sẽ là điểm đến của du lịch sạch. Làm thế nào để du khách đến đây thực sự tận hưởng chất lượng cuộc sống, sẵn sàng bỏ tiền ra mua không khí trong lành, môi trường thân thiện chứ không phải là sản phẩm nào khác. Kinh tế xanh sẽ là tầm nhìn chiến lược của du lịch xã đảo” - ông Trinh mong muốn.
TRẦN HỮU PHÚC